Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Làm thế nào hướng dẫn con cái chúng ta thích nghi với văn hóa mạng xã hội



Chúng ta phải dạy cho trẻ nhận ra sự khác biệt giữa một hiện tượng xã hội và phẩm giá của chúng như những người bình thường.

Những tiến bộ về công nghệ và sự phát triển của các mạng xã hội ngày nay đã làm thay đổi cách chúng ta đang sống trên thế giới. Việc tiếp cận sớm với các phương tiện truyền thông công nghệ đã làm cho con cái của chúng ta thích nghi với cung cách ứng xử giao tiếp khác nhau mà chúng ta là cha mẹ thường không nắm bắt cách đầy đủ.

Các tin nhắn văn bản và video đã thay thế cho các cuộc gọi điện thoại trực tiếp và các cuộc thăm viếng cá nhân, và giới trẻ ngày nay có thể tương tác trên điện thoại di động của họ với hàng ngàn thậm chí hàng triệu người trên thế giới.

Hiện nay có nhiều cuộc thảo luận về các biện pháp phòng ngừa mà con chúng ta phải thực hiện với sự tương tác xã hội này, và những nguy hiểm mà con cái chúng ta phải đối mặt khi chúng ứng xử với người lạ. Nhưng có một chủ đề khác mà các bậc cha mẹ cần phải quan tâm đến và đó là văn hóa “like”. Ngày nay, giới trẻ đang có một biện pháp để đo lường địa vị của họ trước người khác và để biết được sự ảnh hưởng của các dòng trạng thái, các hình ảnh và video của mình thông qua lượt “like”.

Quá trình phát triển văn hoá ứng xử bình thường của con trẻ sẽ bị cản trở bởi nỗi ám ảnh của chúng để có được lượt “like”, vì điều này sẽ chứng tỏ cho chúng sự hiện diện hoặc sự công nhận mà chúng mong đợi từ cha mẹ mình. Các cuộc tìm kiếm lượt “like” có thể trở thành một cơn nghiện khiến giới trẻ phải đăng những điều mới lạ hoặc gây sốc hơn nữa để có được nhiều người theo dõi hơn.
Hình ảnh của chúng trước thế giới sẽ bị thay đổi vì chúng sẽ không còn thể hiện con người thật của mình mà lại tập trung vào một loại chiến dịch quảng cáo, thứ khiến chúng phải chạy theo các hiện tượng xã hội để cho hình ảnh của mình phải được bán bằng mọi giá.

Văn hoá “like” còn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự trọng của giới trẻ, vì sự tương tác cá nhân và sự công nhận bản thân đã bị thay thế bởi một con số cụ thể (lượt like) mà nó sẽ đánh giá và ảnh hưởng con người của chúng và ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá chúng.

Vậy làm sao chúng ta là cha mẹ có thể tiếp cận đến những vấn đề này với con cái? Thứ nhất, chúng ta cần nhận ra rằng công nghệ và mạng xã hội đã có một vị trí thiết yếu trong cuộc sống của chúng và chúng ta không thể thay đổi điều đó.

Điều chúng ta có thể làm là dạy chúng nhận ra sự khác biệt giữa một hiện tượng xã hội và phẩm giá của chúng như những người bình thường. Nên luôn luôn làm rõ với con cái rằng giá trị, vẻ đẹp của chúng hoặc tính cách của chúng không được xác định, đánh giá bởi ý kiến của người khác về những bức ảnh hoặc một khoảnh khắc được đăng tải trên mạng xã hội. Con cái của chúng ta cần phải biết rằng mặc dù các phương tiện truyền thông này cung cấp nền tảng cho việc kết nối xã hội to lớn này, nhưng điều này không bao giờ có thể thay thế sự tương tác trực tiếp của con người với nhau.

Chúng ta cũng phải dạy con trẻ bằng những ví dụ và chứng minh cho chúng rằng, ngay cả khi các phương tiện truyền thông công nghệ đang là một phần của cuộc sống chúng ta, chúng ta cũng không được quá phụ thuộc vào chúng. Mọi việc sẽ tốt hơn nếu ta đề xuất có được những khoảnh khắc mà không tồn tại các thiết bị công nghệ trong cuộc sống gia đình, và tập trung vào các mối quan hệ giữa các cá nhân và các hoạt động khác nhau để cho thấy rằng không phải mọi thứ phải được quản lý bởi công nghệ.

Và cuối cùng, chúng ta phải đảm bảo rằng con cái chúng ta tìm thấy trong gia đình mình một nơi mà chúng cảm thấy được yêu thương và được công nhận cho chính bản thân chúng. Việc dạy chúng phát triển ý thức của chúng sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin vào bản thân mình, việc này sẽ làm chúng ít có xu hướng đo lường giá trị của bản thân bằng số lượng lượt “thích” mà chúng nhận được trên một mạng lưới xã hội.

 
Maria An Bình dịch
2402    05-09-2017