Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Làm việc từ những điều nhỏ

Việc lớn lại thường được ý thức rất nhiều từ những việc mà người đời cho là nhỏ như quán sát sự vô thường trong từng hơi thở ấy.
Lời hứa dễ dàng thì khó tin, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp cái gì khó. Trong tự nhiên, ngay cả những việc khó khăn nhất cũng có thể thực hiện theo cách dễ dàng, việc lớn thành tựu từ những hành động nhỏ hơn. Người khôn ngoan đạt những thành tựu vĩ đại là nhờ biết chia nhỏ hành động của mình. 



Nếu để người dưới luôn cảm thấy bất an trước sức nặng đè xuống, họ sẽ mất tự do, tự trọng, sáng tạo, và họ sẽ mệt mỏi bằng mọi cách muốn thoát ra khỏi gánh nặng ấy. Nếu người quản trị mà để mọi người rơi vào cái thế “cùng tranh” ấy thì đó chính là mối nguy không lường trước được hậu quả vậy.

Phải có lòng từ lớn mới có thể cố kết lòng dân, tập hợp sâu rộng các thành phần dân tộc, không kéo thiên hạ vào cái thế “loạn tranh”, mới không làm cho những nghi ngờ, bạo động xuất hiện. Người quản trị trong những tình huống lo cho cái “kế lâu dài” phải biết hạ mình cầu người, đặt mình ra sau, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ…

Lão Tử có nói: “Làm việc khó bắt đầu nơi chỗ dễ. Làm việc lớn bắt đầu nơi chỗ nhỏ” (Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế). Chính vì săn sóc, chăm lo cho những điều nhỏ mà làm được những điều lớn bất ngờ. Bắt đầu từ những việc làm căn bản, nhỏ bé mà thiết thực. Giọt nước chảy lâu cũng làm thủng cối đá. Lỗ mọt nhỏ cũng có thể làm chìm thuyền. Điều thiện cũng như điều ác cũng đều nên được ý thức từ những điều rất nhỏ.

Nếu cái nhỏ gì cũng xem thường, để cho qua loa thì sẽ có ngày trở thành những cái khó lớn. Biết khó mà không xem thường thì có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh mà không rơi vào sự lúng túng, dao động. Biết nhỏ thì có thể lấy mềm buộc chặt, lấy ít ngăn chế nhiều.

Người hiểu đạo trị luôn giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ. Cho nên người đắc đạo trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.
Người ta dù có đi đâu xa vạn dặm thì cũng khởi đầu từ một bước chân, quên cái bước chân nhỏ ban đầu ấy thì khó có thể tiếp tục đi xa mãi được.

Vì sao khi người ta làm việc gần đi đến chỗ thành công thì lại gặp thất bại? Vì lúc gặp nhiều trắc trở khó khăn thì cố gắng, thận trọng, đoàn kết, lắng nghe từng việc nhỏ, phân tích từng điều khó, nhưng lúc thành công được một phần thì tự mãn, chủ quan, lơ đễnh, không lắng nghe nhau nên đã khiến cho việc hỏng một cách bất ngờ. Nếu có thể “thận chung như thủy” (thận trọng lúc cuối cùng cũng như lúc ban đầu) thì sao có thể gây ra sự rối ren và hỏng việc được.

Người giản dị nhất thì không phải là người giản dị.
Người khiêm tốn nhất thì không phải là người khiêm tốn

Nếu tự thấy mình là người khiêm tốn, hay là người giản dị thì chưa phải là người như thế. Vì sự giản dị hay khiêm tốn là ở trong thực sự nội tâm, không phải là hình thức chiếu lệ. Hơn thế, đó là sự rèn luyện miệt mài, không có cái đích cuối cùng. Ngay khi tự nhận, tự thấy mình có một kết quả nào đó thì dừng lại ở đó. Tức là tiềm ẩn xuất hiện sự kiêu mạn.

Người cực khéo thì dường như vụng. Người nói giỏi thì dường như ấp úng. Cử động thì thắng được lạnh. Nhưng yên tĩnh thì thắng được nóng. Vậy cứ thanh tĩnh thì mọi vật sẽ đâu vào đấy. Người tài không lộ tướng, lộ tướng thì không phải người tài! Người có bản lĩnh khác thường thì tính tình kín đáo, chẳng mấy ai nhìn ra được!

Người có thể tiến bộ thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được. Khi thấy mình là giỏi nhất thì không còn học hỏi được nữa( vì mình đã là nhất rồi). Khi xem xét sự vật, không được quên mặt đối lập của nó. Nghĩ đến cái hữu hạn thì đừng quên cái vô hạn.

1609    03-10-2017