Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa

04  06  X  Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên.

Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh, Trùm họ (U1838), Tử đạo.

Cl 1,1-8; Lc 4,38-44.

LÒNG TRẮC ẨN CỦA THIÊN CHÚA

          Tin Mừng hôm nay phác họa lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu. Vào buổi sáng, Người vào hội đường để giảng dạy và chữa lành một người bị thần ô uế ám (Lc 4,31-37).

          Sau đó, khoảng gần trưa, Người rời hội đường đến nhà ông Simon. Thấy mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, Người ra tay cứu chữa. Xế chiều, Người đặt tay chữa lành tất cả các bệnh nhân trong làng được đưa đến với Người. Sáng sớm ngày hôm sau, Người ra nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mt 1, 35). Ngài làm việc luôn tay luôn chân, không quản ngại gian lao vất vả vì Nước Trời và ích lợi mọi người. Những hy sinh, cống hiến đó chắc chắn phải phát xuất từ một trái tim đầy tình yêu thương, một tâm hồn đầy lòng trắc ẩn.

          Trong Tin Mừng, ta tìm thấy các quy chiếu khác nhau về Trái Tim Chúa Giêsu. Chẳng hạn có một trích đoạn mà qua đó chính Đức Kitô đã nói: “Hãy đến với Tôi, tất cả anh em là những người lao nhọc và gồng gánh nặng nề, Tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi. Hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 28-29).

          Tường thuật của Gioan về cái chết của Đức Kitô là cơ bản nhất. Thật thế, Thánh sử Gioan làm chứng cho điều mình đã thấy trên đồi Canve, nghĩa là, khi Đức Giêsu đã chết, một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và từ vết thương này, máu và nước đã chảy ra (Ga 19, 33-34).

          Qua dấu chỉ bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên này, Gioan đã nhận thấy lời các Tiên tri đã được ứng nghiệm: Từ Quả Tim của Đức Giêsu, Con Chiên chịu sát tế trên Thánh giá, đã tuôn trào ơn tha tội và sự sống cho mọi người.  Nhưng lòng nhân từ của Đức Giêsu không chỉ là một cảm xúc, mà là một sức mạnh mang lại sự sống, phục sinh con người!

          Còn nhớ trong giai thoại về bà goá làng Naim, nói cho chúng ta (Lc 7,11-17). Cùng với các môn đệ của mình, Đức Giêsu đến Naim, một ngôi làng tại Galilê, ngay đúng lúc một đám tang đang đi qua. Người ta đem một thanh niên, đứa con duy nhất của một bà goá, đi mai táng. Ngay lúc đó, cặp mắt của Đức Giêsu nhìn thẳng vào người mẹ đang đầm đìa nước mắt. Thánh sử Luca nói: “Và khi Chúa thấy bà, Người động lòng cảm thương bà” (c. 13). “Lòng trắc ẩn” này là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, đó là lòng nhân từ, nghĩa là thái độ của Thiên Chúa khi tiếp xúc với cảnh khốn cùng của con người, với cảnh cơ cực của chúng ta, với nỗi đau khổ của chúng ta, với nỗi thống khổ của chúng ta. Từ “lòng trắc ẩn” trong Kinh Thánh làm cho chúng ta nhớ lại dạ của người mẹ. Thật thế, người mẹ cảm thấy một phản ứng đặc biệt khi đối diện với sự đau khổ của con cái mình. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng yêu chúng ta như thế đó.

            Khi Chúa Giêsu đến nhà mẹ vợ ông Phêrô, bà đang sốt nặng và bà không thể cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho mình. Trình thuật nói “họ xin Ngài chữa cho bà”, họ ở đây chắc hẵn là những nguời thân của bà, những người hàng xóm láng giềng với bà; chính nhờ lời cầu xin của họ, hay nói đúng hơn nhờ lòng tin của họ mà Chúa Giêsu đã cứu chữa bà. Cũng vậy “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người.  Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ”. Những người được chữa lành này, ta thấy cũng không phải bởi sự cầu xin của chính họ, nhưng là của những người đưa họ đến với Chúa Giêsu.

          Chắc hẵn, ở nơi chính những bệnh nhân ấy, họ cũng có lòng tin vào Chúa Giêsu, nhưng chính họ không thể tự mình đến, hoặc có thể họ không dám đến vì những mặc cảm nơi mình, hoặc cũng có thể là chưa đủ tin vào quyền năng Thiên Chúa. Nhưng điều đáng nói ở đây là, những người được chữa lành ở ngôi nhà nhỏ hôm ấy có một sự cộng tác rất tích cực của những người khác, những người biết dẫn người khác đến với Chúa và dẫn Chúa đến với họ. Cuộc sống nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, luôn được mời gọi để cầu nguyện cho người khác, hướng dẫn người khác đến với Chúa và giúp họ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

          Bệnh tật phần hồn thì quan trong hơn bệnh tật phần xác, vì nó ảnh hưởng đến vận mạng đời đời của ta, nên khi ta xin Chúa chữa bệnh phần xác thì đừng quên xin Chúa chữa trị các tính mê tật xấu, đam mê xác thịt, tội lỗi của ta, và ta mau mắn trở lại với Chúa, sống con người mới. Ta không những cầu xin cho mình, và phải biết cầu xin cho người khác nữa. Sức mạnh để ta chiến thắng sự dữ và ma quỷ là ở nơi danh Chúa, nên ta cần cầu nguyện luôn, cần gắn bó với Chúa mới đủ sức chống trả với sự dữ, lướt thắng mọi cám dỗ của ma quỷ thế gian và xác thịt, vì chúng luôn luôn hoành hành quấy nhiễu ta.

          Và rồi ta phải nhìn nhận mọi ơn lành Chúa ban cho ta, mà khơi dậy lòng biết ơn cách thiết thực bằng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, qua việc bổn phận hằng ngày và chu toàn công tác tông đồ truyền giáo, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng, rao giảng ơn cứu độ, chính là rao giảng Nước Thiên Chúa và triều đại của Ngài, để đưa mọi người về với Thiên Chúa.

          Chúa luôn luôn đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.

           Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng hành động. Không thể có một tình yêu thuần túy trong ý tưởng. Ngoài linh hồn là phần thiêng liêng, con người còn có thể xác. Tình yêu dành tặng cho nhau vì thế cũng cần được thể hiện cụ thể ra bên ngoài để giác quan có thể cảm nghiệm. Tình yêu chân thật còn phải mang đến sự hiệp thông vì tự bản chất, tình yêu là thế. Nó đưa mọi người đến với nhau. Đây chính là nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp Kitô giáo. Ước chi mọi việc ta làm đều được thúc đẩy và quy hướng về tình yêu, và tình yêu đưa đến hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người.

985    02-09-2019