Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Lời Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng - 2

7. Chứng tá Lời Chúa

Điều quan trọng là mỗi hình thức loan báo phải ghi nhớ trước hết quan hệ nội tại giữa việc thông truyền Lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Chính tính khả tín của việc loan báo tùy thuộc vào điều này” (VD số 97).  

“Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân.’ […] Vì vậy, Hội Thánh sẽ phúc âm hóa thế giới chủ yếu bằng chính hành vi và đời sống của mình, nói khác đi, bằng việc làm chứng lòng trung thành của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu…”. (Lineamenta số 22).

Đối với Giáo Hội, phương tiện thứ nhất của việc truyền bá phúc âm hoá là việc làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu chân chính cho Thiên Chúa… Thánh Phêrô đã diễn tả điều này rõ ràng khi ngài chủ trương gương lành của một đời sống đáng kính và trong sạch là một việc chinh phục những kẻ từ chối nghe lời nói mà không cần phải nói một lời nào (x.1Pt.3:1). Bởi thế, bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hoá cho thế giới, nói cách khác, bằng chứng tá sống động của mình trong việc trung thành với Chúa Giêsu – chứng tá khó nghèo và không dính bén, chứng tá tự do trước những quyền lực thế gian, tóm lại, chứng tá của sự thánh thiện” (EN số 41).

8. Loan báo Đức Kitô bằng lời rao giảng, giảng thuyết

Chứng tá đời sống chưa đủ, mà đích thực còn phải bằng lời rao giảng,

“Thứ đến, cũng không phải là thừa thãi khi nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng và cần thiết của việc rao giảng. “Làm sao họ có thể tin vào Người là Ðấng họ chưa bao giờ nghe nói đến? Và làm sao họ được nghe mà lại không có người rao giảng?… Thế nên đức tin nhờ nghe mà có và nghe là do việc rao giảng về Chúa Kitô” (Rm.10:14,17). Ðiều luật đã từng được Vị Tông đồ Phaolô chủ trương này vẫn còn nguyên hiệu lực cho đến ngày hôm nay. “Ðức tin nhờ nghe mà có” (Fides ex auditu) (Rm.10:17) vẫn giữ được tính cách của nó: chính Lời được rao giảng mới dẫn đến niềm tin” (EN số 42).

Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng dành nhiều số để nói về bài giảng thánh lễ có tầm quan trọng. Bài giảng triển khai Lời Chúa, chứ không phải lời con người. Lời giảng phải đi từ trái tim đến trái tim, giảng như người mẹ nói với con. Các linh mục cần đầu tư thời gian xứng hợp vào việc diễn giải Lời Chúa.

9. Mục vụ loan báo Tin Mừng ngày nay cần thích hợp với thời đại

Việc loan báo Tin Mừng ngày nay cần vận dụng những tiến bộ của khoa công nghệ thông tin, phương pháp thính thị, cho phù hợp với tâm thức người thời đại, hấp dẫn người nghe, nhất là giới trẻ, trong việc huấn giáo Lời Chúa.

Chúng ta cũng ghi khắc lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi ngài nói rằng công cuộc Tân Phúc Âm hoá ngày nay cần có nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới.

Đứng trước những thách đố, trở ngại, vốn luôn có cho mọi thời, chúng ta cần giữ tinh thần lạc quan, vui tươi, vốn là nét chủ đạo trong giáo huấn của ĐTC Phanxicô. Ngài dạy: “Thách đố luôn có mặt, nhưng chúng có đó là để bị vượt qua, chứ không phải để chế ngự chúng ta”. Lạc quan về kết quả của sứ mạng này. Cứ gieo vãi, hạt giống sẽ mọc lên, không sức mạnh nào cản ngăn được :

Như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho đất ra phì nhiêu, Lời Thiên Chúa cũng thế, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10t). Đức Giêsu Kitô là Lời chung kết và hữu hiệu này, Lời đến từ Chúa Cha và trở về cùng Ngài, khi đã hoàn toàn thực hiện ý muốn của Ngài trong thế giới” (VD số 90).

