Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lòng thấu cảm cho thế giới

 

 

Có một câu chuyện, có lẽ được thêu dệt hơn là sự thực, về một vị thị trưởng của một thành phố lớn Mỹ vào cuối thập niên 1960. Hồi đó thành phố của ông trải qua thời gian không mấy tốt đẹp: đối diện với tình trạng phá sản tài chính, tỷ lệ tội phạm leo thang, hệ thống giao thông công cộng không còn an toàn về đêm, con sông cung cấp nguồn nước uống bị ô nhiễm nghiêm trọng, không khí tràn ngập mối căng thẳng chủng tộc, và hầu như tuần nào cũng có đình công và các cuộc xuống đường phản đối.

Chuyện kể lại vào một buổi chiều thứ sáu, vị thị trưởng bay trong một chiếc trực thăng trên bầu trời thành phố. Khi âm thanh huyên náo của giao thông giờ tan tầm đang bóp nghẹt hầu như tất cả mọi thứ khác thì ông nhìn xuống cái dường như là một mớ hỗn loạn lúc nhúc và nói với một trong những người trợ lý của mình: “Chẳng phải hay sao, nếu có một cái bơm để chúng ta có thể xả sạch toàn bộ mớ hỗn độn này ra đại dương!”

Lúc đó thấy ông có vẻ như khôi hài, nhưng tôi e là đôi khi chúng ta cũng suy nghĩ một cách âm thầm như vậy về thế giới của mình. Rất thường khi chúng ta và nhà thờ của mình coi thế giới này đúng là một mớ hỗn độn, bị vướng mắc vào những chuyện tầm thường hóa dại dột, là tự đắm chìm, tự yêu mình, thiển cận, không còn có những giá trị đòi hỏi sự hy sinh nữa, tôn thờ danh vọng, nghiện hàng hóa vật chất, và chống-nhà-thờ và chống-Ki tô. Thật sự, điểm chung của các nhà thờ của chúng ta ngày nay là coi thế giới này như kẻ thù của chúng ta.

Và, không hề cảm thấy đau đớn về điều đó, chúng ta lại thấy sung sướng và chính đáng khi khoái trá chứng kiến sự sụp đổ của nó: thế giới này đang nhận lấy những gì nó đáng phải nhận! Không còn Chúa, chính là hình phạt của chính nó! Đó chính là cái mà nó phải nhận lấy vì không chịu lắng nghe chúng ta! Trong chuyện này, thái độ của chúng ta là cái ngược lại với thái độ của Chúa Giêsu về thế giới.

Chúa Giêsu đã thương yêu thế giới. Thật thế ư? Đúng vậy. Đó là điều Phúc âm dạy ư? Đúng thế.

Đây là mô tả của Phúc âm về phản ứng của Chúa Giêsu đối với cái thế giới đã chối bỏ Người: Khi Chúa Giêsu đến gần thành Giêrusalem và nhìn thấy thành phố này, người khóc cho thành phố và nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.” Chúa Giêsu nhìn thấy những gì xảy ra khi con người cố tìm cách sống không có Chúa, trong hỗn độn, đau đớn, thương tâm, và, không hề vui mừng khi thấy thế giới không thu xếp ổn thỏa, trái tim Người đau đớn trong thấu cảm: Giá như các người có thể thấy được các người đang làm những gì!

Nhìn vào một thế giới đang suy sụp chính bởi vì chỉ quan tâm tới mình, Chúa Giêsu đã đáp lại với lòng thấu cảm, chứ không khoái trá; với sự thông hiểu, chứ không phán xét; với nỗi thương tâm, chứ không xát muối vào vết thương; và với nước mắt, chứ không phải rũ bỏ đi cho nhẹ lòng.

Những cha mẹ và bạn bè lòng tràn tình thương yêu hiểu chính xác những gì Chúa Giêsu cảm thấy trong giây phút người rơi lệ vì thành phố Giêrusalem. Đó là điều mà người cha, người mẹ nao lòng với trái tim tan nát khi thấy con cái mình cuốn theo những lựa chọn sai lầm và những hành vi tự hủy hoại, và khóc thầm khi lời lẽ cứ tự nhiên thốt ra: Giá như con có thể thấy được điều con đang làm! Giá như ba/mẹ có thể làm được điều gì đó để con tránh được những tổn hại mà con đang gây ra đời mình vì mù quáng như vậy! Giá như con có thể nhận ra được những gì đem đến bình an! Nhưng con không thể nào thấy được, và điều đó làm đau lòng cha/mẹ!

Điều này cũng đúng giữa những người bạn với nhau. Những người bạn chân chính không sung sướng và khoái trá khi bạn mình có những chọn lựa tồi tệ và đời họ bắt đầu tan vỡ. Mà họ khóc, xen lẫn với niềm thấu cảm lo lắng, đau lòng, với những van nài, và cầu nguyện. Tình thương yêu chân thực là thấu cảm, và lòng thấu cảm là không bao giờ khoái trá trước sự rơi rụng của người khác.

Đức tin Ki-tô của chúng ta đòi hỏi chúng ta có tình thương yêu thật sự đối với thế giới này. Thế giới này không phải là kẻ thù của chúng ta. Đó là đứa con ương ngạnh, là người bạn thân thương đang làm cho lòng chúng ta tan nát. Có thể khó mà thấy được và chấp nhận được điều đó trên thực tế khi thế giới thường hung hăng và xấc xược với chúng ta, khi nó nổi xung với chúng ta, khi nó phán xét chúng ta một cách sai lầm, và khi nó bắt chúng ta giơ đầu chịu báng. Nhưng đó chính là những gì mà những đứa con khổ sở thường gây ra cho cha mẹ và bạn bè khi chúng đưa ra những lựa chọn sai lầm và phải gánh chịu hậu quả. Chúng quy kết và đổ lỗi sang người khác. Có thể chúng ta cảm thấy như vậy rất bất công, nhưng thái độ của Chúa Giêsu đối với những ai chối bỏ Người và đóng đinh Người trên thập giá đã mời gọi chúng ta mở lòng thấu cảm vượt lên trên chuyện đó.

Kathleen Norris nói rằng, khi thế giới chống đối chúng ta, chúng ta nhìn nó như cách chúng ta nhìn đứa con gái 17 tuổi giận dữ xử sự với cha mẹ nó. Trong giây phút giận dữ đó của đứa con gái, cha mẹ dường như đã trở thành cái cột thu lôi (một nơi an toàn) để cô bé xổ ra cơn giận dữ và trút lỗi lên đó. Nhưng thấm ngậm điều này chính là chức năng tình thương yêu của người trưởng thành. Bậc làm cha mẹ tốt không phản ứng lại với cơn giận dữ của một đứa con đang tuổi thanh niên bằng cách tuyên bố nó là kẻ thù. Mà họ phản ứng như Chúa Giêsu đã phản ứng, là nhỏ lệ vì con.

Hơn nữa, lòng thấu cảm thật sự cho thế giới không chỉ dựa trên lòng thông cảm chín chắn. Bản thân lòng thông cảm chín chắn lại dựa trên việc nhìn thấy thế giới như chính nó một cách rõ ràng hơn. Đứa con gái 17 tuổi đang hung hăng và nổi xung trước cha mẹ nó không phải là một người tồi tệ, chỉ là cô bé chưa trưởng thành hết mà thôi.

Điều đó cũng đúng cho thế giới của chúng ta: Nó không phải là chỗ tồi tệ; chỉ là còn lâu nữa nó mới là một nơi hoàn thiện và trưởng thành.

J.B. Thái Hòa dịch

1184    17-12-2017