Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Làm thế nào để dung hòa vợ chồng khác tôn giáo ?

KHI VỢ CHỒNG KHÁC TÔN GIÁO
ĐIỂM CHUNG NÀO ĐỂ DUNG HÒA ?
VŨ NGUYỄN ANH THẢO
---------
 
GẶP YÊU, ĐƯỢC YÊU VÀ LẤY NGƯỜI CÙNG TÔN GIÁO THÌ THẬT LÝ TƯỞNG, NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ MAY MẮN ĐÓ. HIỆN VẪN CÒN KHÔNG ÍT NHỮNG ĐÔI BẠN KHI QUYẾT ĐỊNH TIẾN TỚI HÔN NHÂN ĐỀU CÓ CÙNG BĂN KHOĂN CỦA CẢ CÁC BẬC CHA MẸ Ở NHIỀU GIA ĐÌNH : ANH ẤY HOẶC CÔ ẤY CÓ “CÙNG ĐẠO” HAY KHÔNG ?
 
Khi đôi bạn vượt qua rào cản tôn giáo để tiến tới hôn nhân với giao ước “đạo ai nấy giữ”, không phải đôi nào cũng êm ả trong đời sống gia đình sau khi kết hôn. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là hôn nhân chỉ hạnh phúc thực sự khi cả hai cùng một niềm tin, tín ngưỡng. Thực tế, cũng có những cặp vợ chồng khác tôn giáo vẫn sống hạnh phúc vì biết dung hòa và tôn trọng niềm tin công giáo không những của riêng người bạn đời mà còn cả gia đình bên vợ, bên chồng… Có dịp gặp những đôi vợ chồng ấy, chúng tôi đã được chia sẻ những “bí kíp” hạnh phúc từ cuộc sống đời thường của mỗi người.
 
Chị Bùi Thị Hậu, 32 tuổi, là tiểu thương ở chợ. Chị vốn là người Phật giáo, kết hôn với anh Vũ, đạo Công giáo. Hai anh chị đã có với nhau một mặt con và hiện sống thật hạnh phúc trong căn nhà nhỏ trên đường Trần văn Đang (quận 3, TP.HCM). Chị kể, mỗi lần gia đình chị ở Hốc Môn có giỗ chạp, anh Vũ vẫn tham gia góp tiền, góp công nấu nướng, dọn dẹp. Và sau những nghi thức tôn giáo của gia đình nhà vợ diễn ra xong, anh lại “hồn nhiên” tiếp đón khách mời, vui vẻ đốt nhang xá bàn thờ ông bà. Còn chị Hậu, sống với gia đình chồng, một mực kính trọng cha mẹ, anh chị của chồng. Những ngày lễ của Công giáo, chị tình nguyện mua bông hoa dâng Chúa, dâng Mẹ Maria, nấu các món ăn ngon trong những dịp lễ lớn như lễ Giáng sinh, Phục sinh… Cả hai anh chị đều cho biết, dù trước khi kết hôn, mỗi người có một tín ngưỡng riêng nhưng giờ thì cả hai đều hòa hợp, tôn trọng tín ngưỡng của nhau để giữa vợ chồng và gia đình hai bên nội ngoại không nảy sinh mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm.
 
Chị Dương Kim Hà, 41 tuổi, người Công giáo, là công nhân, kết hôn với anh Phạm Văn Dũng, gia đình đạo Phật. Anh chị đã có hai con : Con lớn năm nay đã 18 tuổi, bé út cũng đã lên 10. Cuộc sống gia đình của anh chị trôi qua êm đềm. Hỏi về bí quyết “hòa đồng tôn giáo”, chị kể : “Lễ giỗ, tôi cũng phụ gia đình làm những món chay, tôi tập tành làm đồ chay, ban đầu vụng về, dần cũng ngon hơn. Các nghi lễ “thờ cúng tổ tiên” trong gia đình chồng, tôi đều am hiểu và tuân thủ. Tôi thấy cũng không có gì phức tạp cả. Còn anh Dũng thì đối với gia đình bên nhà tôi cũng rất lễ độ, một mực kính trên nhường dưới. Các nghi lễ tôn giáo bên đạo mình, anh ấy cũng đều tôn trọng, không bao giờ tỏ thái độ “bài bác” hay khinh chê…”.
 
Chị Thanh Phương, 42 tuổi, hiện là giáo viên Trung Tâm Bảo Trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP.HCM) kết hôn với anh Quân, 47 tuổi, làm việc tại công ty men bánh mì Cát Tường. Anh là con trai độc nhất trong gia đình đạo Phật, chị Thanh Phương đạo Công giáo. Sau hơn 10 năm chung sống hạnh phúc với hai mặt con : Bé Mai Anh đang học lớp 8, bé Uyên đang học mẫu giáo. Chị Phượng vẫn đều đặn chở mẹ chồng đi tịnh ở chùa ngày Chúa nhật. Anh Quân vẫn cùng vợ đi lễ nhà thờ, tham gia ca đoàn và những hội đoàn Công giáo khác. Chị Phương cũng học nấu đồ chay để phục vụ những ngày cúng giỗ của gia đình chồng. Cũng như chị Kim Hà, chị Phượng và anh Quân cùng nói : “Khác tôn giáo không phải là rào cản hay chướng ngại gì khi cả hai cùng yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”.
 
Theo anh Thắng, 53 tuổi, đạo Phật, lấy vợ là chị Lộc, người Công giáo quê ở Đồng Nai thì : “Điều quan trọng của những cặp vợ chồng khác tôn giáo là biết cảm thông, chia sẻ và tôn trọng niềm tin của nhau. Chẳng hạn như tôi đạo Phật nhưng cũng thuộc kinh bên Công giáo, cũng cùng đi lễ nhà thờ với vợ. Còn vợ tôi cũng biết những lễ nghi của gia đình tôi, biết nấu thức ăn chay, biết tôn trọng những ngày giỗ chạp của họ hàng nhà chồng. Vậy là ổn”. Ổn thật khi anh chị hiện là chủ tịch một dịch vụ Internet ở quận 3 (TPHCM), có hai con trai thành đạt. Anh Thắng, chị Lộc vừa mừng thôi nôi cháu nội đầu tiên trong niềm vui ấm áp.
 
Còn rất nhiều trường hợp cả hai vợ chồng khác tôn giáo nhưng vẫn sống đến tuổi “xưa nay hiếm”. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng từ nhà thờ hoặc trong chùa bước ra chưa hẳn 100% đều cùng tôn giáo, vậy mà họ vẫn cùng đi lễ với nhau thật hạnh phúc. Theo chị Kim Hà, đạo nào cũng tốt, cũng dạy điều hay lẽ phải, cùng dạy làm lành lánh dữ, hiếu nghĩa cùng cha mẹ… không có lý do gì phải kỳ thị lẫn nhau. Chuyện tôn giáo là rào cản chỉ là cái cớ khi cả hai không thực sự yêu nhau mà thôi…
 
Còn anh Quân, chồng chị Phượng thì thổ lộ : “Trước khi nói đến đạo này đạo nọ, chúng ta nên có Đạo Làm Người,mà Làm Người tức là tôn trọng và quý mến niềm tin của nhau. Đừng mang tôn giáo ra làm cái cớ để bỏ nhau”. Chị Hậu thì cho rằng : “Tôn trọng lẫn nhau vẫn là cốt lõi của hạnh phúc. Tôn trọng lẫn nhau có cả tôn trọng niềm tin của nhau. “Của nhau” đó là có cả của hai gia đình…”.ª

2279    15-03-2018