“Vì vậy chúng ta tiến bước vào cuộc tân Phúc Âm hóa với tinh thần phấn khởi. Chúng ta sẽ học được niềm vui dịu ngọt và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, cả khi việc rao giảng xem ra giống như một hạt giống gieo trong nước mắt (x. Tv 126:6). “Chớ gì đối với chúng ta – giống như đối với Gioan Tẩy Giả, Phêrô và Phaolô, cũng như các tông đồ khác và biết bao nhà truyền giáo xuất sắc trong suốt lịch sử Hội Thánh−niềm vui này là một sự phấn khởi mà không một ai hay một điều gì có thể dập tắt nổi. Chớ gì nó là niềm vui to lớn của đời sống tận hiến của chúng ta. Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang đi tìm, đôi khi trong lo âu, đôi khi trong hi vọng, có thể nhận lãnh Tin Mừng không phải bởi những người rao giảng chán nản, thất vọng, thiếu kiên nhẫn hay lo âu, nhưng bởi những thừa tác viên Tin Mừng có đời sống cháy bừng lửa nhiệt tình, những người đã nhận được niềm vui từ Đức Kitô trước, và sẵn sàng hi sinh mạng sống để Nước Thiên Chúa được rao giảng và Hội Thánh được thiết lập giữa thế giới” (Lineamenta, số 25).

10. Vai trò của Chúa Thánh Thần

Tác nhân chính của sứ mạng Phúc Âm hóa là Chúa Thánh Thần, chúng ta là người cộng tác. Thần Khí muốn thổi đâu tùy ý :

Thần Khí của Đấng Phục Sinh làm cho đời sống chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới” (VD số 91).

Do đó, không được coi sứ mạng của Giáo Hội như một thực tại tùy ý hay tùy chọn trong đời sống Giáo Hội. Vấn đề là để cho Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với chính Chúa Kitô, và như thế, tham dự vào sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), để chuyển thông Lời bằng trọn cả đời sống chúng ta” (VD số 93).

Khi đến trần gian ở giữa chúng ta, Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta thông phần sự sống của Thiên Chúa để biến đổi bộ mặt trái đất và làm nên một thế giới mới (x. Kh 21:5). Mặc khải của Người không chỉ làm chúng ta được thừa hưởng ơn cứu độ mà còn biến chúng ta trở thành những sứ giả và những chứng nhân. Để chu toàn nhiệm vụ này, Thánh Thần của Đức Kitô phục sinh đem lại hiệu quả cho công việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trên khắp thế giới. Đây từng là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi họ chứng kiến Lời Thiên Chúa lan rộng nhờ việc rao giảng và chứng tá (x. Cv 6:7)” (Lineamenta số 23).

“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

KếtMẫu gương của Đức Maria, môn đệ Lời và người loan báo Tin Mừng.

Ba vị Giáo Hoàng gần đây đều xưng tụng Đức Maria là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm Hoá (Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi số 82; Đức Bênêđictô XVI trong THĐGMTG khoá XIII (Lineamenta số 23) và Đức Phanxicô trong Evangelii Gaudium số 287-288).

Mẹ là mẫu gương về thái độ đối với Lời Chúa và sứ mạng loan báo Tin Mừng:

* Nơi Mẹ, có mối tương giao cá vị mật thiết với Ngôi Lời cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Về phương diện thể lý, Mẹ cưu mang Chúa, ban máu thịt cho Ngôi Lời làm người, Mẹ và Chúa là một ; Về phương diện thiêng liêng, Mẹ ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng (xem Lc 2,52).

* Vừa cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã vội ra đi, đem Chúa đến cho chị họ Elisabeth và Gioan Tiền Hô (x. Lc 1,39-56). Đó là loan báo Tin Mừng.

* Tại Cana, Mẹ đã can thiệp để Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu, khiến cho các môn đệ tin (x. Ga 2,1-12). Đó là thành quả của sứ mạng loan báo Tin Mừng.

* Một lần kia, thán phục Lời giảng dạy của Chúa, một phụ nữ cất tiếng nói: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Chúa Giêsu đã vinh danh Mẹ khi đáp lại rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11, 27-28). Còn ai xứng đáng hơn Mẹ Maria, vì đã nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng, và thực hành.

* Sau khi Chúa về trời, Mẹ cầu nguyện với các tông đồ trong nhà Tiệc Ly, chờ đón Chúa Thánh Thần đến và giúp cho các tông đồ nhớ lại tất cả những gì Chúa đã dạy, thêm sức và cùng hoạt động loan báo Tin Mừng với các ngài. Ngày nay, Mẹ vẫn hiện diện trong Hội Thánh để yểm trợ sứ vụ này bằng lời cầu nguyện và tấm lòng từ mẫu.

 

 +Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Giáo phận Vinh
Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN

1380    08-03-2019