Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Lời mời gọi loan báo Tin Mừng

LỜI MỜI GỌI LOAN BÁO TIN MỪNG

Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận ra ba đặc điểm thuộc về sứ mạng loan báo Tin Mừng, và để con tim của chúng ta được chinh phục, nghĩa là được ơn hiểu biết sâu xa, có lòng ước ao và quảng đại dấn thân thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc sai đi của nhóm bảy mươi hai môn đệ, những người đi loan báo Tin Mừng của Chúa trong các làng mạc và phố thị của miền Galilêa. Chúng ta là nhóm bảy mươi hai môn đệ, những người đến sau Nhóm Mười Hai.  Thông qua sứ vụ của các môn đệ, Chúa Giêsu tìm cách khôi phục lại các giá trị cộng đoàn về truyền thống của những người cảm thấy bị nghiển nát dưới ách nô lệ gấp đôi bởi đế quốc La-Mã và bởi giới chức Tôn Giáo. 

Chúa Giêsu cố gắng đổi mới và tổ chức lại các cộng đoàn theo cách mà các cộng đoàn phải là sự biểu thị của Giao Ước, một ví dụ về Vương Quốc Nước Trời.  Đây là lý do mà Chúa nhấn mạnh đến lòng hiếu khách, sự chia sẻ, hiệp thông, đón nhận những kẻ bị gạt ra ngoài.  Điều nhấn mạnh này của Chúa Giêsu được tìm thấy trong lời khuyên bảo mà Chúa đã ban cho các môn đệ khi Người sai các ông ra đi làm sứ vụ.  Vào thời Chúa Giêsu, đã có những những phong trào khác, giống như Chúa Giêsu, đang tìm kiếm một phương cách mới để sống và sống chung với nhau, ví dụ ông Gioan Tẩy Giả, người Biệt Phái và những người khác. 

Chúa Giêsu sai các môn đệ đến những nơi mà Người sẽ tới.  Người môn đệ là phát ngôn nhân của Chúa Giêsu.  Ông ta không phải là sở hữu chủ của Tin Mừng.  Chúa sai các ông đi từng hai người một.  Điều đó giúp cho sự hỗ trợ lẫn nhau, bởi vì sứ vụ không phải là cho cá nhân, mà đúng hơn đó là một sứ vụ cộng đoàn.

          Nhiệm vụ đầu tiên là cầu nguyện để Thiên Chúa sai thợ đi.  Tất cả các môn đệ phải cảm thấy rằng họ có trách nhiệm với sứ vụ.  Đây là lý do tại sao tôi nên cầu nguyện cùng với Chúa Cha cho sự liên tục của sứ vụ.  Chúa Giêsu sai các môn đi của Người ra đi như chiên con ở giữa bầy sói rừng.  Sứ vụ là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm; bởi vì xã hội mà trong đó các môn đệ đã sống và chúng ta đang sống đã và đang tiếp tục đối nghịch với việc tái tổ chức các cộng đoàn sống động.

          Trái với các nhà truyền giáo khác, môn đệ của Chúa Giêsu không được mang theo bên mình bất cứ thứ gì, không bao bị, không giày dép; mà họ chỉ nên mang theo sự bình an.  Điều này có nghĩa là các ông phải tin vào lòng hiếu khách của người ta; vì người môn đệ là kẻ ra đi không mang theo bất cứ vật gì, chỉ mang theo sự bình an, cho thấy rằng người đó tin tưởng vào dân chúng.  Người môn đệ nghĩ rằng mình sẽ được chào đón, và người dân thì sẽ cảm thấy được tôn trọng và được thừa nhận.  Bằng cách thực hành này, người môn đệ chỉ trích luật loại trừ và phục hồi các giá trị cổ xưa của cuộc sống trong một cộng đoàn.  Đừng chào hỏi ai dọc đường có nghĩa là không nên lãng phí thì giờ cho những việc không thuộc về sứ vụ.

