Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lòng tin đã chữa

 

Tin Mừng Thánh Luca được mệnh danh là Tin Mừng về lòng thương xót của Chúa với nhiều dụ ngôn điển hình, thực tế. Nhưng hôm nay, qua phần đầu của chương 9, thánh Matthêu cũng cho chúng ta thấy hình ảnh của Đấng tỏ lòng thương xót với người bất toại. Tuy ông bị bệnh tật về thể lý, nhưng Chúa Giêsu đã biểu lộ Ngài là Đấng có uy quyền, có sức mạnh chữa trị cả phần hồn lẫn phần xác. Đây là sứ vụ của Ngài và chính sứ vụ ấy đã gây ra những trận chiến đối đầu với các kinh sư và thượng tế Do Thái.

"Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành…" (c.1). Mở đầu chương 9, chúng ta thấy Chúa Giêsu vất vả dong duổi trên mọi nẻo đường vì sứ vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật. Điển hình Ngài vừa chữa lành cho hai người bị quỷ ám miền Gadara. Bây giờ, Ngài đang trên đường trở về thành của mình – thành Caphacnaum, nơi Ngài khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vừa về đến thành, "người ta đã khiêng đến một kẻ bại liệt nằm trên giường".

Có ba nhóm người trong Tin Mừng hôm nay: (1) nhóm khiêng người bại liệt; (2) các kinh sư; (3) dân chúng. Ba nhóm với ba thái độ khác nhau: (1) giúp đỡ với niềm tin tưởng; (2) nghĩ xấu và kết án; (3) sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng bày tỏ ba lối hành xử đặc biệt của Ngài: (1) nhân hậu; (2) thẳng thắn; (3) quyền năng: tha thứ và chữa lành. Trái tim Ngài luôn xúc động, chạnh lòng thương trước nỗi khổ của con người. Để có thể làm theo sự thúc bách của con tim nhân hậu ấy, Ngài thẳng thắn đối đầu với nhóm kinh sư, khẳng định quyền tha tội và khả năng chữa lành cho người bại liệt.

Ở đây, chúng ta không thấy nói về việc: giường được 4 người khiêng hoặc họ đã leo lên, dỡ mái nhà thế nào… Nhưng thánh sử tóm gọn vấn đề "Thấy họ có lòng tin, Đức Giêsu nói với người bị bại: Này con, tội con đã được tha" (c.2). Đại từ "họ" ở đây ám chỉ đến những người đã khiêng kẻ bại liệt tới xin được chữa lành.

Như vậy, nhờ lòng tin bạn bè và những người thân mà phép lạ xảy ra  trên đương sự. Chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giêsu không khớp với câu hỏi. Ngài có vẻ đãng trí. Người ta xin Ngài chữa bệnh bại liệt thì Ngài lại nói về ơn tha tội. Ngài lầm lẫn ư? Và lầm lẫn cách phạm thượng – theo kiểu nhận xét của người Do Thái (c.3). Chúa Giê-su, Đấng thấu hiểu tâm can con người, liền trách người Do Thái có tư tuởng xấu. Ngài nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy. Trong 2 điều: Con đã được tha tội và… đứng dậy mà đi… điều nào dễ hơn? (c.5). Chúa Giêsu đã đưa ra 2 vấn nạn: chữa lành phần hồn là "tha tội" và chữa trị phần xác là "đứng dậy mà đi".  

Khi thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Chúa Giêsu gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài chứng minh điều Cựu ước đã nói nay đã ứng nghiệm: thời sau hết là đây, và chính Ngài là Con Người nắm quyền xét xử trong thời gian sau hết, và ở dười đất Ngài dùng quyền đó để tha tội cho con người. Bằng chứng là Chúa Giêsu đến đưa con người ra khỏi bệnh tật và tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh và Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt nặng hơn những người khác. Chính Ngài chữa và tha tội cho người bất toại, là cách Ngài công khai tỏ mình là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.

