Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Linh mục Guy Gilbert và tiếng kêu của phụ nữ

 

Linh mục người Pháp Guy Gilbert là một nhân vật. Dù đã ngoài tám mươi, linh mục vẫn tiếp tục giữ phong cách người lái mô-tô với áo da đen, giày cao bồi, huy hiệu và trang sức nổi bật. Cha có vẻ như một rocker già hơn là một linh mục.

Trong quyển sách Và nếu tôi thú tội (Et si je me confessais, Pocket book, 2008) cha đã giải thích chuyện này. Cha là linh mục ngoài đường phố trong những năm 1970, cha thường can thiệp vào các vụ cảnh sát thăm hỏi các người trẻ cha tháp tùng. Chiếc áo linh mục giúp cha được an toàn trong các vụ đàn áp không đúng lúc này. Vì muốn giữ tình liên đới với các đồng bạn phạm pháp của mình, cha phải ăn mặc giống họ. Cha viết: “Cho đến khi nào tôi vẫn còn sống với các người trẻ ngoài đường, tôi phải giữ chiếc áo da đen của tôi. Nó là sức mạnh và biểu tượng cho cuộc đấu tranh của tôi. Dù bây giờ phong cách “vô lại” chẳng là gì so với chiếc áo da đen của những năm 70, nhưng tôi vẫn giữ vì nó cho tôi sức mạnh. Nó có lỗi thời hay không, tôi không để ý.”

Khi còn ở tuổi vị thành niên, tôi không phải là thiếu niên phạm pháp, nhưng tôi thích nhạc rock. Lần đầu tiên khi tôi thấy một linh mục trên đài truyền hình, tôi bị mê hoặc. Một thông điệp phát ra từ nhân cách của cha: Chúa Giêsu cũng dành cho các rocker. Ngôn ngữ của cha xứ này không giống ngôn ngữ của các cha khác nên tôi rất thích; ngôn ngữ bình dân thậm chí sống sượng. Chúa Giêsu trong lời nói của cha Gilbert là người “rất anh chị” và đi xưng tội thì giống như đi đổ rác. Cha viết trong quyển sách Và nếu tôi thú tội: “Ngôn ngữ đóng một vai trò rất quan trọng trong giới côn đồ. Người ta có thể chỉ trích tôi về điều này, trách móc tôi vì tôi nói thô lỗ nhưng tôi không quan tâm vì tôi nghe lời khuyên của Đức Gioan-Phaolô II khi ngài nói với các linh mục: “Hãy giao tiếp sát cận với văn hóa, có nghĩa là với văn hóa của giáo dân mình đang ở cùng.” Là đi vào ngôn ngữ của họ, ăn mặc giống họ.

Với người trộm lành

Linh mục Gilbert chịu chức linh mục năm 1965, tốt nghiệp giáo dục chuyên ngành năm 1980 và là tác giả của nhiều bài khảo luận, từ những năm 1970, linh mục Gilbert lo cho các giáo phận ở miền nam nước Pháp, vùng Bergerie de Faucon, một nơi tiếp nhận và tái hòa nhập các trẻ phạm pháp, tập trung vào công việc tay chân và tiếp xúc với động vật.

Trong quyển Tin Mừng theo Thánh Vô lại (L’Évangile selon saint Loubard, nxb. Points, 2015), theo tôi, đây là quyển sách hay nhất của cha, cha giới thiệu người trộm lành như quan thầy của những kẻ vô lại và cho rằng mình mang nợ nhà giáo dục này với cảnh truyền giáo có nhân vật không mấy tốt này. Trên thập giá, Chúa Giêsu hứa cho người trộm lành ăn năn lên thiên đàng. Cha viết: “Chúa Giêsu cho thấy, qua hành vi của mình, nhờ ân sủng, không bao giờ có người nào bị xem là hư mất. Tất cả đều có thể, ngay cả kẻ hư nát nhất, họ cũng có linh hồn, họ là con của Chúa và lòng thương xót Chúa có thể hành động bất cứ lúc nào.” Cha Gilbert thường lặp đi lặp lại, muốn đọc Tin Mừng thì phải có “cái nhìn thương xót của Chúa Kitô” trên người bạn đồng hành đau khổ của mình.

Dĩ nhiên một chân dung như vậy chứng tỏ cho thấy đây là một linh mục phản kháng, nổi loạn, về nhiều mặt, linh mục Gilbert nhắc chúng ta nhớ lại cố linh mục Raymond Gravel thân yêu. Dù cha Gilbert ở trong lãnh vực bảo vệ người nghèo và người bị loại ra bên lề nhưng cha vẫn khá bảo thủ trong việc ủng hộ giáo điều của Giáo hội. Chống đối phá thai, chống đối trợ tử, rất phê phán sự vô tư của người đương thời về ly dị – cha nhấn mạnh chính trẻ em mới là người đau khổ -, linh mục của những người vô lại không dính gì với những người chủ trương giữ nguyên vẹn, nhưng cha không tự cho mình là người cách mạng của Công giáo.

Theo cha, Giáo hội không chiều theo khuynh hướng đương thời và tính “thận trọng huyền thoại” của Giáo hội, “lá bài chủ bậc thầy từ hai ngàn năm nay”, cha viết trong  quyển sách Đời sống chiến đấu, Đời sống yêu thương. Cha Gilbert không ngần ngại bày tỏ sự bất mãn của mình trước một số thái độ của Giáo hội (chẳng hạn vụ tai tiếng ấu dâm) nhưng cha từ chối lên án toàn bộ. Cha giải thích: “Chúng ta không phải là những con cừu trong Giáo hội, nhưng chúng ta luôn phải nói lên với tình thương để tiếp tục xây dựng. Là kitô hữu, chúng ta không phá ngôi nhà của mình từ bên trong.” 

