Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Lời thú tội của một linh mục không hoàn hảo

 

Các linh mục cũng có thể đầu hàng quỷ của họ. Bằng chứng là Linh mục Claude Paradis đã thú tội trong quyển sách Lời thú tội của một linh mục đường phố (Confessions d’un prêtre de la rue, nxb. Novalis, 2018)

Hai cánh tay xâm trổ, hai bàn tay đeo đầy các loại nhẫn kim loại, đầu đội mũ kết, quần jean cũ, “linh mục đường phố Claude Paradis” chắc chắn không phải là mẫu gương đứng hàng đầu khi chúng ta nghĩ đến các người đại diện cho Giáo hội.

Gần như mỗi ngày trong tuần, chúng ta có thể thấy vị linh mục 63 tuổi này ngoài đường, nhất là ở trạm xe điện ngầm Place d’Armes, nơi cha phân phát thức ăn cho người vô gia cư. Hoặc ở nhà tù Leclerc thành phố Laval, nơi ngài dâng thánh lễ cho các nữ tù nhân.

Nếu cha được những người ngoài đường tin tưởng thì đó là vì cha cũng thuộc thành phần “băng đảng” giống họ, như chính cha tự thú nhận: “So với nhiều người, tôi còn tệ hơn họ”.

Xuống địa ngục

Khi 14 tuổi là Claude Paradis bắt đầu uống rượu, hút ma túy. Và vài năm sau thì sống ngoài đường, nhưng đến 33 tuổi thì cha mới thấm mình “đã chạm đáy”.

“Tôi hút, tôi nghĩ đến tự tử. Một buổi chiều nọ, tôi đi trên đường Sainte-Catherine và tôi vào ngôi nhà thờ nhỏ Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi nói với Chúa: “Chúa có hai chọn lựa, hoặc Chúa cất mạng sống của con; hoặc Chúa cho đời con có một ý nghĩa”.

Một thời gian sau cha vào chủng viện “với đầu tóc dài tới vai và với đôi giày thể thao”, cha hồi tưởng lại với một thoáng buồn man mác trong ánh mắt.

Nhưng ngay cả khi thành người đại diện Chúa ở trần gian, địa ngục vẫn còn sống trong đáy tâm hồn cha.

Cha nói về giai đoạn này khi cha là linh mục ở nhà thờ Thánh Vinh Sơn ở thành phố Montréal: “Tôi có thể không hút gì trong vài tháng, sau đó tôi lại hút lại… Tôi không muốn, nhưng có một cái gì mạnh hơn cả tôi, hệ thống cơ thể của tôi cần. Tôi không khỏe”.

Trong những giây phút yếu đuối, cha dùng coke một tuần một lần. Cha nhớ lại, giọng ấp úng: “Nó trở thành như một thói quen mỗi chiều chúa nhật. Tôi bắt đầu với ly bia và ly bia dẫn tôi đến coke”.

Lúc đó cha cũng uống bia ít nhất hai ngày một lần cho đến khi say. Tuy nhiên cha đảm bảo, không bao giờ dâng thánh lễ lúc say.

Một buổi chiều, khi cha đang hút thì cha sụm. Cha thú nhận, giọng bối rối: “Đó là một cú trời giáng thật lớn cho chuyện tôi sắp nói, để tôi có thể minh bạch nhất có thể. Tôi đã ngủ với một phụ nữ khi tôi đã là linh mục. Khi đó cả hai đều hút. Sau đó, tôi thật sự không tốt với những chuyện này”.

Mặc cảm tội lỗi

Sức nặng đè nặng trên vai trong những năm đầu tiên làm linh mục, và mỉa mai thay, tôi là người có nhiệm vụ dâng mừng cuộc sống cho người khác thì tôi lại nghĩ đến tự tử.

“Việc tôi hút ma túy làm cho tôi bị cất đi công việc linh mục, tôi không tốt với chính mình. Vì tôi biết, tôi không đúng theo một nghĩa nào đó. Nhưng điều này quá mạnh hơn tôi.”

Sau mỗi lần tự tử tôi được gởi đến khoa tâm thần. Cha nhớ lại: “Chung quanh tôi, có các bệnh nhân đội mũ bảo hiểm, họ đập đầu vào tường. Họ hét, họ la. Tôi tự nhủ ‘tôi làm gì ở đây?’ Các bác sĩ tâm thần cũng hỏi một linh mục đang làm gì ở đây”.

