Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Loan báo Tin Mừng, sứ vụ của mọi kitô hữu

loanbaotinmung
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao phó cho Hội Thánh sứ vụ loan báo tin mừng:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Thế nên, Hội Thánh Chúa Kitô coi những lời của Chúa Giêsu như là lệnh lên đường, ra đi để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Qua đó Hội Thánh nhắc cho con cái mình việc  Loan Báo Tin Mừng vốn là bản chất và sứ mạng thiết yếu nhất của Hội Thánh, của mỗi người tín hữu nhằm đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Là người Kitô hữu, tôi cũng nhận ra ơn gọi loan báo Tin mừng trong lòng Hội Thánh để thực thi lời Chúa Giêsu truyền dạy.

 

Thât vậy, sứ mạng Loan Báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Hội Thánh, cho mỗi người Kitô hữu là sứ mạng thiêng liêng và cao quý. Bởi vì với xã hội bộn bề, sôi nổi và đầy toan tính như hiện nay thì việc đem Tin Mừng Chúa gieo vào tâm hồn của người ta thật là liều thuốc tốt nhất để canh tân đời sống và biến đổi bản thân mỗi người. Nhưng tại sao lại nói việc gieo hạt giống Tin Mừng đến mọi người là liều thuốc tuyệt vời để canh tân đời sống? Thưa bởi vì sứ mạng loan báo Tin Mừng nhằm làm cho Chúa Giêsu được mọi người nhận biết, yêu mến và tôn thờ, việc ấy được làm nhờ lời Chúa qua Thánh Kinh và đời sống đức tin của mọi Kitô hữu chúng ta. Hạt giống Tin Mừng được gieo vào những vùng đất mới nhờ sức mạnh truyền giáo của Hội Thánh. Nơi những vùng đất mới đó sẽ sinh hoa kết trái đầy cành, qua đó Giáo Hội thu hoạch về những Kitô hữu nhận biết đến tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, coi chừng sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho Hội Thánh làm cho một số người lầm nghĩ rằng đó là sứ vụ của các linh mục và tu sĩ hay những hội đoàn, v.v. Ở đây, xin thưa rằng sứ vụ ấy là sứ vụ của bản thân mọi người Kitô hữu, là thành phần của Hội Thánh, tín hữu khi đã được Rửa Tội tức là sinh lại bởi nước và Thánh Thần. Như vậy, mỗi người tín hữu hay còn gọi là giáo dân Công Giáo đều có sứ vụ cao cả là đem Chúa đến với mọi người xung quanh chúng ta. Bằng nhiều cách khác nhau mà chúng ta có thể thực hiện, như hăng say lên đường, mang theo hành trang tình yêu của Đấng Cứu Thế đến cho những anh chị em còn chưa nhận biết Chúa.  Qua hình ảnh sai đi của Chúa Giêsu Kitô, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy canh tân đời sống đức tin, lòng bác ái vị tha, lòng cậy trông vào Chúa để chính đời sống hằng ngày của chúng ta là cách thức để thi hành sứ vụ này.

Ở một phương diện khác, đa phần chúng ta những Kitô hữu thật sự vẫn còn yếu đuối, vẫn sống nghiêng chiều về bản năng con người hơn, quên đi phần thiêng liêng nơi linh hồn chúng ta. Với đời sống đức tin yếu đuối, có thể đôi lúc chúng ta quên đi mình là Kitô hữu mà không hăng say mang yêu thương của Đấng Cứu Thế đến trao ban cho anh chị em xung quanh chúng ta. Tuy cuộc sống có gian nan thế nào, có vất vả ra sao thì vẫn hãy tin vào tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, hãy để Ngài đồng hành cùng chúng ta  nơi suy nghĩ, lời nói và hành động. Để chính nhờ đời sống đức tin mãnh liệt là mối dây liên kết Đấng Cứu Thế với những anh em xung quanh chúng ta. Đặc biệt những anh chị em lương dân còn chưa nhận biết Chúa.

Bên cạnh đó, nhìn vào bối cảnh xã hội tôi đang sống ngày hôm nay, có biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, đạo đức luân lý bị dần mất đi giá trị. Chính vì thế xã hội nỗ lực xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá, xãvăn hoá, ấp văn hoá”…. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỷ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ của Đức Giêsu Kitô. Thế nên, như mọi người khác, người Công Giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay, chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán, ruộng đồng… nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.

Bản thân là người công giáo tôi thường nhắc nhở mình về trách nhiệm loan báo Tin Mừng của mình. Hằng ngày tôi thường tự hỏi mình đã làm được những việc gì để loan báo Tin Mừng? Hằng ngày tôi đều cố gắng sống tốt, hay quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh từ nhà cho đến nơi làm việc để góp một phần nhỏ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Ngoài ra tôi cũng thường hay tham gia những chương trình từ thiện của họ đạo như phát gạo cho người nghèo, thăm ông bà lão neo đơn, bệnh tật,… với tư cách là một kitô hữu để cố gắng góp hết sức mình cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Tháng mười năm nay năm 2019, ĐGH Phanxicô muốn kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud của Đức Thánh Cha Benêđíctô. Trong tháng mười này Người muốn chúng ta tập trung nhiều hơn cho nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và là cách hữu hiệu nhất để làm chứng cho Thiên Chúa. Loan báo Tin Mừng có thể bằng lời cầu nguyện, tiếng nói hay việc làm. Không cần phải bằng những việc lớn lao mà có thể là những việc rất nhỏ trong cuộc sống như khi ta giúp đỡ một bà lão đi đứng khó khăn qua đường với niềm tin vào sự nhân từ của Thiên Chúa thì ta đã – đang loan báo Tin Mừng. Không phải chỉ cần loan báo Tin Mừng là đủ, chúng ta còn cần phải khắc phục những bất đồng bên trong thì mới chuyên tâm hết lòng cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà không cần phải bận tâm về những việc khác.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ Hội Thánh, Mẹ của sứ mạng loan báo Tin Mừng, giúp người Kitô hữu chúng con có tấm lòng yêu mến Chúa, mang tình yêu Đấng Cứu Thế đến với mọi người xung quanh. Đồng thời xin Mẹ giúp chúng ta có đôi chân “đứng trên mặt đất” và can đảm gieo vãi Tin Mừng trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống thường ngày.

Lm. Đamianô Lê Đình Khôi

 

3398    03-10-2019