Vai trò của phụ nữ

Trong quyển sách mới nhất của cha, Phụ nữ và Giáo hội (nxb. Philippe Rey, 2019), với phong cách mạnh mẽ và táo bạo bảo thủ đặc trưng của cha, cha đề cập đến thử thách lớn lao này. Cha viết: “Tôi nực cười khi nghĩ ba tôn giáo lớn trên thế giới do đàn ông dẫn dắt. Đó là phủ nhận sức mạnh thiêng liêng của phụ nữ. Nếu các Quốc gia thế tục đã tiến bộ về vấn đề nam nữ ngang nhau, thì trên điểm này các tôn giáo của chúng ta bị trì trệ một cách thảm hại.”

  Cha nhắc lại, Giáo hội phủ nhận chức tư tế của phụ nữ bằng cách cho rằng Chúa Giêsu là đàn ông, Ngài chỉ chọn đàn ông làm tông đồ, và linh mục là đại diện Chúa Kitô thì phải là đàn ông. Ngày nay, điều này không thuyết phục được ai.  Cha Gilbert lưu ý: “Trong tâm lý thời đó việc các tông đồ là phụ nữ là chuyện không thể được. Nhưng tôi chắc chắn, nếu Chúa Giêsu trở lại thời này, Ngài sẽ đề cử phụ nữ làm tông đồ, đó là điều không nghi ngờ gì.”

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không nói gì cụ thể về vai trò của phụ nữ. Tuy nhiên, cha Gilbert nhận xét, Ngài nói chuyện rất nhiều với họ, một chuyện táo bạo vào thời đó, Ngài không bao giờ hạ thấp họ, Ngài dành cho phụ nữ các nhiệm vụ quan trọng, dưới chân thập giá và ở ngôi mộ.

Dù vậy chúng ta thường thấy trong Giáo hội “đàn ông cai trị và phụ nữ làm việc rất nhiều” khi họ không bị khai thác triệt để. Nếu họ đòi hỏi có một vị trí ngang hàng với các ông thì đôi khi họ lại bị khép vào tội đi tìm quyền lực. Linh mục Gilbert phản bác: “Không có gì sai hơn, họ chỉ đơn giản muốn được công nhận và hành động.”

Đức Phanxicô dường như muốn đi theo hướng này, ngài bổ nhiệm phụ nữ vào các chức vụ có trách nhiệm ở Vatican, nhưng đã có một sự cự lại. Để giải thích một trong các lý do có thể có cho sự phản đối này, cha viết: “Ở chủng viện cách đây bảy mươi năm, chúng tôi được dạy trong nỗi sợ phụ nữ nên đã tạo một số phản xạ ghét phụ nữ.” Cha nói thêm, tuy nhiên ngày nay có nhiều linh mục và giám mục thực sự muốn cộng tác với phụ nữ”.

Vào năm 1988 và năm 1994, Đức Gioan-Phaolô II ra tự sắc rằng việc phong chức linh mục cho phụ nữ nên được loại trừ một cách dứt khoát. Năm 2016, được hỏi về vấn đề này, Đức Phanxicô không muốn nói ngược lại. Cha Gilbert lấy làm tiếc, cha mơ có ngày thấy một phụ nữ được làm hồng y: “Rõ ràng là không quay lại được. Nhưng Giáo hội ngày nay tìm ánh sáng bên ngoài bức tông thư Phẩm giá của người phụ nữ (Mulieris dignitatem, 1988).”

Mở cánh cửa

Ánh sáng này, hay đúng hơn ngọn đèn ban đêm này dù sao cha Gilbert cũng thoáng thấy trong các diễn biến có thể thể hiện được. Cha mừng vì Đức Giáo hoàng và các giám mục “đang nghiên cứu khả thể cho phụ nữ làm phó tế”, có nghĩa là được giảng, được rửa tội, được làm phép hôn phối trong nhà thờ. Hơn nữa, các giáo dân, đàn ông cũng như đàn bà, nếu như giáo luật cho phép thì có thể rao giảng. Trong những năm cuối đời, cố linh mục Raymond Gravel đã mời tín hữu thực hiện vai trò này. Cuối cùng, sứ vụ tháp tùng người bệnh thường được giao cho phụ nữ và có thể sẽ thành á bí tích, để người đảm nhận sứ vụ này, dù đàn ông hay đàn bà được xức dầu cho bệnh nhân.

Đó là ít và quá ít, một số người sẽ nói như vậy, trong số đó có tôi, họ than phiền sự chậm chạp của Giáo hội trong hồ sơ này. Dĩ nhiên linh mục Guy Gilbert sẽ không ngần ngại tiến nhanh hơn, nhưng cha vẫn chấp nhận sự cẩn thận của Giáo hội mà cha cho đây là một đức tính, nhưng cha có lựa chọn nào khác đâu. Cha viết trong quyển sách Phụ nữ và Giáo hội: “Nhưng Giáo hội đi tới, vì phụ nữ trong Giáo hội… Giáo hội đi tới. Nhẹ nhàng. Từng bước chậm. Nhưng đi tới.”

Chúng ta thấy niềm hy vọng nơi cha nhưng cũng thấy cha sốt ruột khi cha viết trong quyển sách Đời sống chiến đấu, Đời sống yêu thương cách đây mấy năm. Cha kết luận: “Điều tốt nhất là lướt nhẹ chân vào trong cánh cửa hé mở để cánh cửa này không khép lại và để cuối cùng chúng ta sẽ tiến bộ! (…) Nhưng tiếng kêu của phụ nữ phải được nghe. Và nhanh lên, thời gian cấp bách rồi.” Tôi nghĩ đó là điều ít nhất chúng ta có thể nói.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

465    11-09-2019