Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Mẹ đỡ đầu của đứa con hoang

 

Sau khi đi hành hương Lộ Đức về, mùa hè năm đó tôi đến nông trại của mẹ đỡ đầu để giúp bà cắt rơm. Vừa đến, tôi hỏi mẹ:

– Mấy giờ có lễ hả mẹ?

– Lễ à? Con muốn đi lễ sao? Chuyện gì vậy con? Đã lâu con không còn đi theo mẹ đến nhà thờ… Nhưng hôm nay đâu phải ngày chúa nhật?

– Con biết hôm nay không phải là ngày chúa nhật, nhưng con muốn đi bây giờ dù là ngày trong tuần.

Dì Lucie bối rối. Tôi kể cho mẹ đỡ đầu nghe câu chuyện trở lại của tôi. Bà không tin được.

 

Trong thời gian ở nhà mẹ đỡ đầu, tôi suy nghĩ rất nhiều về những chuyện đã xảy ra, với sự thay đổi bất ngờ này, với cuộc đột nhập của Chúa vào đời tôi. Mời đầu tôi có cảm tưởng lời của mục sư Nicky Cruz rơi vào lòng tôi như hạt giống rơi vào ngôi vườn hoang, ngôi vườn chưa bao giờ được khai khẩn, một khu rừng hoang dại! Một vài “Kinh Kính Mừng” đọc với mẹ tôi trên con đường đi học ở Camargue là tất cả những gì tôi được dạy về đạo ở nhà. Bây giờ tôi nhận ra ngôi vườn của tôi được mẹ đỡ đầu kín đáo vun xới lâu nay. Bà đóng vai trò thiêng liêng ẩn giấu trong suốt tuổi thơ của tôi, ít nhất là cho đến khi tôi lên mười, vì sau đó đến thời kỳ ở với Martial, tôi hiếm khi đến nhà mẹ đỡ đầu. Trong giai đoạn này, tôi không có một kỷ niệm nào về đạo.

Dì Lucie là chị của “dì Odile”, người mà mẹ tôi xem như bà mẹ thứ nhì. Tháng 9 năm 1965, khi mẹ tôi từ Đức về, bà đang mang thai tôi, dì Odile cho mẹ tôi tá túc, bà nói với mọi người mẹ tôi rời Nîmes để về quê nghỉ. Mẹ tôi ở trong hoàn cảnh tế nhị. Bà đang ly dị với cha của hai anh tôi, bây giờ bà lại mang thai với một người bà không còn ở với họ. Hơn nữa đó lại là người Đức! Ông ngoại tôi là trung tá, ông cố tôi là đại úy thời Thế Chiến Thứ Hai, như thế rõ ràng là không tốt chút nào… Một vài người khuyên mẹ tôi nên phá thai. Dù sao “đứa con hoang” này cũng không biết cha của nó. Tôi hội đủ tất cả điều kiện để bị vứt bỏ. Người ta thường khuyên phá thai trong các trường hợp còn ít tệ hơn. Họ lên án tử hình tôi vì tôi đã là đứa bé bất hạnh. Tất cả đã là bất hạnh ngay từ khi mới thụ thai, nhưng nếu người ta để cho chúng tôi một cơ hội…

Mẹ tôi quyết định cho tôi cơ hội đó, dù đó không phải là giải pháp đơn giản nhất cho bà. Bà quyết định giữ tôi lại dù phải chịu bao nhiêu là áp lực của người chung quanh. Chính vì để xa bối cảnh này mà dì Odile nảy ra ý định đưa mẹ tôi về ở nhà chị Lucie của dì.

Dì Lucie người gốc Versaille ở trong một gia đình có mười người con: chín con gái, một con trai. Dì Lucie là con thứ tám. Gia đình dì rất mộ đạo và có hai người là nữ tu. Dì Lucie học kỹ sư nông nghiệp, và trong một kỳ thực tập ở nông trại, dì gặp “chú Albert” và yêu chú. Mấy năm sau tôi biết chú khi tôi đi học ở Angelicum, Rôma, chú Albert là cháu của linh mục Marie-Joseph Lagrange, người sáng lập Trường Thánh Kinh Giêrusalem. Sau vài năm sống ở Marốc, chú Albert và dì Lucie về tiếp nhận trang trại bên cạnh lâu đài của gia đình ở vùng Cévennes, dưới chân núi Lozère. Chú dì có năm người con, trong số này có chị Hélène, người đón gia đình tôi sau cái chết của Martial. Các con của dì Lucie là anh chị em họ thân thiết của chúng tôi.

