Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lời Chúa và cuộc sống

Trong bài hát “Lời Cha” của nhạc sĩ Sơn Ca Linh có lời sau: “Lời Cha đã vang lên trong cuộc đời. Lời Cha đã vang lên nơi trần thế. Lời Cha đã vang lên qua muôn thế hệ. Lời Cha đã vang lên trong lòng con.” Qua bài thánh ca, tác giả đã xác tín được Lời của Thiên Chúa là Cha đã có từ đời đời, đã hiện diện và cùng đồng hành với con người trong cuộc lữ hành trần thế này. Lời đó rất gần gũi với cuộc sống hiện tại không chỉ với nhạc sĩ, nhưng cả với mỗi người chúng ta nữa. Vậy đâu là giá trị của mối liên hệ giữa Lời Chúa và cuộc sống con người?

Lời Chúa là lời khởi nguồn của cuộc sống con người

Qua trình thuật trong chương đầu sách Sáng thế, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ và con người bằng chính Lời của Người, “Thiên Chúa phán... liền có...” (St 1,3). Từ đó, sự sống mới được bắt đầu và cũng từ đó con người bắt đầu một hành trình, một cuộc phiêu lưu đầy hứa hẹn. Thế nhưng, con người đã không trung thành với Thiên Chúa và đã sa ngã phạm tội. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, mà lại “hứa” ban ơn cứu độ qua “Ngôi Lời nhập thể” (x. St 3,15), để con người tiếp tục một cuộc sống và một hành trình với những cố gắng hầu được ơn giải thoát. Sự chuẩn bị cho biến cố nhập thể đó được mạc khải qua Cựu Ước.

Qua lời mời gọi với tổ phụ Abraham và lời hứa cho dòng dõi ông (x. St 12,1), Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người. Lời Chúa đã đến với Môsê, để qua ông Người đã chọn một dân ưu tuyển (Xh 24,6-8). Lời Chúa lại tiếp tục được nói qua miệng lưỡi các Ngôn sứ, để các ngài truyền đạt những Lời mà Thiên Chúa muốn nói với dân Người. Cuối cùng “Lời hứa cứu độ” của Thiên Chúa đã được thực hiện khi Đức Giêsu - Ngôi Lời đã làm người và ở giữa nhân loại chúng ta (Ga 1,14), Người đã khởi đầu một triều đại mới, một lịch sử mới, làm đổi mới cuộc sống con người.

Đức Giêsu đã đi rao giảng, đã chịu chết để thực hiện lời hứa và đã phục sinh. Những lời rao giảng, những giáo huấn của Người tiếp tục được vang lên cho đến ngày nay, qua mạc khải trong Tân Ước, qua các thánh Tông Đồ là nền tảng của Giáo hội, để giúp con người bắt đầu cuộc sống mới trong ơn cứu độ.

Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc sống con người

Trong thời Cựu Ước Thiên Chúa đã ban cho dân những Lời giáo huấn, cách cụ thể qua “Thập Giới” để làm quy chuẩn cho dân sống và tuân giữ (x. Đnl 5,1-31). Qua các Ngôn sứ, Lời Chúa dùng để răn đe, giáo huấn và dạy dỗ dân sống đúng với Luật đã cam kết khi họ đang rời xa Thiên Chúa. Quả đúng như lời Vịnh Gia đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118 (119),105).

Khi Ngôi Lời nhập thể làm người với khoảng ba mươi ba năm ở tại thế, đã làm cho con người cảm thấy Lời Chúa gần gũi hơn bao giờ hết. Chính những lời rao giảng của Đức Giêsu là Lời Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa làm người. Những Lời đó đã vang lên từ trên đỉnh núi, từ các hội đường, làng mạc, đồng quê… đến với hết thảy mọi người, mọi tầng lớp, không phân biệt giàu nghèo giai cấp. Lời đó mời gọi tất cả hãy ăn năn sám hối và canh tân cuộc sống để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 4,17).

Lời Chúa là “khuôn vàng thước ngọc” cho chúng ta noi theo, dạy chúng ta trong cuộc sống phải mến Chúa yêu người, phải sống đạo hiếu, đạo trò, sống tình huynh đệ và phu thê… để làm cho nước Chúa phát triển ngay trong cuộc sống này. Lời đó tiếp tục được các Tông Đồ, sau là Giáo Hội ra đi và làm vang lên mãi trong tận cùng ngõ hẻm của cuộc sống con người, để con người được đón nhận và sống Lời Chúa.

Lời Chúa chính là động lực và cứu cánh cho cuộc sống con người

Cuộc sống con người là một hành trình đang hướng tới một tương lai. Không ai sống mà lại không nghĩ đến ngày mai. Vậy tương lai là gì? Nếu không phải là sự sống viên mãn và hạnh phúc lâu dài. Nguyện vọng đó, liệu Lời Chúa có thể đáp ứng được hay không?

Trong Tân Ước có lần ông Phêrô đã thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”(Ga 6,68). Vâng, Lời Chúa là Lời đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu, là hạnh phúc đích thực khi con người ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Vậy thì làm sao để đảm bảo được những gì mà Lời đem lại là sự thật?

