Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Lòng chạnh thương.

14/2 Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Quanh Năm

Lv 13:1-2,44-46; Tv 32:1-2,5,11; 1 Cr 10:3111; Mc 1:40-45

LÒNG CHẠNH THƯƠNG

          Sứ vụ của Chúa Giêsu nơi loài người đã được khẳng định trong các trường hợp đơn giản và thông thường mà mọi người đều hiểu được. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ngài không đến mang giải pháp cho vô số vấn đề hàng ngày, nhưng để giải phóng loài người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết đang thống trị họ. Giai đoạn đời sống Chúa Giêsu mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ cách mới mẻ và thời sự về sứ vụ của Ngài đối với chúng ta.

          Ta thấy đối với ngày xưa, cũng như đối với hôm nay, chứng bệnh phong cùi vẫn còn là một nan y khó chữa, chính vì thế chúng ta hiểu được tại sao người bệnh qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, đã bất chấp lề luật, chạy đến tìm gặp Chúa Giêsu, vì anh nghĩ rằng mình không còn phương tiện nào khác để được khỏi. Niềm hy vọng duy nhất của anh trong lúc bấy giờ là Chúa Giêsu.

          Bởi thế, anh đã quỳ xuống, sụp lạy Ngài và xin Ngài cứu chữa. Còn Chúa Giêsu đã đón nhận anh một cách nhân từ, chữa lành cho anh và bảo anh phải đi trình diện với hàng tư tế để được chứng nhận là mình đã khỏi thực sự. Qua cử chỉ và thái độ của Chúa, chúng ta nhận thấy Ngài thực tình thương xót như tiên tri Isaia đã viết: Ngài coi mọi bệnh tật của chúng ta như là của riêng Ngài, Ngài mang lấy hết mọi tai ương của chúng ta. Trước thái độ tin tưởng của người phong cùi, Chúa Giêsu đã đặt tay trên anh và chữa lành cho anh, cũng như Ngài đã từng cứu chữa biết bao những kẻ bệnh hoạn tật nguyền tìm đến với Ngài.

          Chúa Giêsu là người rất đặc biệt. Ngài thương yêu con người, rung động trước nỗi khổ của con người, Ngài yêu thương và chữa lành con người, giúp họ trở lại với cộng đoàn con người, trở lại với người thân yêu và nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương họ. Đức Giêsu còn là một người trổi vượt hơn những người khác, hơn các tiên tri nổi tiếng ngày xưa là Elisa và Môsê. Như thể tự Ngài, Ngài có quyền chữa lành bệnh tật. Ngài là người, và hơn là một con người. Ngài là Đấng “từ trên.”

          Theo luật Do Thái, những người phong cùi không được sống trà trộn với dân chúng. Đồng thời ai nấy phải lo giữ mình, không được động chạm tới họ. Họ phải sống riêng biệt ngoài thành, mặc áo rách, để tóc dài, không cạo râu. Nếu chẳng may gặp người mắc bệnh thì phải hô to lên để những người khác tìm lối tránh. Những người mắc bệnh không những chỉ đau khổ phần xác mà còn đau khổ phần hồn vì họ luôn phải sống trong một tình trạng cô đơn và tuyệt vọng.

          Chúa Giêsu đã xúc động và thương anh ta thật sự. Ngài đọc được nỗi khổ của người bị bệnh phong cùi này. Ngài thấy được khao khát của anh ta qua việc anh qùy gối trước Ngài để nài xin ân huệ được khỏi bệnh. Chúa Giêsu đã đưa tay ra, chạm vào anh và nói: “dĩ nhiên là tôi muốn, anh hãy lành đi.” Chúa Giêsu thương anh ta, và qua anh ta, thương tất cả con người đang đau khổ bệnh tật. Đức Giêsu thương con người, Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa không muốn con người khổ não, Ngài muốn con người bình an và hạnh phúc. Chúa Giêsu là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện để yêu thương, để chữa lành và nối kết con người lại với nhau và với Thiên Chúa.

          Chúa Giêsu chạnh lòng thương đối với bệnh nhân. Marcô sử dụng hạn từ Splanchnizomai trong tiếng Hy lạp, diễn tả một tình cảm sâu xa, một sự thương cảm và yêu thương dạt dào. Trái tim của Chúa Giêsu đã lay động trước hoàn cảnh bi thương của người bệnh và Ngài giơ tay chạm vào anh ta. “Ngài nói: Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức bệnh phong hủi biến mất và anh ta được lành sạch (Mc 1,42)”.

          Khi chạm vào người cùi, Chúa Giêsu có làm điều gì sai trái không? Chắc chắn không và tuyệt đối không. Cho dù bệnh cùi là căn bệnh lây lan, và luật Do Thái vẫn coi sự sờ chạm đến bệnh nhân là một sự nhiễm uế, nhưng sự nhiễm uế này hoàn toàn không phải do tội lỗi. Khi Chúa Giêsu chạm đến người cùi để chữa lành cho anh ta, có thể đó là một hành vi phản khoa học, khiến dễ bị lây nhiễm, nhưng tuyệt đối nơi Ngài không thể có sự nhiễm uế. Động thái này có nghĩa là gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn cẩn thận tuân thủ lề luật và Ngài không tỏ ra khinh suất lề luật chút nào.

          Sau khi bệnh nhân đã hoàn toàn được lành lặn, Chúa Giêsu nghiêm giọng đuổi anh ta đi ngay và còn căn dặn kỹ lưỡng ” Đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì Môsê đã truyền để làm chứng cho người ta biết (Mc 1,44).

          Sự đồng cảm của Chúa Giêsu được thể hiện không phải bằng một cái ôm hôn thắm thiết để chúc mừng anh ta, vì anh được trở lại hòa nhập với cộng đồng. Nhưng, Ngài nói với người được chữa lành là hãy đi thực hành những gì mà luật Môsê dạy bảo, như đã viết trong sách Lêvi 14,1-32. Bệnh nhân sau khi được lành bệnh, phải thực hiện điều luật, để được đón nhận trở lại hội nhập với cộng đồng. Vị tư tế sẽ còn phải kiểm tra, như sách Lêvi đã dạy, và sự kiểm tra này kéo dài suốt cả tuần lễ. Anh ta đang trên đường để tái hòa nhập, và lúc Chúa Giêsu chữa lành cho anh ta, anh ta vẫn chưa có thể trở lại với cộng đồng một cách hoàn toàn lúc bấy giờ.

          Và nếu đặt mình vào trường hợp và tâm trạng của anh bị bệnh phong được Chúa Giêsu chữa lành hôm nay, người ta sẽ thấy anh ta mong ước được khỏi bệnh “khủng khiếp” này đến độ nào. Ao ước này đặc biệt rất mãnh liệt nếu anh ta có vợ và con thơ yêu dấu. Ai có thể giúp anh ta được? Chúa Giêsu xuất hiện như niềm hy vọng của anh ta. Anh ta đã qùy xuống nài xin Chúa Giêsu! “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi!”

          Người mắc bệnh phong cùi là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn tội lỗi, vì tội lỗi cũng chính là thứ phong cùi thiêng liêng, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hôi thối và chết dần chết mòn. Bời đó, với một lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu giàu lòng thương xót để được chữa lành, để được tha thứ, nhờ đó, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa và với anh em, sợi dây liên kết này vốn đã đứt đoạn do tội lỗi của chúng ta.


793    06-02-2021