Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Kinh xin bình yên

Kinh xin bình yên
KINH XIN BÌNH YÊN[1]



 
 
Đã làm người, ai trong chúng ta cũng cầu mong và cố gắng để tìm cho mình được yên bình - hạnh phúc. Thế nhưng, nhiều những lúc trong cuộc đời, mỗi người chúng ta lại cũng tự hỏi: làm thế nào để tìm được bình yên và có được hạnh phúc đích thật. Mẹ Hội Thánh đã dạy và nuôi dưỡng lòng khát khao hạnh phúc vĩnh cửu của con cái mình bằng lời “Kinh xin bình yên”: Tạ ơn Đức Chúa Trời, xin ban bình yên[2] trong đời chúng con, vì ngoài Chúa ra, chẳng ai cứu giúp bênh vực chúng con. Chúng con xin nhờ quyền phép Chúa cho được bình yên, và cho đền đài[3] Chúa được dư của lành. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời là Đấng hay ban lòng muốn thanh sạch, trí luận ngay chính, cùng sức làm việc công bằng, xin dủ lòng thương ban cho chúng con được sự bình yên thế gian chẳng thể ban được. Chúa che chở như vậy, chúng con sẽ hưởng “tứ thì bát tiết”[4] yên hàn, sẽ khỏi lo sợ kẻ thù làm hại. Như thế, lòng chúng con mới dễ chiều về đường lành mà giữ cho nên các điều Chúa răn dạy. Chúng con xin bấy nhiêu sự vì Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen

Khi đọc lời kinh, một điều tôi luôn luôn cảm nhận được, đó là: trong phần lớn các lời kinh Mẹ Hội Thánh dạy, thì lời đầu tiên thường là hướng về tâm tình “tạ ơn.” Tôi ghi nhớ điều ấy và tôi thầm ước mong mọi người khi đọc kinh cũng khắc sâu tâm tình TẠ ƠN THIÊN CHÚA. Hãy ý thức, mỗi khi muốn thưa lên với Chúa điều gì, xin mở đầu bằng lời tạ ơn chân thành xuất phát từ con tim thảo hiền của chúng ta.  

Hơn nữa, cấu trúc lời kinh không chỉ là một lời cầu xin cho được bình yên, nhưng sâu xa hơn lời kinh là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Một Thiên Chúa uy quyền và đầy tình yêu thương: Vì ngoài Chúa ra, chẳng ai cứu giúp bênh vực chúng con”, chỉ có Chúa mới cho được bình yên và dầy dư phúc lành, chỉ có Chúa mới dủ lòng thương ban cho chúng con được sự bình yên mà thế gian chẳng thể ban được. 

Vì thế, sống trong sự bình yên Chúa chúng ta hãy học nơi chân phước Êlisabeth Chúa Ba Ngôi để thưa lên cùng Chúa: “Ôi Thiên Chúa của con,… xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa, bất động và bình an như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng; xin đừng để điều gì quấy phá sự bình yên của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Ðấng Bất Biến của con, nhưng xin cho mỗi phút đem con vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa! Xin cho tâm hồn con được bình yên và trở thành thiên đường của Chúa, nơi cư ngụ Chúa yêu thích, nơi Chúa nghỉ ngơi.”
[5] Thiết nghĩ, lời cầu xin bình yên được thấm sâu như lời nguyện của chân phước Êlisabeth Chúa Ba Ngôi mới là cốt lõi lời kinh dạy cho chúng ta. Xin sự bình yên đích thực là can đảm ở lại và nuôi dưỡng tương quan với chính Thiên Chúa tình yêu.

Lời kinh cũng là lời dạy cho đức tin của chúng ta rằng: Đức Chúa Trời là Đấng hay ban lòng muốn thanh sạch, trí luận ngay chính, cùng sức làm việc công bằng.” Quả thật, có được lòng muốn thanh sạch, có được trí luận ngay chính, và sức làm việc công bằng bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, lẽ nào tâm hồn và cuộc sống không được bình yên.

Cũng nên nhớ thêm rằng, tâm tình của lời kinh được thể hiện hằng ngày trong mỗi Thánh Lễ. Tiếp liền sau lời kinh Chúa Giêsu dạy là lời kinh cầu xin bình yên: Xin an bài cho chúng con ở đời này được hưởng bình an của Cha…” hoặc “Lạy Cha,  xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…
[6] Bình yên ấy được nhân lên và trao tặng khi linh mục chủ tế đọc “bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em – và ở cùng cha”…  và rồi ta vui sướng trao hôn bình an.

Chúng ta cầu xin bình yên, chúng ta lãnh nhận bình yên và chuyển trao bình yên, vì sự bình yên đích thực chính là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chúng ta xin bình yên không phải chỉ để được hưởng mà là để hướng chiều về đàng lành giữ các giới răn của Chúa. Đó là đích nhắm cuối cùng mà lời kinh đang hướng chúng ta về: Chúa che chở như vậy, chúng con sẽ hưởng yên hàn suốt năm, sẽ khỏi lo sợ kẻ thù làm hại. Như thế, lòng chúng con mới dễ chiều về đường lành mà giữ cho nên các điều Chúa răn dạy.” Amen

 
 

[1] Bản gốc: (bên trên là bản đã sửa một số từ ngữ cho phù hợp với văn phong hiện nay) Lạy ơn Đức Chúa Trời, xin ban bằng yên trong đời chúng con, vì đừng kể một Chúa, chẳng ai cứu giúp bênh vực chúng con; chúng con xin nhờ quyền phép Chúa cho được bằng yên, và cho đền đài Chúa được dư của lành. Chúng con cầu xin cùng Đức Chúa Trời là Đấng hay ban lòng muốn thanh sạch, trí luận ngay chính, cùng sức làm việc công bằng. Xin dủ lòng thương ban cho chúng con được sự bằng yên thế gian chẳng thể ban được. Chúa che chở làm vậy, chúng con sẽ hưởng tứ thì bát tiết yên hàn, sẽ khỏi lo sợ kẻ thù làm hại, thì lòng chúng con mới dễ chiều về đàng lành mà giữ cho nên các điều Chúa răn dạy. Chúng con xin bấy nhiêu sự vì Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
[2] Bằng yên: từ điển Alexandre de Rhodes “bằng an, bằng yên.” Từ điển tiếng Việt hiện đại là “bình yên.”
[3] Đền đài: nghĩa đen là “đền thờ”, nghĩa bóng “nhà Chúa, con cái Chúa, Hội Thánh Chúa.”
[4] Tứ thì bát tiết: bốn mùa và tám mốc thời tiết quan trọng trong năm: xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí, lập xuân, lập thu, lập đông nghĩa là “bốn mùa quanh năm.”
[5] GL HTCG số 261.
[6] GL HTCG số 1037, 1041; Sách lễ qui Rôma 88 – nghi thức hiệp lễ.
10997    23-07-2019