Trước hết, chúng ta biết Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha đã nhập thể như đã được tiên báo (x. Ga 1,1-14), vậy những gì Ngài nói đều là sự thật(x. Ga 14,6). Hơn nữa, khi tìm hiểu các bản văn Tin Mừng, chúng ta biết Lời Chúa không chỉ là lời mời gọi sám hối, mà còn có sức chữa lành con người khỏi các bệnh tật cả về phần hồn lẫn phần xác, phục sinh kẻ chết, khử trừ ma quỷ, vạch trần những thói giả hình của con người… Cũng chính Lời đó đã trở nên lương thực cho con người khi làm cho nước hóa thành rượu, bánh hóa ra nhiều và nhất là biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Trên đỉnh đổi Gôngôtha năm xưa, chính Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho loài người chúng ta, vì tội lỗi và sự phản bội đã giết Đấng Thiên Sai, đó không phải là Lời để tha thứ, để nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa hay sao?

Vậy những gì mà Chúa Giêsu đã nói và làm đó không đủ để chứng minh cho chúng ta về sức mạnh và cứu cánh của Lời sao? Thế nhưng, không phải con người cứ đón nhận Lời là có được sự sống vĩnh cửu đâu, điều kiện quan trọng là họ phải biết sống Lời, làm chứng về Lời ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình.                                  

Cuộc sống của chúng ta là chứng tá về giá trị của Lời Chúa

Lời Chúa sẽ trở nên vô ích nếu cuộc sống con người lại không để cho Lời Chúa soi dẫn và chỉ đường. Trước hết, nhờ Lời Chúa mà cuộc sống của chúng ta có sự khởi đầu, vì thế mà mỗi người chúng ta phải trở nên bài ca tôn vinh chúc tụng vì đã lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, hãy biết trân trọng sự sống và làm triển nở nó, vì đó là món quà vô giá mà Thiên Chúa đã trao tặng cho loài người chúng ta. Chúng ta tin rằng: sự sống này chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, thì Ngài cũng có thể lấy nó đi bất cứ lúc nào, để khi gặp những khó khăn trong cuộc sống chúng ta sẽ không tuyệt vọng, nhưng cố gắng để vượt qua.

Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc sống, nên người mang Lời phải trở nên mẫu mực hơn hết, phải luôn thể hiện tinh thần ấy qua thái độ sống mến Chúa và yêu người, bằng hành động cụ thể như Lời Chúa đã dạy (x. Mc 12,29-33). Điều khó khăn để sống Lời Chúa trong xã hội ngày nay là, trong khi xã hội đang muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, thì làm gì còn chỗ cho Lời Chúa phát triển. Khi một xã hội đang tìm cách hưởng thụ, thì làm sao họ có thể nghe Lời Chúa dạy tiết độ và hy sinh. Khi xã hội coi thường sự sống con người, thì làm sao có thể nói là yêu thương anh em đồng loại được… Dường như, xã hội ngày nay đang đi ngược lại với những gì mà Lời dạy chúng ta phải sống.

Vì thế, sống Lời giữa đời, là chúng ta chấp nhận một cuộc lội ngược dòng, phải kiên trì và hy sinh thật nhiều, ngay cả mạng sống để làm chứng cho Lời như Đức Maria và các thánh. Các đấng đã làm chứng và noi gương chính Chúa Giêsu – Ngôi Lời của Chúa Cha đến nỗi chết trên thập giá để chu toàn, ứng nghiệm và làm chứng về tình yêu Thiên Chúa.

Lời Chúa chính là động lực và cứu cánh của cuộc sống mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy mở lòng để cho Lời hành động nơi ta. Có Lời Chúa làm động lực thì chúng ta phải sống với một tình thần lạc quan trong niềm hy vọng, chúng ta phải là: “Ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng” (Đường Hy Vọng – ĐHY. Fx. Nguyễn Văn Thuận).

Chúng ta phải để cho tình yêu xuất phát từ Lời cháy lên trong tâm hồn mỗi người và lan đến mọi người xung quanh như Đức Giêsu từng nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và thầy ước mong cho lửa ấy cháy bùng lên” (Lc 12,49). Sau hết, vì chính Lời Chúa là nguồn ơn cứu độ, nên mỗi người phải biết sống quy hướng về Lời, thực thi những gì Lời dạy và mang Lời đến tận cùng trái đất, để tất cả được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Qua những gì chia sẻ về mối tương quan giữa Lời Chúa và cuộc sống, cho chúng ta có được một sự xác tín mạnh mẽ về sự hiện diện và tác động của Lời đối với mỗi người chúng ta. Có thể nói: tất cả những gì mà Lời mang lại đó được tóm lại trong hai chữ “tình yêu.” Vì tình yêu mà Lời đã trao ban sự sống. Vì tình yêu mà Lời đã hướng dẫn và đồng hành. Vì tình yêu mà Lời đưa con người đến tương lai hạnh phúc vĩnh cửu. Tình yêu đó được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, Người vừa là tất cả những gì Lời Chúa muốn nói với con người, vừa là gương mẫu cho con người đáp lại Lời Chúa. 

John Phạm

4217    04-06-2018