          Các môn đệ không nên đi từ nhà này sang nhà khác, mà họ nên ở lại một nơi.  Có nghĩa là họ phải sống chung với những người khác một cách ổn định, tham gia vào cuộc sống và công việc của người dân, sống và ăn những thứ họ nhận được, bởi vì thợ thì đáng được trả công.  Điều này có nghĩa là họ nên tin vào sự chia sẻ.  Như vậy, bằng cách thực hành mới này, họ khôi phục lại truyền thống cổ xưa của dân gian, chỉ trích nền văn hóa vơ vét được đặc trưng cho hệ thống chính trị của Đế chế La Mã và họ đã công bố một mẫu mực mới cho việc sống chung.

Như Đức Giê-su, Đấng chọn và sai chúng ta đi, chính khi chúng ta thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống, chúng ta đánh liều chính sự sống của mình : “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Chiên con, chứ không phải chiên mẹ hay chiên bố, ở giữa bầy sói, thì chắc chắn là “chết” ! Bởi vì chính Đức Giê-su là “Chiên Con”, như chúng ta tung hô nhiều lần trong Thánh Lễ : “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…”

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16) Đó không chỉ là tiếng kêu của thánh Phaolô mà còn là lời mợi gọi khẩn thiết được gởi đến mỗi người chúng ta, vì khi khoác trên mình chiếc áo Kitô hữu là chúng ta bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ  đó chúng ta có thể đến với mọi người mang theo vẻ đẹp của Thiên Chúa mà lấp đầy những cơn đói của kiếp người.

Người dấn thân vào công tác truyền giáo là người biết hy sinh những thoải mái, tiện nghị, khung cảnh ấm cúng của gia đình, cộng đoàn mà lên đường. Thật đáng lo ngại khi chờ đón chúng ta phía trước là những khó khăn, chống đối, hiểm nguy…như lời Chúa Giêsu cảnh báo“Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Vì thế chúng ta phải biết nương nhờ Chúa từng giây từng phút, và hành trang của chúng ta cho cuộc hành trình đó chính là lòng tin-cậy-mến. Chúng ta phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ dù không trang bị cho mình những nhu cầu để sống vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu.

Thật ra, chúng ta không cần bận tâm về những nhu cầu vật chất vì chính Chúa sẽ cung cấp cho chúng ta mọi thứ cần dùng. Chúng ta đừng lo hết “phần” của Chúa vì điều quan trọng là “chúng ta chỉ có thể chịu được mọi sự, làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta mà thôi” (x.Pl 4,13). Thế nên chúng ta đừng bám víu vào “quyền lực thế gian”, cũng đừng để lòng bối rối vấn vương vào vòng thế tục vì người môn đệ cần lên đường cách nhẹ nhàng, thanh thoát, ra đi như người được thúc dục bởi một động lực cao cả. Vì thế cần phải chú tâm vào bổn phận của mình, không phí thời giờ vào những nghi lễ nhạt nhẽo vô vị, cũng không dừng chân vì những việc xã giao cầu kỳ, tạo những mối dây liên hệ riêng làm cho việc rao giảng bị trì trệ, và đừng nên đi từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu hơn, tiện nghi hơn, được đón tiếp long trọng hơn…

Dù là làm thợ thì đáng được trà công nhưng người môn đệ trung tín của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê thế tục, tìm sự dễ dãi mà cần ý thức mình là người được Chúa sai đi, sai đi để làm “thơ gặt” chứ không phải để “nghỉ mát”, đi để “phục vụ” chứ không phải để “được phục vụ”. Ngài muốn môn đệ của Ngài noi gương Ngài đi ra tìm và cứu kẻ hư mất, chứ không phải xây dựng trung tâm nào đó và chờ mong người chưa được cứu đến với mình. Ngài muốn môn đệ của Ngài cầu nguyện để có nhiều người ra đi đến với người ngoại chứ không phải cầu nguyện để người ngoại kéo đến nhà thờ.

Và hôm nay Chúa Giêsu, một lần nữa cũng đang mời gọi chúng ta  tham gia vào sứ mạng “rao giảng tin mừng” như các môn đệ xưa. Chúng ta hãy chứng tỏ mình là người mộn đệ, là những cộng tác viên đắc lực của Thiên Chúa bằng việc tham gia vào việc tông đồ dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, phải thích nghi với những đòi hỏi của thời đại nhưng đừng quên nhắc nhở mình phải siêu thoát với của cải vật chất và những hệ lụy của nó.

 

 

 

1028    25-01-2017 20:23:42