Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lắng nghe tiếng Chủ Chăn

Người Do Thái đã thấy tận mắt, nghe tận tai những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu kể từ lúc Người bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời, cho đến lúc này đã quá đủ mạc khải Ngài là ai rồi. Thế nhưng lòng trí dân chúng vẫn còn thắc mắc, hồ nghi không tin và nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô đã đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Người đã được các tiên tri loan báo trong Kinh Thánh. Họ không tin các phép lạ và những việc Chúa đã làm là công việc của Thiên Chúa; mà còn cho rằng Người đã bị quỷ ám và điên khùng rồi (Ga 10, 20).

Chúa Giêsu đã mặc nhiên cho những ai biết “lắng nghe, nhìn thấy, và tin nhận” Người là Đức Kitô, thì thuộc về “đoàn chiên” của Người chăn dắt, nuôi nấng, chăm sóc, và gìn giữ cẩn thận không bao giờ bị diệt vong và cũng không ai cướp chiên của Người được (Ga 10, 27-30).

Trong ba năm sống đời công khai, dọc dài theo đất nước của mình, Chúa Giêsu đã cố gắng nói và làm những gì có thể, để mặc khải cho dân chúng biết về Thiên Chúa đích thực cũng như mặc khải về bản thân Người và sứ mạng cứu thế mà Người đang thực hiện.

Người Do Thái không nhận ra được ý nghĩa đích thực của những lời nói và hành động kia. Vì thế, dường như quá sốt ruột, họ bảo Chúa: Nếu ông là Đấng Kitô, xin nói công khai cho chúng tôi biết. Chúa trả lời họ rằng thật ra Chúa đã nói hết rồi, nhưng họ không nhận ra và không tin, vì họ không thuộc đàn chiên của Chúa. Chúa khẳng định: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Điều duy nhất làm cho chúng ta trở thành đoàn chiên của Chúa, vượt lên trên mọi khác biệt và biên giới, đó là niềm tin vào lời của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng tôi, Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). “Biết”, theo thánh sử Gioan, có nghĩa là yêu thương. Quả thật, Chúa Giêsu rất yêu thương đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Chúa Giêsu chính là Vị Mục Tử nhân lành (x.Ga 10, 11). Ngài không chỉ chạnh lòng thương khi thấy một đám người rất đông, bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt (Mc 6,34), mà Ngài còn quan tâm, chăm sóc cho từng con chiên, nhất là những “con chiên lạc” (như Lêvi, Giakêu, người phụ nữ Samari,…).

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ai khi khẳng định như thế. Ngài là một với Chúa Cha, nên toàn thể cuộc đời Ngài luôn liên kết chặt chẽ với Cha, lấy Ý Cha làm lương thực hằng ngày. Mang danh là “Kitô hữu”, liệu  chúng ta có theo gương Chúa Giêsu mà sống “là một” với Ngài, như Ngài là một với Chúa Cha không? 

Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân hậu và tốt lành. Ngài không những biết rõ và biết từng con chiên mà còn yêu thương chăm sóc và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Ngài sống lại và trở nên nguồn sống của đoàn chiên. Phần tôi, một con chiên trong đàn, tôi cũng được Ngài yêu thương chăm sóc vỗ về, nhưng tôi còn biết quá ít về Ngài và chưa theo Ngài trọn vẹn.

Trọn cuộc đời, tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm đều ứng nghiệm lời tiên tri Edêkiel xưa kia: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).

Hiểu biết về người khác dường như là cả một tiến trình tiếp xúc gần gũi được lặp đi lặp lại nhiều lần cả bề sâu lẫn bề rộng, và như thế mới đạt tới một sự hiểu biết thâm sâu. Nghe ở đây không phải là cái nghe thể lý, nghe bằng tai như nghe một tiếng động. Nghe là cả một sự lắng động và nghe của con tim. Biết ở đây cũng thế, không phải biết theo kiến thức bằng cái đầu. Cái biết thâm sâu được thể hiện bằng tình yêu và những mối tương quan gắn bó.

Biết là một quá trình học hỏi với những kinh nghiệm, diễn tả sự hiệp thông sâu xa, trong tương quan tình yêu. Cũng như kinh nghiệm khi Chúa Giêsu hiện ra với Maria Magdala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng ngắn ngủi: “Mary.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!” Vì thế, Chúa Giê-su nhấn mạnh trong trang Tin Mừng hôm nay: “chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27)

Ta phải học cách lắng nghe lương tâm của chúng ta nhiều hơn nữa. Nhưng mà cũng phải cẩn thận. Đó không phải là lương tâm. Lương tâm là nội vi mà chúng ta có thể lắng nghe và nghe thấy sự thật, sự tốt lành và tiếng nói của Thiên Chúa. Đó là không gian nội tâm giữa giao tiếp cá nhân với Thiên Chúa, Đấng nói với tâm lòng của chúng ta và giúp chúng ta nhận định để hiểu biết con đường chúng ta phải chọn, và khi đã chọn sẽ vững tin và vững tiến.

Khi ta lắng nghe tiếng của Chúa, hiểu thấu được thánh ý Người, hiệu quả tiếp theo sẽ là việc chúng ta  được Chúa nhận biết. Được Thiên Chúa nhận biết nghĩa là chúng ta sẽ được kết hiệp cách mật thiết với Người.

Điều này rất quan trọng. Lý do là vì tự sức mình, con người không thể nào kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa được nếu trước đó không biết lắng nghe và tuân giữ thánh ý Người. Thiên Chúa cho chúng ta được gắn bó cách mật thiết với Người qua người con Chí Ái là Đức Kitô – Đấng đã đến thế gian mặc lấy xác phàm nhân loại và vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự hiến chính mình, trở nên của lễ không chỉ dâng lên cho Chúa Cha mà còn trở nên Mình và Máu nuôi sống nhân trần. Như thế, cách thức mà Thiên Chúa nhận biết chúng ta chính là Người cho chúng ta được gắn kết với Người trong sự hiệp nhất trường tồn và huyền nhiệm.

 

Thế giới hôm nay mà ta đang sống, ta cũng bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng của đức Giêsu, vị mục tử nhân lành. Hãy xin Chúa cho chúng ta lắng nghe được tiếng Ngài để khỏi bị lạc hướng giữa cuộc sống hôm nay.
CTV TT VL 

1341    08-05-2017