Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Mái nhà chung

 

Truyền thống đạo lý người Á Đông xưa nay con cái khi trưởng thành đều phải có nghĩa vụ báo hiếu đối với các bậc sinh thành và dưỡng dục mình nên người. Suốt lịch sử hàng ngàn năm đạo làm người trải qua bao thế hệ chữ hiếu chỉ đứng sau chữ trung. Ngôi nhà truyền thống của người Á Đông ta là ngôi nhà nhiều thế hệ chung sống. Thế nhưng khi nền văn hoá Đông Tây hội nhập, người ta lại có xu hướng tách riêng. 

Các bạn trẻ ngày nay khi bước vào cuộc sống hôn nhân nghe phải sống chung với gia đình bên chồng bên vợ là điều nhún vai le lưỡi. Trẻ thì cho rằng người già cổ hủ, khó tính, lẩm cẩm hay xét nét. Cha mẹ thì cho rằng đã nuôi con lớn thì có quyền áp đặt con cái, kể cả con dâu con rể, phải sống theo những nguyên tắc nề nếp gia phong của mình. Cho rằng lớp trẻ quá tự do thoải mái hoặc vì con mình cưng vợ chiều chồng là không công bằng với cha mẹ là bất hiếu. Thực ra, trong những cuộc xung đột tình cảm gia đình không có người thắng mà tất cả đều là người thua. Những bất hoà xung đột dẫn đến sứt mẻ mất mát tình cảm đều mang lại những vô vị đắng cay cho cả hai bên, không có được gì cả. Muốn chung sống hoà bình chỉ có cách phải tôn trọng lẫn nhau và biết thoả hiệp với nhau, đừng bao giờ đẩy bên kia đến chân tường, bắt buộc phải lựa chọn bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn. Con phải tôn kính cha mẹ là điều đương nhiên ai cũng biết. Sự khác biệt về quan niệm sống, sự khó khó tính của người già nên được cảm thông hơn là phản ứng chống đối. Cũng dừng bao giờ xem cha mẹ mình như những người ở không lương, hay những người ăn bám, ăn hại. Điều này làm tổn thương, đôi khi là sự sỉ nhục đối với những người già. Cha mẹ cả đời hy sinh vất vả vì con, bây giờ tuổi xế bóng nghỉ ngơi an hưởng sự chăm sóc của con cái đâu có gì đáng phàn nàn. Vả lại cha mẹ mỗi người chỉ một, lại khi như chuối chín cây rụng lúc nào chẳng biết. Con cái đối xử bất nhẫn sẽ có lúc phải ân hận. Ngược lại cha mẹ luôn tôn trọng con cái vì họ là người đã trưởnng thành, làm chủ gia đình của mình. Hãy để con cái tự quyết những công việc của mình, không nên can thiệp hay áp đặt sử dụng quyền phủ quyết của cha mẹ dẫn đến sự bất hoà trong gia đình, coi con như bạn đưa ra những lời khuyên chân tình, đúng lúc sẽ giúp sự thông cảm và quý trọng ngày càng tốt hơn. Cũng đừng ỷ là cha mẹ nuôi con suốt đời nay thấy con nghe lời vợ hoặc chồng mà sợ họ quên cha mẹ, từ đó hậm hực, ganh nghét, giành giật, chia rẽ tình cảm của các con. Được gì thì không biết, chứ khả năng mất hết thì nhiều hơn. Sự nhìn nhận và thoả hiệp của mỗi người trong cuộc trong cùng một mái nhà là một phương án sống chung rất tốt. Nếu do hoàn cảnh mà ở riêng thì cũng cần nhớ rằng : ta và vợ ta đang còn cha mẹ, cần thu xếp thời gian có thể đưa cả nhà về thăm cha mẹ, các cháu thăm ông bà thường xuyên hơn. Cũng luôn gọi điện thoại hỏi thămsức khỏe. Sự quan tâm về mặt tinh thần có giá trị an ủi khích lệ rất lớn đối với người già hơn bất cứ món quà vật chất nào. Nếu có điều kiện thì mời cha mẹ đến ở luân phiên với con cái một thời gian. Đối với các cụ để bớt thời gian cô đơn buồn chán cần tìm những việc làm nhẹ nhàng, phù hợp hoặc tham gia các hoạt động thích hợp với tuổi giànhư vậy mới thấy cuộc đời vẫn đẹp sao. 


Như vậy không phải ở chung hay ở riêng thế nào mới là có hiếu. Chữ hiếu nằm ngay trong tiềm thức, trong tâm của mỗi người. Vấn đề là sự thể hiện trong cách đối xử thực sự hiếu thảo thi xa mấy cũng như gần. Tình cảm, đạo lý con người là những thứ không bao giờ có thể cân đo đong đếm.
Hoàng Anh

 

 

1064    26-01-2018