Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Lợi ích của việc tôn sùng Thánh Tâm

images 3Chúng ta đang sống trong một thế giới chứa đầy những xung đột, chết chóc và bạo lực bởi thiếu vắng sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng mỗi người. Lòng sùng kính Trái Tim Chúa chính là nguồn mạch duy nhất để thế giới kín múc sự hiền lành khiêm nhường, sự bao dung tha thứ để canh đời sống tâm linh và luân lý, chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn và làm tái sinh lối sống yêu thương phục vụ của Đức Giêsu nơi đời sống người ki tô hữu.
Nhưng thế nào là khiêm nhường, một sự khiêm nhường đích thực để ta thi hành trong đời sống của mình?
Trong cuốn “Rèn nhân cách” tác giả Hoàng Xuân Việt đã viết: “Người khiêm nhường không phải là người tự ti mặc cảm, thiếu tự tin, khinh rẻ mình một cách vô lý đến nỗi không sử dụng tài năng của mình. Người khiêm tốn là người sáng suốt nhìn nhận mình có khuyết điểm, có ưu điểm, có tài đức, có trật tự…” Nói cách khác, khiêm nhường là chấp nhận sự thật về chính mình trong tương quan rộng mở với người khác.  Hơn thế nữa, khiêm nhường là nhận biết chính mình trong tương quan với Thiên Chúa, là ý thức thân phận thụ tạo tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và cứu độ. 
Khiêm nhường là khiêm tốn, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỷ, sẵn sàng quên mình vì người khác. Người khiêm nhường là người sống hiền lành, nhu mì, ngoan ngoãn, dịu dàng. Sự khiêm nhường luôn liên quan với sự khoan hồng, còn kiêu ngạo luôn dính líu với ganh tị và ghen ghét. Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2:3). Sự khiêm nhường là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Bởi vì, chỉ khi biết khiêm nhường thì chúng ta mới có thể học hỏi, trưởng thành và phát triển tích cực để vươn tới tầm cao nhất của chính mình. Vua Salomon, con người khôn ngoan và thông thái, đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 11,2).
Nói về khiêm nhường có vẻ rất dễ dàng, nhưng sống khiêm nhường lại thực sự khó đặc biệt trong xã hội đầy dẫy những tranh chấp, kiêu căng và tự mãn của chúng ta hôm nay. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được các Đức Giáo Hoàng giới thiệu như “một phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới” (Chân Phước Phao lô VI) và “là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta” (Đức Pi ô XII). Bởi vì “lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu, đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người” (ĐGH Pi ô XII). “Việc tôn sùng Thánh Tâm chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Ngài một cách dịu dàng hơn và kết hiệp với Ngài một cách quảng đại hơn” (ĐGH Piô XI). “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia” (Pi ô X). Trong lời huấn từ trước khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 5-6-2005, Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Trong Trái Tim của Đấng Cứu Thế, chúng ta tôn thờ tình yêu nhân loại của Thiên Chúa, ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài, lòng thương xót vô biên của Ngài. Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, do đó, còn có nghĩa là tôn kính Trái Tim mà sau khi đã yêu chúng ta cho đến cùng, đã bị đâm thủng bởi lưỡi đòng, và từ nơi cao trên thập giá, đã đổ máu và nước, một nguồn mạch vô tận của đời sống mới… Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là căn bản cho đời sống giáo hữu, việc đó có thể cải hoán được cá nhân, gia đình và xã hội. Việc đạo đức này không những hợp thời mà còn là hy vọng độc nhất nhằm cứu thoát nhân loại khỏi con đường tục hoá ngày nay.”
Lạy Chúa Giêsu chúng con nhận thực rằng, cộng đoàn và gia đình chúng con rất dễ xảy ra xung đột, chia rẽ bởi nơi mỗi chúng con thiếu sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng; bởi nơi mỗi chúng con chứa đầy những tham lam, ích kỷ. Xin cho mỗi chúng con biết tìm đến trái tim Chúa, để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, nhất là để học nơi Chúa bài học hiền lành và khiêm nhường trong lòng ngõ hầu cuộc đời chúng con được đổi mới, gia đình, cộng đoàn và xã hội chúng con được sống trong an bình, hạnh phúc. A men.

Hoan Vũ

705    29-06-2019