Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

 

Ngày 12 tháng 2 năm 1944, mười bốn tuổi, Anne Frank đã viết những dòng sau trong quyển nhật ký vẫn còn rất nổi tiếng của cô.

Hôm nay, mặt trời đang tỏa nắng, bầu trời xanh thăm thẳm, làn gió mơn man nhè nhẹ và lòng tôi khát khao –  khát khao mọi chuyện. Khát khao nói chuyện, khát khao tự do, bạn bè, khát khao được ở một mình.

Và rồi, tôi cầm lòng rất lâu để… bật khóc! Tôi cảm thấy như sắp nổ tung, và tôi biết khi khóc được sẽ dễ chịu hơn; nhưng tôi không thể, tôi bồn chồn, tôi đi từ phòng này qua phòng khác, thở hơi qua kẽ nứt cửa sổ đóng kín, cảm nhận nhịp đập của tim, giống như quả tim đang nói “cuối cùng bạn không thể nào thỏa hết các khát khao của tôi được sao?”

Tôi tin rằng, đó là mùa xuân trong tôi. Tôi cảm nhận mùa xuân đang bừng dậy. Tôi cảm nhận nó trọn cả tâm hồn lẫn thể xác. Cả một cố gắng để xem như bình thường. Tôi cảm thấy bối rối khủng khiếp. Tôi không biết phải đọc gì, viết gì, làm gì. Tôi chỉ biết rằng tôi đang khát khao.

Trong lòng mỗi chúng ta, ở trọng tâm đời sống chúng ta, có một áp lực, một cơn đau, một ngọn lửa ham muốn không thể ngủ yên. Chúng ta luôn luôn khao khát. Đôi khi nỗi khao khát này hướng về một người nào đó, đặc biệt khi yêu mà không được yêu; nhiều lúc, chúng ta cảm nghiệm nó như một khát khao muốn đạt đến một điều gì đó.

Mặc dù, bình thường thì đó là một khát khao không rõ trọng tâm và không gọi tên được, là cơn đau không thể định nghĩa hay mô tả. Cũng như Anne Frank, chúng ta chỉ biết chúng ta đang khao khát, thao thức và đầy băn khoăn.

Tại sao quá khó để chúng ta có được tâm trạng bình an và bằng lòng? Điều gì bên trong tâm trí con người làm cho chúng ta trở nên cuồng dục không cưỡng được, đầy tính du tưởng, và quá dễ dàng rơi vào trạng thái suy thoái tinh thần, hoài niệm nhung nhớ? Shakespeare nói về “khát khao triền miên”, Karl Rahner nói về “dằn vặt của việc không đạt được những gì có thể với tới.”

Quyển sách này xem xét những khát khao từ cả quan điểm thế tục và quan điểm tôn giáo, đồng thời cố gắng đưa ra một số hình tượng để chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn, từ đó chúng ta có thể thấy được, căn bệnh bên trong chúng ta có thể là một mãnh lực hướng đến sự cao cả hay sự hủy diệt. Thánh Âugutinô đã từng cầu nguyện: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con sẽ không nghỉ yên, cho đến khi nào được an nghỉ trong Ngài”. Quyển sách này nỗ lực để diễn giải phần nào ý nghĩa của lời này.

Karl Rahner, người ở thế kỷ XX, rất ngưỡng mộ thánh Âugutinô, đã từng nói rằng “trong sự dằn vặt bởi việc không đạt được những gì có thể với tới, chúng ta đi đến nhận ra rằng, ở đời này tất cả các bản giao hưởng vẫn phải còn dang dở”. Quyển sách này được viết cho những ai đang vật lộn với vấn đề này.

Quyển sách này được xuất bản lần đầu vào hai mươi năm về trước. Thời đó tôi còn trẻ, cô đơn với chính mình, thao thức như tất cả mọi người trẻ tuổi, và vẫn còn đang tìm kiếm nhiều điều. Tôi viết quyển này phần nhiều từ trải nghiệm của chính tôi, khi chưa ba mươi tuổi, còn cực kỳ lý tưởng, và như Soren Kierkegaard lúc còn trẻ, tôi cố gắng đưa tâm trạng cô độc của tôi lên một tầm cao cả. Khi đọc lại những trang này, xem xét lại nhiều điểm để tái bản, tôi nhớ lại sự thật về một điều mà tôi đã từng nghe Raymond Brown, nhà chú giải kinh thánh lừng danh nói trong những ngày xế chiều của ông. Khi bàn về việc ngày càng già đi, Brown nói rằng đôi khi, ở phía bên kia sườn dốc cuộc đời, chúng ta nhìn lại đôi điều đã viết trong đam mê, trong háo hức, trong tâm tưởng, và non dại của tuổi trẻ, và rồi tự hỏi: “Làm sao thời đó, mình đã có dũng khí và non dại để nói như vậy?” Tuy nhiên, về sau nữa, khi càng nhận ra rằng sự trưởng thành đã làm chúng ta trở nên e sợ chừng nào, chúng ta trìu mến nhìn vào những gì đã viết và nói rằng: “Đó là điều tốt đẹp nhất tôi đã từng làm!” Tôi có cả hai cảm giác này, vừa hổ thẹn vừa tự hào, khi tôi đọc lại những trang sách tôi viết khi còn rất trẻ.

Và một cảm xúc cuối cùng: Khi đọc lại một trong những quyển sách bà đã viết cách đó hơn hai mươi năm, bà Jane Urquhart đã bình luận: “Thật hài lòng vô cùng khi tôi lại có thể nhập vai người phụ nữ trẻ ngày xưa đã viết những truyện như thế này, và biết rằng điều gì đã hấp dẫn trong tâm trí của cô ấy vẫn đang còn hấp dẫn trong lòng tôi.” Tôi có thể nói tương tự như vậy, đúng là tôi tái bản quyển sách này với những chữ mà tôi đã viết khi tôi còn là người trẻ cô độc và thao thức.

Ronald Rolheiser, Roma, nước Ý, 01-02-2004

J.B. Thái Hòa dịch

421    09-07-2019