Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Lituani: Phúc âm hóa giới trẻ là một ưu tiên


Ngày 22 tháng 9 Đức Phanxicô có chuyến đi thăm ba nước vùng biển Baltic. Ở các nước Lettoni, Estoni, những nước từng bị Xô-viết vô thần chiếm đóng, các thế hệ sinh trước ngày độc lập 1990 không có gì để trao truyền cho con cái mình. Nhưng kể từ năm 1990, Giáo hội cố gắng  thu hút và đào tạo giới trẻ.

Ngày tựu trường ở Lituani. Ở nhà thờ chính tòa Kaunas, hàng chục sinh viên và giáo sư mặc áo màu xanh dương đậm sốt sắng ngồi ở cung thánh để tham dự thánh lễ khai giảng năm học do Tổng Giám mục Lionginas Virbalas cử hành, không ai ngạc nhiên vì có thánh lễ này. Bà Ingrida Kriaucionyte, người có trách nhiệm đón tiếp khách hành hương cho biết: “Đây là một truyền thống để đánh dấu đầu năm học, một thánh lễ trọng thể được cử hành tại đây.” Cũng tại nhà thờ chính tòa xinh đẹp này, Đức Phanxicô sẽ đến gặp các tu sĩ và chủng sinh ở đây.

Dù vậy, các người trẻ Lituani cũng không giữ đạo nhiều hơn phần còn lại của Âu châu. Giáo sư sử học Liudas Jovaisa cho biết: “Tôi không bao giờ nói về đức tin của tôi cho sinh viên, vì khi các sinh viên nghĩ rằng tôi có ý tuyên truyền là họ khép lòng lại.” Giáo sư Jovaisa dạy môn sử học ở Đại học Vilnius và là hội viên của Hàn lâm viện công giáo khoa học Lituani. Theo giáo sư, từ khi nước Lituani độc lập năm 1990 thì cũng như phương Tây, nước Lituani trải qua giai đoạn thế tục hóa hàng loạt, dù ở đây người dân không thù nghịch với đạo công giáo. Ngược lại, Giáo hội vẫn giữ một hình ảnh tích cực vì Giáo hội đã là một “lực lượng kháng cự mạnh” trong vòng năm mươi năm dưới gông cùm cộng sản.

Giáo sư Arunas Streikus, giáo sư sử học và hội viên Hàn lâm viện công giáo khoa học Lituani cũng cho biết, “trong thời gian Liên bang Xô Viết chiếm đóng, Giáo hội là kẻ thù ý thức hệ mà cộng sản phải triệt hạ.” Các linh mục chỉ được quyền ban phép bí tích, họ sẽ bị phạt nặng nếu có các sinh hoạt mục vụ hay dạy giáo lý. Mọi hình thức trao truyền đức tin đều bị cấm, kể cả trong gia đình, nếu cha mẹ không muốn tương lai con cái mình bị ảnh hưởng. Giáo sư Arunas Streikus cho biết tiếp: “Bản dịch Tân Ước đầu tiên chỉ có từ năm 1972, và tài liệu giáo lý đầu tiên là vào năm 1982. Sự hạn chế các sách vở tôn giáo phương hại đến Giáo hội còn nhiều hơn là các vụ bách hại, tù đày, vì sự cấm đoán này làm cản trở việc đào tạo các linh mục và tín hữu.”

Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Giám mục Gintaras Grusas giáo phận Vilnius tuyên bố, “các cha mẹ ở Lituani không nắm vững các nền tảng đức tin vì thế sứ mạng truyền giáo là cần thiết ở đây.” Để đào tạo các thế hệ không nhận một giáo dục tôn giáo nào, các sáng kiến trên nhiều phương diện đã được đưa ra. Ở giáo xứ Thánh Antôn Pađua, thành phố Kaunas, càng ngày càng có nhiều gia đình trẻ nên cha xứ Vincentas Lizdenis đề nghị dạy đạo cho các cha mẹ xin rửa tội cho con mình. Mỗi năm, linh mục nhiệt tình này đã chuẩn bị cho 200 trẻ em và cha mẹ của các em rước lễ lần đầu ở Kryziu Kalnas, ngọn đồi Thánh giá ở Siauliai, nơi không xa biên giới Lettoni. Cha còn đi xe buýt đưa giáo dân đến cộng đoàn Taizé: “Các giáo dân của tôi ngạc nhiên thấy bao nhiêu là bạn trẻ cầu nguyện, họ cũng bắt đầu học cầu nguyện.”

