Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lỗi tại tôi hồi nào!

Văn hóa Việt không quen từ hai từ “Xin Lỗi”. Câu cửa miệng của người Tây là “Thank you”, “I’m sorry”, “Excuse me”…Trong khi câu cửa miệng của rất nhiều người Việt là CC, ĐM…!

 

 

Là người Việt Nam, chúng ta không lạ gì cách ứng xử theo kiểu bênh con của phần đông các ông bố bà mẹ: con chạy vấp cục đá té khóc, mẹ ngay lập tức xách dép xách cây đến xử tội cục đá đó và kèm theo câu “mẹ đánh nó rồi, con nín đi con”; ông bố thấy con làm sai gì đó nổi nóng đánh con, bà mẹ sẽ bay vô ôm con xít xoa “con ông mà ông không xót à…có mẹ đây con không phải sợ”; con đi chơi đánh lộn với bạn bè về khóc méc bố mẹ, ngay lập tức một hoặc cả hai không cần hỏi lý do bay qua nhà hàng xóm chửi rủa um sùm… Những đứa trẻ đó sẽ lớn lên trong suy nghĩ: Không bao giờ tôi có lỗi!

 

Bởi vậy văn hóa Việt không quen từ hai từ “Xin Lỗi”. Câu cửa miệng của người Tây là “Thank you”, “I’m sorry”, “Excuse me”…Trong khi câu cửa miệng của rất nhiều người Việt là CC, ĐM…!

 

Ra đường va chạm giao thông, không cần biết đúng sai đánh chửi phủ đầu đối phương trước đã. Gây hậu quả gì nghiêm trọng thì “tại”, như một loạt các sự kiện gần đây: quy định sinh viên bán dâm…lần 3 bị đuổi học. Cao dưới 1,5m không được học sư phạm. Cấm vĩnh viễn mấy…cái xe không được chạy trên đường cao tốc. Bắt học và thi lại ai làm mất bằng lái xe..v.v… Lúc đầu người ta khẳng định mình đúng, sau đó “hỏa tốc” thu hồi công văn và thay bằng chữ “Tại…”. Không một ai dám đứng ra nhận lỗi và xin lỗi.

 

Thế nên cũng chẳng lạ gì mà số đông dân Việt ta không bao giờ chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống mình. Tôi bệnh là tại vấn đề gì đó, tôi làm ăn không được là do thế lực nào đó, tôi sống không hạnh phúc là ai đó phá… Phải tìm cái gì đó “đổ thừa”! Các ngôi sao trên trời ám tôi nên phải “dâng sao giải hạn”, các vong hồn tiền kiếp rình phá tôi nên phải “cúng vong”… Đất có thổ công, sông có hà bá…đâu đâu cũng có thế lực siêu nhiên tìm cách hại tôi nên phải bỏ tiền ra hối lộ mua ơn cầu lộc.

 

Không chịu trách nhiệm về bản thân nhưng lại muốn cuộc sống được an nhàn dễ dãi, người ta đi tìm kiếm những vận may trong cờ bạc, xổ số…và nhất là nơi thần thánh. Nghe đâu thiêng là tìm tới. Cái “thiêng” này phải gắn liền với cơ chế Xin – Cho: nào là xin khỏi bệnh, có con, làm ăn thuận lợi, cho đến những chuyện riêng tư như con cái nghiện ngập, chồng có bồ nhí, thoát ế…  Chùa chiền, Trung tâm hành hương nào đáp ứng được thị hiếu này là khách hành hương khắp nơi tuôn đến, cả hải ngoại xa xăm cũng kéo về. Nắm được tâm lý đó, nhiều nơi tâm linh bày ra đủ mọi hình thức lôi kéo người đến. Để có đông người tìm đến thì phải có sự lạ gì đó hấp dẫn họ, và nhiều chiêu trò được bày ra đánh vào tâm lý sợ hãi và hám lợi của con người. Có chiêu trò tinh vi núp bóng thần linh, có những cái thô thiển như giải sao, bắt vong, đặt tay chữa bệnh…nhưng lạ lùng là vẫn lôi kéo được rất nhiều người tìm đến, và tất nhiên, càng đông thì nguồn lợi càng nhiều như những gì báo chí phản ánh ở Chùa Ba Vàng, cùng với một vài nơi khác mà không cần nói ra cũng nhiều người đã biết. Hậu quả là tiền mất tật mang: sống cậy dựa, mê tín dị đoan, mất ý chí và nghị lực cuộc sống, bỏ bê công ăn việc làm, niềm tin mơ hồ…

 

Không có vinh quang nào mà không trải qua đau khổ đắng cay, không có cuộc sống nào mà không phải đối diện với thập giá hằng ngày… Lời Chúa dạy mãi còn đó, không người Công giáo nào không biết điều này. Hãy can đảm đón nhận cuộc sống Chúa ban cho và chịu trách nhiệm về nó. Lời thánh Gióp trong Cựu Ước: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” thật là điều đáng để chúng ta suy ngẫm suốt hành trình cuộc đời.

 

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

436    09-07-2019