Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Khuôn vàng thước ngọc

 

Nhân loại có một khuôn vàng thước ngọc, bởi lẽ: “chính Người mới có những khuôn vàng thước ngọc”. Chúa Giêsu ban lề luật đích thực này: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Nếu mọi người tuân theo lề luật này thì chính nó sẽ làm cho tất cả mối quan hệ giữa con người trở nên quý giá.

Lời Chúa hôm nay, ta được mời gọi hãy suy nghĩ về cách đối nhân xử thế giữa người với người trong thế giới ngày nay. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, hẳn ta còn nhớ  qua việc nối kết giữa ứng xử rất đẹp của Abraham với cháu mình là ông Lót và lời dạy của Chúa Giêsu: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!”

Chúng ta sống là sống với, và mỗi người chúng ta đều là anh em cùng một Cha trên trời. Giáo lý này không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc sống trong mối tương quan giữa người vời người, chúng ta nhận ra rất nhiều thiếu sót; không chỉ đối với những người bên ngoài mà còn ngay chính trong gia đình, những người máu mủ ruột thịt với mình. Chính những thiếu sót này sẽ làm giảm và làm mất đi giá trị việc bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu nói: "Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình." (Mt 5,23-24). Hay như trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: “tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!”. Qua câu nói này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc sống mối tương quan giữa người với người thế nào. Nó như là điều kiện thiết yếu để xứng đáng đến với Chúa.

Yêu anh em thật thì không hẳn sẽ mến Chúa; bởi có nhiều người không theo tôn giáo nào nhưng vẫn sống bác ái yêu thương rất tốt, tốt hơn người có đạo. Nhưng mến Chúa thật thì chắc chắn phải yêu anh em. Thánh Gioan nói: "Nếu ai nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4:20). Và ngài còn tái xác định: "Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4:21).

Rất hợp lý, rất lôgíc. Chúng ta là những người có tôn giáo hẳn hoi. Chúng ta là những người tin Chúa, là con Chúa. Do đó, cách thể hiện lòng tin, lòng mến Chúa của chúng ta rõ ràng nhất chỉ có thể là yêu anh em, sống tình anh em; không cần phải xét nhiều, chỉ cần nhìn cách chúng ta sống tình anh em sẽ biết chúng ta sống tình Chúa thế nào. Như vậy, một xúc phạm đến tình anh em thì trước hết xúc phạm đến Thiên Chúa. Và có thể nói, khoảng cách giữa chúng ta với Chúa cũng chính là khoảng cách giữa chúng ta với anh em. Xa cách anh em cũng chính là xa cách Thiên Chúa.

          "Anh em tôi chính là quà tặng Chúa ban cho tôi, và Tôi cũng chính là quà tặng Chúa ban cho anh em tôi". Đây là câu nói mà tôi rất thích, nếu ai biết áp dụng câu nói này vào cuộc sống, thì tôi tin chắc rằng cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Cầu xin Chúa cho mọi người luôn ý thức điều đó, để biết đón nhận nhau như những món quà Chúa ban và sống với nhau trong tình huynh đệ gắn bó yêu thương.

          Ta cũng tìm thấy một bản văn đối nghịch với lề luật này từ những tôn giáo khác: “đừng làm cho người khác cái mà anh em không muốn người khác làm cho anh em”. Điều này cũng tốt nhưng chưa đủ. Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta hơn thế, không phải chỉ việc chúng ta không làm cái mà chúng ta không muốn người khác làm cho chúng ta, nhưng chúng ta hãy làm cho người khác cái mà chúng ta muốn họ làm cho chúng ta nữa. Tránh làm tổn thương đến người khác là tốt rồi, nhưng tốt hơn nữa là biết giúp đỡ người khác khi họ cần đến sự giúp đỡ.

Chúa Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mỗi người đối với tha nhân. Sự độc đáo nơi nguyên tắc của Ngài: không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em, nghĩa là sống bác ái, biết cho đi với tất cả lòng quảng đại và yêu mến.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp. Ðức Giêsu dạy ta cần khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống: những hưởng thụ, dễ dãi... để được vào Nước Trời. Muốn theo Ðức Giêsu, chúng ta phải phấn đấu với chính mình, và đi theo con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

Lẽ thường, ai cũng yêu bản thân mình và muốn người khác dành cho mình những điều tốt đẹp, chứ không muốn bị bạc đãi hay bị xúc phạm. Đức Giê-su biến ước muốn chính đáng đó của con người thành một động cơ tích cực cho lòng nhân ái:Làm cho người ta những gì muốn họ làm cho mình. Giáo huấn này của Đức Giê-su thách đố chúng ta từ bỏ cái tôi ích kỷ, thậm chí chấp nhận cả những mất mát, thiệt thòi có khi rất chính đáng và lớn lao. Điều này không bao giờ dễ, nhưng nếu chúng ta dám, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui và niềm an bình sâu thẳm trong tâm hồn.

 

 

5446    24-06-2017