Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Linh mục Dòng Tên Stephan Rothlin: “Xã hội Hồng Kông rất chia rẽ”

Linh mục Dòng Tên Stephan Rothlin: “Xã hội Hồng Kông rất chia rẽ”

cath.ch, Raphael Rauch, 2019-10-18

Trở về từ Hồng Kông nơi ngài thường xuyên ở đó, Linh mục Dòng Tên Thụy Sĩ Stephan Rothlin nói về cuộc khủng hoảng làm rung chuyển thuộc địa cũ của Anh. Trên bình diện giáo hội, Linh mục bảo vệ thỏa thuận được ký kết giữa Vatican và Trung Quốc. Giải pháp đề xuất của ngài, ngài lấy cảm hứng từ mô hình của Giáo phận Bâle, Thụy Sĩ.

Cha thường xuyên ở lại Hồng Kông, lần cuối cha ở đó là lúc nào?

Stephan Rothlin: Một tuần trước. Tôi ở Hồng Kông mỗi tháng vài ngày vì tôi dạy về suy niệm và lãnh đạo và tôi làm việc trong lãnh vực đạo đức kinh doanh. Tôi dâng thánh lễ chúa nhật vừa qua ở Hồng Kông, trong bài giảng tôi nói về các rắc rối hiện nay trong đời sống giáo dân ở Hồng Kông. Câu hỏi là: Chúng ta đặt các giá trị ở đâu? Chúng ta có bị “Giấc mơ Singapore CCCC” (có nghĩa là Cash, Car, Credit Card, Condominium, tiền mặt, xe hơi, thẻ tín dụng, nhà chung cư ) cuốn hút hay chúng ta theo các giá trị của đức tin? Tôi nói lên hy vọng đức tin có thể giúp hòa giải.

Cha sống như thế nào ở Hồng Kông?

Tôi ở Hồng Kông thường xuyên trong 25 năm và tôi thấy thành phố đã thay đổi hoàn toàn. Hồng Kông trước đây có rất nhiều khách du lịch, nhưng bây giờ không còn bao nhiêu. Ngược lại thành phố có rất nhiều cảnh sát. Tôi theo chỉ thị của chính quyền và tôi tránh một số khu phố. Mọi người chỉ đi ra ngoài khi có chuyện bắt buộc.

Tình trạng có thật sự bi quan?

Hiện nay Hồng Kông có hai thế lực đối lập. Không có bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Hố phân cách cũng làm cho các gia đình chia rẽ. Đối với hầu hết mọi người, đây là tình huống không thể chịu đựng. Là công dân Thụy Sĩ, tôi được hưởng đặc quyền ở Trung Quốc: Tôi có thể đi lại tự do miễn là tôi tôn trọng các quy tắc.

Một trong các nhà phê bình lớn nhất của chế độ Trung Quốc là cựu giám mục Hồng Kông, Hồng y Joseph Zen. Giáo hội Công giáo có ủng hộ người biểu tình không?

Không. Giáo phận Hồng Kông cố gắng làm trung gian giữa các bên tham gia cuộc xung đột. Giáo hội Công giáo có danh tiếng lớn ở Hồng Kông nên Giáo hội không được quyền thỏa hiệp. Giáo hội đóng góp rất mạnh trong lãnh vực giáo dục. Năm ngoái, đám tang của các tu sĩ Dòng Tên Ailen gần như là quốc táng.

“Giáo hội Công giáo có danh tiếng lớn ở Hồng Kông nên Giáo hội không được quyền thỏa hiệp”

Đức Hồng Y Zen cũng chỉ trích thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh, theo đó chính phủ Trung Quốc có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Thỏa thuận này không phải là một cái gì hoàn toàn mới. Trong những năm gần đây, Rôma đã tìm kiếm sự thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục. Chẳng hạn, giám mục hiện tại của Bắc Kinh là Giám mục Giuse Lý Sơn đã được cả hai bên chấp nhận. Quy định mới là một thỏa thuận tạm thời. Văn bản chính thức không được công bố.

Các nhà chỉ trích cáo buộc Đức Phanxicô đã phản bội giáo hội ‘chui’ trung thành với Rôma.

Chúng ta không nên nghi ngờ ý định tốt của giáo hoàng. Ngài theo truyền thống của các nhà truyền giáo như Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci (1552-1610), người được Trung Quốc gọi là bạn của Trung Quốc. Các thỏa thuận là để đi tới đàng trước. Điều này không có nghĩa là chúng ta đang quên những người, trong các thập kỷ gần đây, vẫn trung thành với Rôma và phải chịu đựng vì lòng trung thành này. Nhưng sự phân chia của Giáo hội chúng ta là một tình trạng không thể chấp nhận được. Chúng ta có thể cho rằng tình hình ở Trung Quốc sẽ chỉ thay đổi từ từ. Do đó, một thỏa hiệp thực tế giữa lợi ích của Rôma và Trung quốc là điều được mong đợi từ lâu.

Hậu quả của thỏa thuận đối với người giữ đạo bình thường là gì?

Các điều kiện sẽ không còn bị nhầm lẫn nữa. Ở một mức độ nhất định, các tín hữu không biết liệu họ đang dự thánh lễ với một linh mục hợp pháp hay không. Nếu các nhà thờ được đăng ký với nhà nước, họ có thể thoát khỏi cái bóng của bất hợp pháp. Đó là khía cạnh tích cực.

“Đức tin ‘Rôma’ khi các Giáo hội địa phương tìm giải pháp địa phương hài hòa với Rôma”

Theo cha, thỏa thuận của Đức Phanxicô vẫn chỉ là một biện pháp nửa vời? Tại sao?

Tôi nghĩ đến mô hình của Giáo Phận Bâle. Ở đây, không phải chỉ giáo hoàng quyết định lựa chọn giám mục, mà còn là Giáo hội địa phương trong đối thoại với các chính quyền của các bang. Giáo hội địa phương có thể bác bỏ một giám mục ứng cử viên. Chẳng hạn vào năm 1994, vị niên trưởng của vùng Lucerne, Rudolf Schmid, đã bị loại khỏi danh sách sáu ứng cử viên. Mô hình Bâle này thường được xem là một tiền lệ. Nó đã được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc tham vấn với Bắc Kinh.

Một đặc điểm khác của Thụy Sĩ là hệ thống kép, nghĩa là một thẩm quyền dân sự đi đôi với thẩm quyền giáo hội. Một số môi trường bảo thủ cho rằng, cách của Thụy Sĩ không phải là cách của công giáo và giống như hệt cách của Trung quốc.

Theo tôi, tính từ không-công giáo hoặc không-rôma hoàn toàn không thích đáng. Là công giáo có nghĩa đức tin phải bắt nguồn từ các nền văn hóa, chính trị khác nhau. Như thế đức tin “rôma” là đức tin khi các Giáo hội địa phương tìm các giải pháp địa phương hài hòa với Rôma. Sẽ là kiêu ngạo khi phủ nhận công giáo-tính của hệ thống kép.

Linh mục Dòng Tên Stephan Rothlin, 59 tuổi người gốc Lachen, Thụy Sĩ. Linh mục giảng dạy đạo đức kinh doanh tại Bắc Kinh và Hồng Kơng từ năm 1998. Tại Macau, ngài điều hành một trung tâm nghiên cứu tập trung vào văn hĩa Trung Quốc và phương Tây với truyền thống tâm linh của họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

523    21-10-2019