Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Lễ độ: Một đức tính quan trọng cho mọi lứa tuổi!

Lễ độ là bánh xe quay của xã hội, lễ độ không bao giờ là chuyện lội thời. Giữa cá nhân với nhau, lễ độ giúp kết mối dây liên lạc, làm dịu căng thẳng, làm con người sống hòa bình với nhau. Ở mọi lứa tuổi, lễ độ là dấu hiệu của một sự tôn trọng tối cần cho đời sống. Tại sao lễ độ lại quan trọng như thế?

Xin chào, xin chào tạm biệt, xin lỗi, xin vui lòng, cám ơn… Một cách chung chung, lễ độ là gom lại các quy tắc, luật lệ xã giao để mọi người sống hài hòa với nhau trong xã hội. Lễ độ cũng là cách tỏ ra biết đối xử, biết trình bày, biết lịch sự, biết giao thiệp với nhau. Dạy cho trẻ con lễ độ từ khi còn rất nhỏ là dạy cách ứng xử văn minh. Phong cách lễ độ cũng có thể khác nhau theo văn minh, văn hóa của từng gia đình, từng nơi. Trong những năm 1980, lễ độ bị để qua một bên vì thế hệ trẻ đòi tự do, họ không chịu tuân theo kỷ luật, bây giờ lễ độ là điểm trọng tâm để mọi người sống chung hòa bình với nhau.

Lễ độ cũng là trọng tâm các giá trị kitô giáo. Nó đồng nghĩa với tôn trọng, khiêm tốn và ở một chừng mực nào đó là bằng chứng của sự bình đẳng giữa con người với nhau. Đó là các giá trị thiết yếu để yêu thương, đối xử tốt lành hay có khả năng thực hiện được các hành động tốt mỗi ngày. Trong đời sống thường, từ trẻ con đến người lớn, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của lễ độ trong giao tiếp.

Lễ độ, để có một đời sống xã hội phát triển

Trong gia đình, trong môi trường nghề nghiệp, giữa bạn bè với nhau, lễ độ là chuẩn mực giao tế giữa người này người kia. Đó là một cách để cư xử. Khi “chào buổi sáng” với người bán hàng, khi nói lời “cám ơn” với con mình, khi nói “xin vui lòng” với cọng sự viên là chúng ta đặt cho đời sống xã hội có một tầm quan trọng. Lễ độ làm cho nhóm lớn lên, để nhóm khỏi bị sống ngoài lề.

Ngoài việc có được một tương quan tốt, lễ độ cũng là lịch sự và thấu cảm. Nó làm cho người kia trở nên nhã nhặn, tôn trọng người khác. Trong một cuộc thảo luận hay khi có mâu thuẫn, lễ độ cải thiện khả năng thuyết phục, làm giảm các căng thẳng và khuyến khích hai bên có được hòa khí. 

Nơi trẻ con, lễ độ là bài học tôn trọng đầu tiên

Dạy cho con mình các quy tắc giữ lễ độ là xây dựng con người của nó và giúp trẻ con tiến triển trong xã hội. Ngay cả những em bé nhỏ nhất cũng phải hiểu và áp dụng một vài nguyên tắc tôn trọng. Các nguyên tắc này cũng là cách để dạy trẻ con ngay từ nhỏ, tôn trọng người khác như mình cũng muốn được tôn trọng như vậy. Đó là những điểm chuẩn để phát triển sự thông cảm và nhắc cho trẻ con hiểu, những người tuy khác nhau nhưng họ cũng bình đẳng ngang nhau.

Để giúp cho trẻ con hiểu thế nào là lễ độ, trước mặt trẻ con, cha mẹ cũng phải tôn trọng các nguyên tắc này. Làm gương là chính.

Lễ độ là giá trị kitô giáo thiết yếu

Chung quanh lễ độ là cả một số lượng lớn các giá trị kitô giáo. Bắt đầu là tha thứ, dù là người tha thứ hay người xin được tha thứ. Mong muốn chính của tha thứ là để tránh xung đột, là loại đi các tấn công như Kinh Lạy Cha giảng dạy. Tha thứ cũng là lời Đức Phanxicô xin trong buổi tiếp kiến chung ngày 13 tháng 5 năm 2015, ngài kêu gọi các tín hữu, nhất là các cặp vợ chồng, phải thường xuyên dùng ba cụm từ chính của phép lễ độ là “xin vui lòng”, “cám ơn” và “xin lỗi”. Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải luôn làm dịu xuống các căng thẳng: “Trong đời sống gia đình, vợ chồng thường hay gây gỗ… chén đĩa có thể bay, nhưng tôi khuyên anh chị em: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa”.

Một lời khuyên phải áp dụng mỗi ngày!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

2289    19-09-2017