Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Linh mục Manfred Deselaers chọn sống ở Auschwitz

 

Sinh tại Đức, từ gần 30 năm nay, linh mục Manfred Deselaers sống ở cổng trại tập trung Auschwitz. Trại được thành lập ngày 27 tháng 4 năm 1940 cách đây 79 năm. Linh mục nói với báo Aleteia lời chứng tâm huyết về ý nghĩa sứ mạng của cha trong địa vị một người Đức, một linh mục, một tín hữu kitô.

Ánh mắt linh hoạt, hàm râu muối tiêu, cổ cồn La Mã, là người Ba Lan tiêu biểu, linh mục Manfred Deselaers sắc bén từng chữ và để chỗ cho thinh lặng. Như thử ở nơi kinh hoàng tích tụ bao nhiêu là tội ác này, tội ác chống Thiên Chúa và chống con người, lời không đủ để nói lên. Linh mục người gốc Aix-La-Chapelle và cha quyết định sống ở Auschwitz để đáp lại ơn gọi của mình, làm công việc giải hòa, cha là người phụ trách Trung tâm Thiêng liêng Đối thoại và Cầu nguyện, một trung tâm do các giám mục Âu châu và đại diện các cơ quan do thái thành lập.

Linh mục Manfred tin chắc Auschwitz là vùng đất phong phú vì đây là nơi tâm hồn được biến đổi. Như Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong lần ngài đến trăm trại Auschwitz ngày 28 tháng 5 năm 2006: “Như thế, chúng ta có thể hy vọng nơi kinh hoàng này sẽ làm nảy sinh và phát triển cho một suy nghĩ tích cực và kỷ niệm của nơi này sẽ giúp chúng ta cự lại với sự dữ và để cho tình yêu được chiến thắng”.

Aleteia: “ Vì sao cha chọn sống ở cổng trại Auschwitz?

Linh mục Manfred Deselaers: Tất cả bắt đầu khi lần đầu tôi đến thăm trại Auschwitz năm 1984. Khi đó tôi là cha phó xứ trẻ ở Munich, vùng Bavière nước Đức. Và đó là cú sốc quá lớn đối với tôi. Tôi không hiểu làm sao dân tộc tôi lại có thể phạm tội ác tày trời như thế này. Ở trường học tại Đức, việc giảng dạy lịch sử dừng lại ở Bismarck… Vì thế đối với tôi, Auschwitz trở thành một trách nhiệm. Tôi xin phép giám mục của tôi đến đây một năm, như dấu chỉ của giải hòa, ngài cho phép. Mới đầu tôi ở nhà cha xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời ở Oswiecim (tên tiếng Ba Lan của thành phố Auschwitz). Đây là chuyện tất nhiên của tôi, tôi phải ở tại chỗ, tay trong tay cùng làm việc với cha xứ Ba Lan. Một ngày nọ, hồng y Macharski, Tổng Giám mục Cracovia hỏi tôi: “Cha muốn làm gì ở đây?” Tôi trả lời: “Con muốn làm một cái gì để giải hòa và để cho hòa bình”. Và thế là tôi ở đây đã 29 năm.

Lựa chọn này có phải là một sự ăn năn không?

Phải, đúng vậy. Ở đây kỷ niệm của quá khứ còn rõ mồn một. Sau 74 năm chấm dứt chiến tranh, các vết thương vẫn còn đó. Ngay khi chúng ta chạm đến vết thương thì chúng rất đau. Làm sao gần với người Ba Lan mà không nói đến Thế Chiến Thứ Hai? Làm sao gần với người do thái mà không nói đến Lò Hơi Ngạt. Các vết thương này ở trong lòng chúng tôi, dù chúng tôi có nói đến hay không. Để xây dựng các quan hệ đích thực với người khác, chúng ta phải lấy các vết thương này làm điểm khởi đầu.

Có nghĩa là?

Khi tôi gặp một người nào đó và tôi bắt đầu hiểu gánh nặng của họ, hoặc tôi ở với họ – khi đó chúng tôi cùng gánh chung gánh nặng này – hoặc tôi phải bỏ trốn… Một điều chắc chắn, tôi không thể nói với người kia: “Tôi muốn có mối quan hệ tốt với anh, nhưng tôi không muốn mang thập giá của anh.” Chuyện này là không thể có. 

Ý nghĩa sự hiện diện của cha ở đây là gì?

Tôi không thể nào đảm đương trách nhiệm của quá khứ. Tôi cũng không có gánh nặng cá nhân liên hệ đến lịch sử gia đình tôi – cha tôi không phải là lính đức quốc xã. Dù vậy tôi cảm thấy mình có trách nhiệm trong các mối quan hệ giữa người Đức, người Ba Lan và người Do Thái. Khi gặp các cựu tù nhân của trại Auschwitz, hay thân nhân của những người bị chết ở đó, tôi cảm thấy tôi muốn ở với họ, nghe họ. Đó là sứ mạng của tôi, như một người Đức, người kitô hữu và linh mục.