Cũng vậy ở thành phố Vilnius, nữ tu Dòng Đức Mẹ Lên Trời người Pháp Bénédicte Rollin cho biết: “Các khóa khai tâm Alpha và các khóa cho các cặp vợ chồng được phát triển mạnh.” Nữ tu Rollin lo mục vụ gia đình theo tinh thần của cha Denis Sonet và cha Cler. Ông Tomas Taskaukas, người cha gia đình 31 tuổi cho biết: “Các ngày cho giới trẻ được bảy giáo phận tổ chức đã hoạt động rất tốt.” Ông điều hành một nhóm Hướng đạo sinh Âu châu trong vòng ba năm, sau khi tìm được đức tin ở cuối tuổi vị thành niên nhờ  “gia đình hạnh phúc của người dì đã cho ông ước muốn cũng có một gia đình hạnh phúc như vậy.”

Theo ông, các kinh nghiệm thiêng liêng đang chờ giáo dân Lituani. Nhưng Giáo hội không phải lúc nào cũng biết để đáp ứng được các mong chờ này. Hồng y Audrys Juozas Backis, Tổng Giám mục danh dự giáo phận Vilnius cho biết: “Trong những tháng theo sau ngày độc lập, có một số lớn người đến các giáo xứ. Nhưng hàng tu sĩ chúng tôi chưa được đào tạo để có phương thức mục vụ mới và phụng vụ.” Chúng tôi giới thiệu giáo điều, trong khi người dân Lituani “khát khao có cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô.” Thất vọng, họ quay lưng với việc giữ đạo.

Dù bây giờ 79% người dân Lituani cho mình là người công giáo, hàng năm con số người được rửa tội là 25.000 người và đám cưới ở nhà thờ là 7000, các con số này ngày càng thấp dần. Cũng vậy, chủng viện Vilnius (của ba giáo phận) sau khi tái xây dựng năm 1993 có nhiều chủng sinh, bây giờ trống vắng lại: mới đầu chủng viện có  60 ứng sinh linh mục, năm nay con số chỉ còn 20. Còn về việc dạy các tôn giáo ở trường Nhà nước thì không phải lúc nào cũng có chất lượng (áp đặt ở cấp tiểu học và nhiệm ý ở cấp trung học). Ông Donatas Puslys, 32 tuổi, tổng biên tập trang mạng công giáo Bernadilai cho biết: “Sau ngày độc lập, giáo sư tôn giáo của chúng tôi rất tệ: học sinh không nghe thầy vì giáo án không phù hợp với các vấn đề của chúng tôi và không có một trao đổi nào có thể có được.” Trang mạng Bernadilai được các cha Dòng Phanxicô thành lập năm 2004.

Cũng như các người trẻ công giáo dấn thân hoạt động, anh Donatas Puslys biết ơn ông bà nội ngoại của mình đã trao truyền đức tin kitô cho con cháu. Ông ngoại của anh là người đánh đàn organ, ông lén lút đưa anh đi lễ: “Đến lễ Giáng Sinh, ông làm phép các ảnh tượng rồi cho chúng tôi.” Anh Rugile Burkeviciute, 27 tuổi, điều phối viên ở trường Dòng Tên thành phố Kaunas cho biết: “Các ông bà của tôi có đức tin vững mạnh, nên tôi đức tin của tôi được dễ dàng vì tất cả đều được trao truyền trong gia đình.” Năm 1997, với sự trợ giúp của Dòng Tên, các tu sĩ Dòng Tên là những người đầu tiên tái mở lại các trường tư ở thủ đô Vilnius và Kaunas. Tất cả các trường học khác, đã là trường tư trước ngày Lituani bị Liên bang Xô Viết thôn tính vẫn là trường công.

Người dân Lituani rất mong chờ chuyến thăm của Đức Phanxicô đến đất nước họ ngày thứ bảy và chúa nhật 22, 23 tháng 9. Giám mục trẻ Gintaras Grusas, giáo phận Vilnius cho biết: “Cũng như chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II tháng 9 năm 1993, các mối tương quan với quốc gia đã được biến đổi và đã giúp rất nhiều cho Giáo hội. Chuyến đi của Đức Phanxicô 25 năm sau sẽ là một dấu hiệu hy vọng cho chúng tôi đứng trước tất cả các thách đố của chúng tôi.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

551    25-09-2018