Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Kitô giáo và cơn kiệt nhọc giữa trưa

 

Có một ý kiến cho rằng thật hay khi so sánh mỗi thế kỷ Kitô giáo tồn tại với mỗi năm cuộc đời. Thế thì Kitô giáo được 21 tuổi, đủ lớn để có sự trưởng thành căn bản nhưng vẫn còn lâu mới chính chắn hoàn toàn. Ý kiến này có nhận thức thấu suốt đến thế nào?

Đây là một câu hỏi phức tạp bởi Kitô giáo là tổng thể các cộng đoàn phụng tự và linh đạo trải khắp thế giới. Ví dụ như, nói về các giáo hội, thật khó để nói về một giáo hội Kitô giáo theo kiểu toàn cầu. Chẳng hạn như, ở châu Phi, hầu hết các giáo hội đều trẻ trung, đầy sức sống trẻ, và tăng trưởng mạnh, với những tiềm lực và vấn đề đi kèm. Ở Đông Âu, các giáo hội vẫn còn trong giai đoạn phục hồi sau nhiều năm bị đàn áp dưới thời cộng sản và giờ đang đấu tranh để tìm sự cân bằng và sinh lực mới trong một xã hội thế tục hóa hơn bao giờ hết. Các giáo hội Mỹ La tinh thì ngả theo thần học giải phóng. Vì ở đó có các vấn đề công bằng xã hội, có những người đấu tranh vì nó nhân danh Chúa Giêsu, và tất cả đã tạo nên một sắc thái linh đạo và cái nhìn riêng về giáo hội.  Ở châu Á, tình hình còn phức tạp hơn. Người ta sẽ nói về bốn biểu đạt riêng biệt của giáo hội và tương đồng với nó là bốn linh đạo khác nhau ở châu Á. Là châu Á Phật giáo, châu Á Ấn giáo, châu Á Hồi giáo, và một châu Á hậu Kitô giáo. Các giáo hội và linh đạo biểu lộ khá là khác nhau ở nhiều vùng châu Á. Cuối cùng là Tây Âu và Bắc Mỹ, gọi chung là “Phương Tây.” Có vẻ như ở Phương Tây, Kitô giáo không còn tỏa sáng theo kiểu trẻ trung và đầy sức sống, nhưng nhìn qua có vẻ như một đối tượng già nua, mệt mỏi rồi.

Đó có phải là cái nhìn đúng về Kitô giáo ở Tây Âu, Bắc Mỹ, và các khu vực thế tục hóa cao trên thế giới? Các giáo hội chúng ta có già nua, mệt mỏi, và kiệt quệ không?

Đấy là một góc nhìn thôi, bức tranh toàn cảnh cho chúng ta một cách diễn giải khác. Sigmund Freud và Karl Marx, cùng với nhiều nhân vật theo Thời đại Ánh sáng, thấy Kitô giáo là một thứ hết thời, một thực thể đang hấp hối, là cái chết không thể tránh khỏi của sự ngây thơ khờ khạo.  Nhưng Teilhard de Chardin cũng nhìn vào bối cảnh đó, lại thấy mọi chuyện theo chiều ngược lại. Với cha, Kitô giáo vẫn còn “mang tã” đang đấu tranh để lớn lên trưởng thành, một đứa trẻ vẫn còn học đi, do đó thỉnh thoảng vấp ngã. Ngòi bút thiêng liêng đương đại, Tomas Halik, người vừa giành Giải Templeton danh tiếng, lại đưa ra một cái nhìn khác. Với Halik, Kitô giáo ở Phương Tây đang trải qua “cơn kiệt nhọc giữa trưa” hay như tình trạng mất ý tưởng của một nhà văn.  Ông rất đồng tình với điều mà Charles Taylor đã nói trong công trình nghiên cứu của ông, Một Thời đại Thế tục (A Secular Age). Với Taylor, những gì chúng ta đang thấy ngày nay không hẳn là một cuộc khủng hoảng đức tin cho bằng một cuộc khủng hoảng về hình dung và dung nạp. Các ngòi bút Kitô giáo trước đây đã gọi chuyện này là “đêm tối của tâm hồn,” và Halik cho rằng đây không phải là chuyện xảy ra vào cuối ngày, mà là vào lúc giữa ngày.

Tôi rất đồng tình với Halik.  Kitô giáo, các giáo hội và linh đạo ở Tây Âu và Bắc Mỹ không già cỗi và hấp hối, không phải là một đối tượng hết thời. Thật ra, đó vẫn là những đối tượng trẻ trung, mới chỉ 21 tuổi, vẫn còn nhiều điều cần trưởng thành. Nhưng tôi đồng ý với các chỉ trích mang tính bảo thủ rằng, không phải chắc chắn sẽ trưởng thành được như thế, nhưng chuyện này dựa vào việc chúng ta đưa ra những chọn lựa rõ ràng và dấn thân mạnh mẽ với một đức tin chân thật. Như bất kỳ bậc cha mẹ nào, bạn sẽ biết là không có gì bảo đảm đứa con 21 tuổi của bạn sẽ đạt được sự chính chắn trưởng thành. Mọi chuyện có thể xảy ra ngược lại, và với Kitô giáo ngày nay cũng thế. Không có gì là bảo đảm.

Nhưng trong đức tin, và trong các chọn lựa cùng dấn thân mà chúng ta sẽ phải thực hiện, điều quan trọng là chúng ta phải xác định đúng về mình để làm đúng việc. Chúng ta không già nua và hấp hối. Chúng ta trẻ trung, và dù cho đang bị “cơn kiệt nhọc giữa trưa” hành hạ, thì chúng ta vẫn còn cả buổi chiều nữa mà. Buổi chiều của chúng ta vẫn có đó, và nhiệm vụ của buổi chiều khá khác biệt với nhiệm vụ của buổi sáng hay buổi tối.  Như James Hillman đã nói: “Những năm đầu đời phải tập trung vào làm việc cho xong, còn những năm sau cuối đời phải dành để suy nghĩ xem đã làm được những gì và làm thế nào.”

Nhưng buổi chiều phải tập trung vào một chuyện khác, cụ thể là, nhiệm vụ đào sâu. Cả linh đạo và nhân học đều đồng ý rằng buổi xế chiều của cuộc đời là thời gian quan trọng để trưởng thành, một thời gian quan trọng để đào sâu nội tâm. Và phải nhớ, đây là đào sâu chứ không phải phục hồi.

Không thể thắng được cơn kiệt nhọc giữa trưa của chúng ta bằng cách trở lại làm công việc buổi sáng với hy vọng làm cho mình tươi mới, cũng không phải bằng ngồi nghỉ ngơi thụ động. Phải thắng cơn kiệt nhọc giữa trưa bằng các tìm những nguồn suối tươi mới đang chôn sâu bên trong chúng ta.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

951    15-11-2017