Chúa đã ra lệnh cho anh bất toại trỗi dậy, anh được sống lại bằng đời sống mới và không còn trong kiếp tội nhân. Hôm nay, Chúa cũng truyền lệnh cho mỗi chúng ta cũng hãy trỗi dậy từ sự bất toại của mình. Đó là bất toại do tội lỗi và hệ lụy của nó. Việc Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của thân hữu bệnh nhân và tha tội cho bệnh nhân là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu cũng phải biết cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại, để được ơn tha thứ. Đồng thời, những việc làm, lời nói biểu lộ lòng tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta cũng có ảnh hưởng đến anh chị em mình.

Qua đó, Ngài muốn khẳng định việc Ngài tỏ lộ uy quyền trong sứ vụ "Ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội" (c. 6a). Dĩ nhiên đây là lời nói của Chúa Giêsu nên chúng ta không biết được Ngài muốn nói con người theo nghĩa danh từ chung hay danh từ riêng. Nhưng thánh sử Mát-thêu đã mặc cho nó một tên riêng. Vì theo truyền thống Do Thái, Con Người là một danh xưng chỉ về Đức Giê-su.

Đó là nhân vật thiên giới, được Thiên Chúa ban cho quyền xét xử vũ trụ (Mt 25, 31). Điều này nói lên bản tính Thiên Chúa của Ngài. Nhưng ngay tại trần gian, con người cũng được Thiên Chúa ban cho quyền tha tội qua con người Giê-su lịch sử. Ngày nay, ơn tha thứ vẫn được Thiên Chúa thông truyền và thực thi nơi các cộng đoàn Kitô giáo, qua bàn tay các linh mục thừa tác.

Cuộc tranh luận đối đầu giữa Đức Giêsu và các kinh sư cũng là tư tưởng đối lập giữa giới luật sĩ và cộng đoàn Kitô giáo sống vào thời Mátthêu bấy giờ. Các luật sĩ chỉ công nhận duy một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội và việc thực hành tha tội trong Giáo Hội là phạm thượng. Còn Giáo Hội thì đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su, Đấng lãnh nhận quyền năng từ Thiên Chúa và Ngài đã ban truyền lại cho Giáo Hội sứ mạng và quyền năng này.

Thấy người bại liệt đứng dậy và vác giường về nhà theo lệnh của Chúa Giêsu, mọi  người sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa (c.8). Hành vi sợ hãi và tôn vinh của dân chúng chứng tỏ họ công nhận quyền năng của Thiên Chúa đã được ban cho con người. Ngày nay, nhiều Kitô hữu không muốn lãnh nhận bí tích Hòa Giải và không tin vào năng quyền của bí tích ấy, nên họ rất ngại hoặc không thích lãnh bí tích Hòa Giải mỗi tháng. Phần lớn chỉ xưng tội một năm một lần trong mùa Phục Sinh theo luật Giáo Hội buộc. Có lẽ chúng ta chưa tin vào quyền năng Thiên Chúa trao cho con người. Có lẽ phần lớn chúng ta nhìn các linh mục khi trao ban bí tích dưới nhãn quan con người với bản tính tự nhiên cũng đầy yếu đuối, vấp váp và không xứng đáng.

Lời Chúa hôm nay chất vấn và gọi mời ta rà soát lại xem ta tin Chúa thế nào và ở mức độ nào? Ta tin vào quyền tha tội của Giáo hội ra sao?  Hãy để trái tim yêu khoan hậu và toàn năng của Chúa chạm vào đáy lòng ta, sáng soi mọi ngõ ngách của hồn ta, cho ta gặp được Người, để Người ban lời tha thứ và chữa lành xác hồn ta.  “Tin là chấp nhận những điều mình không thấy, và hoa trái của lòng tin là chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta tin”.

Lời Chúa hôm nay thúc bách ta tìm đến tòa giải tội, phơi bày trước Chúa tâm linh khuyết tật của ta, để Người chữa lành và ban ơn tha thứ kịp thời, cho ta được hồi sinh trong sự sống mới, được nối lại mối tình xưa nồng nàn thương mến giữa Chúa và ta.

 

 

 

 

1071    04-07-2017