Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Không nên xem nhẹ khi trẻ bị đau đầu

Không nên xem nhẹ khi trẻ bị đau đầu

Chóng mặt, buồn nôn có thể là biểu hiện của bệnh lý tại não gây nguy kịch cho tính mạng của trẻ.
 
 
  
Bé trai 11 tuổi (ở Hải Phòng) vừa được chuyển đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch: lơ mơ, chậm chạp, liệt chân tay, mạch chậm, được chẩn đoán nguyên nhân do một khối u mạch lớn ở thân não gây chảy máu não. Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật sau khi hội chẩn các chuyên khoa: phẫu thuật thần kinh, hồi sức, gây mê.
 
 
Các bác sĩ cũng đánh giá đây là ca mổ nhiều thách thức do khối u ở thân não to, chảy máu khiến bệnh nhân hôn mê, khó thở, liệt chân tay, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, tổn thương ở thân não nên có thể ngừng tim trên bàn mổ hoặc sau mổ bệnh nhân sẽ không thở lại được.
 
“Trong phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy bỏ khối u, lấy máu tụ. Hai tuần sau phẫu thuật bệnh nhân bình phục, đã có thể nhận biết, tiếp xúc nhưng cần tiếp tục được chăm sóc, phục hồi chức năng vận động”, Th.S-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh I, BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết.
 
Mẹ của bệnh nhân cho biết, khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, cháu bị chóng mặt, buồn nôn, mức độ khó chịu nhiều hơn nên gia đình đưa cháu đến BV tỉnh khám và được chuyển lên một BV T.Ư để theo dõi và điều trị. Nhưng khi lên tuyến trên, qua chẩn đoán và hội chẩn, các bác sĩ đánh giá tình trạng nặng quá, không chữa được và cho về nhà. Bệnh nhân về nhà sau đó hồi tỉnh nên gia đình lại tiếp tục đưa bệnh nhân trở lại BV T.Ư nhưng các bác sĩ vẫn bảo bệnh rất nặng không thể điều trị và cho về nhà. Tuy nhiên, gia đình tự quyết định chuyển bệnh nhân lên BV Hữu nghị Việt Đức.
 
Tại Việt Đức, mỗi năm nhận khám, điều trị và phẫu thuật khoảng 3.000 ca u não. Bệnh nhân u não có thể bị các triệu chứng như: động kinh, co giật; mất hoặc giảm vận động... Các bác sĩ lưu ý, đau đầu, buồn nôn cùng một vài triệu chứng đi kèm có thể là gợi ý của u não nhưng không ít trường hợp người mắc chủ quan, tự điều trị bằng thuốc giảm đau, thậm chí tự chẩn đoán bị “cảm”.
 
Tuy nhiên, người bệnh cần đến BV khi tình trạng đau đầu tăng dần, đau đầu nhiều sử dụng thuốc giảm đau không khỏi; đặc biệt lưu ý khi đau đầu kèm một trong các dấu hiệu nôn, buồn nôn, yếu chi, nhìn đôi, giảm thị lực, nói khó… Với một số trường hợp u não, cần tái khám định kỳ theo dõi nguy cơ tái phát.
 
 
NAM SƠN
492    15-09-2018