Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lễ Truyền Dầu cảm động ở Nhà thờ Saint-Sulpice

 

Chiều 17 tháng 4-2019, hai ngày sau khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris Michel Aupetit cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Saint-Sulpice với sự hiện diện của bà Brigitte Macron, phu nhân Tổng thống Pháp, ông Christophe Castaner, Bộ trưởng bộ Nội vụ, bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris.

Trong thánh lễ cử hành ngày thứ tư 17 tháng 4, Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris, Michel Aupetit, đưa ra sứ điệp hy vọng: “Ngôi nhà thờ chính tòa thân yêu của chúng ta quỵ xuống nhưng nhà thờ sẽ sống lại, sẽ đứng dậy lại!”

Trong ngôi nhà thờ Saint-Sulpice lớn thứ nhì sau Nhà thờ Đức Bà, các linh mục, các thầy phó tế, các nữ tu và giáo dân đến dự thánh lễ Truyền Dầu ngày thứ tư Tuần Thánh.

Dưới vòm ngôi thánh đường trở thành giáo xứ chính của người công giáo thành phố Paris, âm thanh của tiếng đàn ống vang lên, các linh mục tiến lên bàn thờ trong mùi trầm hương, một vài người xúc động thấy rõ như Đức ông Patrick Chauvet, quản nhiệm Nhà thờ Đức Bà.

Ở hàng ghế đầu là bà Brigitte Macron, phu nhân Tổng thống Pháp, ông Christophe Castaner, Bộ trường bộ Nội vụ, bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris, bà Valérie Pécresse, Chủ tịch vùng Ile-de-France. Hồng y André Vingt-Trois, cựu Tổng Giám mục giáo phận Paris cũng có mặt.

Bà Brigitte Macron giải thích “Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng cho tất cả những gì kết hiệp chúng ta”

Rất xúc động, bà Brigitte Macron phát biểu trên máy vi âm của đài truyền hình BFM TV về buổi chiều thứ hai 15 tháng 4 và bà “cám ơn” tất cả các nhân viên cứu hỏa của thành phố Paris. “Ngôi nhà thờ chính tòa này là lịch sử của chúng ta, là di sản của chúng ta, là văn hóa của chúng ta, xin cám ơn văn hào Victor Hugo (…), đây là biểu tượng cho tất cả những gì kết hiệp chúng ta.”

Hàng trăm tín hữu không vào được bên trong nhà thờ, họ ở ngoài nhà thờ dự thánh lễ trước màn hình lớn, thánh lễ dài hơn hai giờ. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris lên tiếng: “Thánh lễ này mang một ý nghĩa đặc biệt, chúng ta không ở trong nhà thờ chính tòa của mình. Nhà thờ chính tòa thân yêu của chúng ta đã quỵ xuống, nhưng nhà thờ sẽ sống lại, sẽ đứng dậy lại.”

Ngài nhấn mạnh, “chúng ta đau lòng, nhưng nhà thờ không phải là một đống đá.” Sau đó ngài làm phép dầu để xức cho bệnh nhân và cho các dự tòng

Ngài ca ngợi lòng quảng đại của tất cả mọi người sẵn sàng đóng góp để xây dựng lại nhà thờ. Ngài nói thêm, “chúng ta phải vực Giáo hội lên và tôi mừng khi thấy những người từ lâu không còn đến nhà thờ đã có mặt hôm nay.”

Trong số các tín hữu dự thánh lễ có bà Maryline Marie-Sainte, hàng năm vào ngày thứ tư Tuần Thánh bà đều đến dự Lễ Truyền Dầu ở Nhà thờ Đức Bà, bà cho hãng tin AFP biết, dứt khoát năm nay bà phải đến đây lại: “Để tất cả các tín hữu cùng nhau ở đây, vượt lên các bức tường mà nhà thờ chính tòa đại diện.” Ngày thứ hai, bà xé lòng khi thấy ngọn lửa tàn phá nóc tháp Nhà thờ Đức Bà.

Ngoài sân nhà thờ, ông Jean-Marc và cô Marie-Sophie lấy làm tiếc đã không đi sớm nên không vào được nhà thờ. Ông Jean-Marc thấy mình cần phải đến đây để “hiệp thông.” Cô Marie-Sophie không phải là người thường hay đi các lễ lớn, nhưng cô muốn bày tỏ một dấu hiệu yêu mến và nâng đỡ Đức Tổng Giám mục, vì vụ hỏa hoạn này hẳn rất hung bạo đối với ngài.” Cô nói thêm: “Chúng ta có Giáo hội như ruột gan của mình, chúng ta luôn mang Giáo hội trong lòng như một người mẹ.”

Linh mục Stanislas Lemerle, thuộc nhà thờ Saint-Ferdinand des Ternes, cũng như các linh mục bạn của cha đến để lập lại lời khấn theo truyền thống của Lễ Truyền Dầu, cha đã rất xúc động trước vụ hỏa hoạn này. Trước khi dự thánh lễ, linh mục đã đến cầu nguyện trước Nhà thờ Đức Bà. Theo cha, vụ hỏa hoạn là “biểu tượng bên ngoài cho những gì chúng ta sống mấy tháng vừa qua.” “Các hòn đá đau, nhân loại cũng đau, Giáo hội cũng đau.” “Toàn Giáo hội giáo phận Paris chịu tang”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

223    18-04-2019