Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lòng thương xót Chúa nảy sinh từ những vết thương

 


Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Vatican, sáng Chúa nhật 28/04/2019.

 

 

Anh chị em thân mến,

Tin mừng hôm nay (x. Ga 20,19-31) kể cho chúng ta biết vào ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các môn đệ của mình trong Phòng tiệc ly, vào buổi tối, Ngài mang đến ba điều: bình an, niềm vui và sứ mạng tông đồ.

Những lời đầu tiên Ngài nói đó là : “Bình an cho các con” (21). Đấng sống lại mang đến bình an đích thực, vì qua việc hy sinh trên thập giá Ngài đã hiện thực sự giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại và Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đó là bình an. Các môn đệ của Chúa cần thứ bình an này trước hết, bởi vì, sau khi Thầy bị bắt và bị kết án, họ rơi vào tình trạng hoang mang và sợ hãi. Chúa Giêsu cho biết mình đang sống giữa họ bằng cách cho họ thấy những vết thương của Ngài – Chúa Giêsu muốn giữ các vết thương của mình – trong thân xác vinh hiển, Ngài ban bình an như hoa trái của sự chiến thắng hiển vinh của mình. Nhưng vào buổi tối hôm đó không có sự hiện diện của tông đồ Tôma. Được thông báo về sự kiện lạ thường này, ông không tin trước lời chứng của các Tông đồ khác, ông muốn tự mình xác minh sự thật về những gì họ đã khẳng định. Tám ngày sau, tức là giống như hôm nay, Chúa Giêsu lại hiện ra. Chúa Giêsu đến gặp sự hoài nghi của Tôma, Ngài mời ông hãy chạm vào các vết thương của Ngài. Các vết thương ấy tạo nên nguồn bình an, bởi vì chúng là dấu chỉ tình yêu bao la của Chúa Giêsu, Đấng đã đánh bại các sức mạnh thù địch với con người đó là tội lỗi và sự chết. Ngài mời ông hãy chạm vào các vết thương. Đó là một bài học dành cho chúng ta, như thể Chúa Giêsu đã nói với tất cả chúng ta: “nếu con không thấy bình an, hãy chạm vào các vết thương của Thầy”.

Chạm vào các vết thương của Chúa Giêsu, là rất nhiều vấn đề, khó khăn, bách hại, bệnh tật của rất nhiều người đau khổ. Con không có bình an ư? Hãy ra đi, đi thăm viếng những người tượng trưng cho vết thương của Chúa Giêsu. Hãy chạm vào vết thương của Chúa. Từ những vết thương đó phun trào lòng thương xót. Vì thế mà hôm nay là Chúa nhật lòng thương xót. Một vị thánh đã nói rằng thân xác của Đấng chịu đóng đinh như cái túi của lòng thương xót, qua các vết thương chảy trào đến tất cả chúng ta. Chúng ta đều biết, tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót.

Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu và hãy chạm vào các vết thương của anh em chúng ta, những người đang đau khổ. Những vết thương của Chúa Giêsu là một kho tàng : từ đó làm nảy sinh lòng thương xót. Chúng ta hãy can đảm và hãy chạm đến các vết thương của Chúa. Với những vết thương này Ngài đứng trước mặt Cha, cho Cha thấy những vết thương, như thể Ngài nói : “Lạy Cha, đây là cái giá, những vết thương này là cái giá mà con đã phải trả cho anh em của con”. Với các vết thương của mình, Chúa Giêsu chuyển cầu trước mặt Chúa Cha. Ngài ban  cho chúng ta lòng thương xót nếu  chúng ta xích lại gần Ngài, và Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Đừng quên những vết thương của Chúa Giêsu.

Ơn thứ hai Chúa Giêsu mang đến cho các môn đệ là niềm vui. Thánh sử kể rằng: “các môn đệ vui mừng khi thấy Chúa” (20). Cũng có một câu trong Tin mừng Luca nói rằng: họ không thể tin nỗi vì quá vui mừng. Cả chúng ta nữa, khi xảy ra điều gì đó to lớn, khó tin, ta liền nói: “tôi không thể tin được, đó không phải là sự thật”. Các môn đệ cũng vậy, họ không thể tin vì quá vui mừng. Đó là niềm vui mang Chúa Giêsu đến cho chúng ta. Nếu con buồn, nếu con không có bình an thì hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị đóng đinh, hãy nhìn lên Chúa Giêsu sống lại, nhìn vào các vết thương của Ngài và hãy kín múc niềm vui đó.

Ngoài ơn bình an và niềm vui, Chúa Giêsu còn đem đến cho các môn đệ sứ mạng tông đồ. Ngài nói với họ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (21). Sự phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu cho một năng động mới của tình yêu, khả năng biến đổi thế giới bằng sự hiện diện của Thánh Thần.

Vào ngày Chúa nhật thứ hai Phục sinh này, chúng ta được mời gọi đến gần Chúa Kitô bằng đức tin, bằng cách mở lòng ra cho bình an, cho niềm vui và sứ mạng. Nhưng chúng ta đừng quên những vết thương của Chúa Giêsu, vì từ đó nảy sinh bình an, niềm vui và sức mạnh đối với sứ mạng. Chúng ta hãy phó thác lời cầu nguyện này nhờ lời cầu bầu từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria, Nữ vương trên trời và đất.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

661    29-04-2019