Cha ở đây chỉ một hoặc hai ngày rồi bị trả về: “Các bác sĩ tâm thần nói đây không phải là chỗ của tôi, vì tôi ý thức những gì tôi đang sống, rằng tôi đang ở nơi tôi ở”.

Các bạn đồng hữu ở giáo xứ biết vấn đề nghiện của tôi. Cuối cùng linh mục tìm được sự giúp đỡ ở Dưỡng đường bước đi mới, họ có chương trình cai nghiện trong vòng hai tháng với sự đồng ý của địa phận.

Cha nhớ lại: “Tôi nhớ trước khi đi trị liệu, tôi nghĩ mình sẽ ‘chơi một mạch’. Tôi hút coke cả đêm. Tôi đến dưỡng đường, bác sĩ kêu tôi giơ tay trái lên, tôi không cách nào giơ tay lên được. Khi đó họ quyết định giữ tôi lại”.

Tất cả là con người

Nếu cha quyết định kể câu chuyện đời mình, đó là để giải thoát gánh nặng cho các hành động của cha.

Chứng từ của cha được kể trong quyển sách Lời thú tội của một linh mục ngoài đường, quyển sách được xuất bản tháng 10 năm 2018, dưới hình thức kể chuyện với diễn viên Jean-Marie Lapointe, người bạn thân của cha. Cha nói: “Đây là một cái gì để giải phóng tôi, cho tôi một cơ hội thứ nhì. Tôi cần phải nói ra, tôi cần phải chứng tỏ, đúng, phải chứng tỏ là chúng ta có thể thoát ra, dù chúng ta có như thế nào, dù chúng ta có đi quá như thế nào”.

Cha hy vọng, đây là quyển sách “cứu giúp”, sẽ nhân bản hóa vai trò của linh mục. Cha nhận thấy: “Bây giờ không còn thời buổi linh mục ở trên bệ thờ, nói những lời tối thượng. Chúng ta tất cả đều là con người”.

Sau 17 năm sống tiết độ, cha đã học sống với các con quỷ của mình. Công việc của cha thích ứng với quá khứ của cha, bây giờ cha dâng thánh lễ với nước nho, sau khi được sự chấp thuận của Đức Gioan-Phaolô II. Đàng sau chiếc áo linh mục, con người thật của cha vẫn là cha. Hiện nay cha tập trung vào việc giúp đỡ, tạo một khác biệt và giúp từng người một.

Điều gì đã đưa cha ra ngoài đường

Linh mục Claude Paradis thường nhắc, “chính đường phố đã đưa tôi đến nhà thờ, và nhà thờ đã đưa tôi ra đường”.

Cha nói: “Khi tôi hút, tôi cảm thấy mình không xứng đáng, tôi thấy mình không ra gì. Những người ngoài đường nói đủ thứ và họ tin vào đó, chẳng hạn họ nói, ‘bạn sẽ không bao giờ làm chuyện gì tốt, bạn là người chẳng được tích sự gì’. Với tôi, điều quan trọng bây giờ là đến nói với họ, nói với họ, họ nghĩ như vậy là không đúng chút nào, để mang lại cho họ lòng tin tưởng mà họ đã cho tôi”.

Sau khi học xong chủng viện, chính một thanh niên trẻ đường phố đã giao cho cha nhiệm vụ phải quay về nơi cha đã bắt đầu. “Người thanh niên trẻ ở giai đoạn cười đời ở bệnh viện, sau khi đã ở 6 đến 7 nhà tạm cư. Anh nói với tôi: ‘Chưa có ai nhìn con sống, cha có muốn nhìn con chết không?’. Trước khi chết, anh còn nói thêm: ‘Cha giúp con, nhưng ai sẽ giúp các người khác đang còn ở ngoài đường?’ Và đó là cách tôi nhận nhiệm vụ.”

Hàng năm vào tháng 9, cha cử hành tang lễ ở nghĩa trang Thánh Phanxicô cho những người chết vô thừa nhận. Mỗi năm có hàng trăm người như thế ở thành phố Montréal, thường thường là những người sống ngoài đường hoặc các cô làm điếm, họ không có người thân hay gia đình nhận sau khi qua đời. Hàng tuần, Linh mục đường phố cũng cử hành các thánh lễ ngoài trời hay ở nhà tù phụ nữ Leclerc, ở thành phố Laval.

Đôi mắt sáng lên, Linh mục Paradis nói: “Dù họ là ai, dù họ như thế nào, họ cũng có quyền nhận nhân phẩm. Con người luôn có một phần thiêng liêng trong người mình. Và nhiệm vụ của tôi là phải ở đây”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

854    31-12-2019