Khi đến trại Auschwitz, cha quyết định làm tiến sĩ thần học về ông Rudolph Hoess, người đứng đầu trại. Vì sao?

Tôi muốn cố gắng để hiểu. Không phải chỉ các sự kiện lịch sử, vì đây cũng là ký ức thần học. Tôi phải suy nghĩ từ quan điểm đức tin. Điều cần thiết là phải tìm trong bối cảnh này, quan hệ của mỗi người với Chúa. Rudolph Hoess sinh ra là người công giáo và vào cuối đời, ông quay trở lại với đạo công giáo. Cái gì đã xảy ra trong lương tâm cá nhân của ông trong thời gian ông điều khiển trại tử thần? Tôi muốn cố gắng hiểu điều này, vì đây là con đường duy nhất để vinh danh các nạn nhân. Nhưng hiểu với quả tim, vì với Auschwitz, tôi càng biết thì tôi càng không hiểu. Làm thế nào trại này lại có thể ở Âu châu, nơi trung tâm kitô giáo? Làm sao có thể hình dung ở đây có bốn mươi trại và tiểu trại và người ta đã san bằng chín ngôi làng để xây trại? Một nửa của 400 000 tù nhân là người do thái và 900.000 chưa thấy trại vì họ đi thẳng đến tử thần!

Làm thế nào hiểu các hành động của Rudolph Hoess dưới khía cạnh đức tin?

Chúng ta chỉ có thể hiểu được khi đọc Phúc Âm về Phán xét Cuối cùng (Mt, 25, 42) :

“ ‘Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;  Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’”

Ở đây chúng ta thấy một cái gì thiết yếu: gặp gỡ với Chúa qua con người. Tiếng nói của Chúa là tiếng nói của con người. Nơi ông Rudolph Hoess có một sự đứt đoạn hoàn toàn, một sự phi nhân hóa tuyệt đối bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ nazi. Đối với ông, các tù nhân ở đây không phải là con người, đó là các con vật… Những con vật nuôi trong nhà để phục vụ con người hay những con vật gây tác hại phải triệt hạ. Sự đứt đoạn của quan hệ với con người và cuối cùng là với Chúa – vì Chúa ở trong trái tim con người – và đó là chìa khóa của Sự dữ.

Nhưng Chúa ở đâu trong trại Auschwitz?

Trong phiên xử ông Rudolf Hoess, công tố viên đã hỏi: “Ông có hối hận không?” Rudolf Hoess đã trả lời: “Mời đầu không, vì tất cả đã rõ ràng đối với tôi. Nhưng sau này, có, dù sao đi nữa”. Nhất là ông nói đến cái nhìn của một phụ nữ ném vào ông khi bà đi vào lò hơi ngạt. Ông không bao giờ quên cái nhìn này. Sau đó mỗi lần ông nhìn vợ ông thì cái nhìn của người phụ nữ này ám ảnh ông. Chúa đã ở trong phẩm giá của người phụ nữ này, trong cái nhìn đã chạm đến lương tâm ông Hoess, dù sau đó ông cố gắng gạt bỏ cái nhìn này trong ký ức của mình. Chúa ở trong nhân phẩm của các tù nhân ở trại Auschwitz.

Cùng với linh mục Ba Lan Jan Nowak, cha phụ trách linh đạo cho “Trung tâm Đối thoại và Cầu nguyện” ở Auschwitz. Một nơi được thành lập theo sáng kiến của Hồng y Lustiger và Hồng y Macharski. Hàng ngày cha làm gì ở trung tâm này?

Kỷ niệm của trại Auschwitz không làm cho chúng tôi bị bệnh nhưng làm cho chúng tôi nhân bản hơn. Nó không ngăn chúng tôi xây dựng các mối quan hệ, nó giúp chúng tôi chữa lành các vết thương của quá khứ. Dù không phải dễ để thảo luận, dù không có đủ chữ để nói lên. Tôi khi nào cũng không biết phải nói gì, làm gì nhưng tôi ở đây để lắng nghe tất cả. Trong trung tâm này, chính sự tiếp đón là câu trả lời quan trọng nhất. Chúng tôi đón các nhóm khách đến xin tổ chức các buổi hội thảo hay các buổi chiêm niệm trong thinh lặng, suy gẫm hay tĩnh tâm. Đôi khi cũng chỉ để sắp xếp các phòng cho khách hành hương. Gần đây có nhóm các bạn trẻ người tị nạn do thái và hồi giáo từ Đức đến, họ dành thì giờ đến thăm trung tâm sau khi đã thăm trại Auschwitz. Họ nói đây là chỗ lý tưởng để cùng ở với nhau, cùng trao đổi với nhau. Khi có sự tin tưởng thì có phép lạ. Nhờ Chúa, Hitler đã không thể có tiếng nói cuối cùng. Ngày nay, tại Auschwitz, chúng tôi có hy vọng, rằng chính sức mạnh của tình yêu mới có tiếng nói cuối cùng.

Marta An Nguyễn dịch

510    29-04-2019