Không bao giờ tôi cám ơn dì Lucie cho đủ, dì đã mở rộng tay đón nhận mẹ tôi, hai anh tôi và bào thai trong bụng mẹ tôi. Qua dì, tôi xin cám ơn tất cả các gia đình đón nhận các bà mẹ mang thai trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Trong các cuộc thảo luận về phá thai, người ta ít nói đến các gia đình quảng đại này, những gia đình luôn sẵn sàng mang đến các giải pháp cụ thể.

Buổi chiều mùa hè này, tôi ngồi bên cạnh mẹ đỡ đầu ở phòng ăn của trang trại. Trên mặt bàn tủ buýp-phê có bức tượng Thánh Phanxicô Axixi bằng gỗ. Dì tò mò hỏi tôi:

– Vậy là con đã trở lại?

– Dạ thưa dì, con tin Chúa Giêsu đang sống và hàng ngày con nói chuyện với Ngài như nói với một người bạn!

Dì Lucie đứng dậy, bà đến tủ buýt-phê, mở hộc tủ và lấy ra một album cũ.

– Con xem album này nghe. Dì gom lại các hình của con khi còn nhỏ. Bà mở trang đầu tiên. Tôi còn nhỏ với lọn tóc vàng. Trên một tấm hình khác, tôi thấy nhà thờ Các Thánh.

– Đây là nhà thờ con rửa tội ngày 26 tháng 5 năm 1966 trong kỳ hành hương của những người du mục. Đây là cha đỡ đầu René của con. Con có biết tên René-Luc là nhờ cha đỡ đầu René và nhờ dì Lucie của con không?

– Dạ có, nhưng con thích nghe dì kể chuyện.

– Suốt thời gian mang thai con, mẹ ở nhà dì và mẹ không biết đặt tên con là gì. Đầu tiên mẹ chọn tên Dominique nhưng dì đã có một đứa con tên Dominique nên mẹ con và dì phải tìm một tên khác. Về phần dì, lúc nào dì cũng muốn có một đúa con tên Luc, nhưng chồng của dì không muốn. Và để làm cho dì vui, mẹ con đề nghị đặt tên con là Luc. Nhưng vì mẹ con đã đặt tên kép cho hai anh con nên bà cũng muốn con có tên kép. Và vì mẹ đã chọn dì làm mẹ đỡ đầu cho con và người anh họ René làm cha đỡ đầu nên mẹ muốn đặt tên con là Luc-René. Và dì đã đổi ngược thành René-Luc nghe êm tai hơn!

– Hồi xưa đặt tên hay quá.

– Chỉ sau này dì mới biết trong lịch phụng vụ, Thánh Luca và Thánh René mừng lễ gần nhau: Thánh sử Luca mừng ngày 18 tháng 10, Thánh René Goupil, thánh tử đạo đầu tiên của Canada mừng ngày 19 tháng 10.

– Vậy là con hiểu, bây giờ con phải chờ đến nửa đêm để mừng lễ hai thánh một lần!

Tôi tiếp tục mở album hình. Tôi ngừng ở một loạt hình có máng cỏ sống.

Đây là lễ Giáng Sinh đầu tiên của con, tháng 12 năm 1966. Trong số các em bé tham dự có năm đứa con của dì và ba anh em con. Con nhìn nè, anh Cacou của con đóng vai em bé đánh trống. Bên cạnh là anh Babou làm mục đồng. Người đứng là Alain con trai dì đóng vai Thánh Giuse, còn Đức Mẹ là chị Louise. Và Chúa Giêsu Hài đồng trong tay chị Louise là… con!

Tôi xúc động nhìn bức hình. Hóa ra chỉ một lần duy nhất trong đời tôi tham dự vào một máng cỏ sống và tôi đóng vai Chúa Giêsu! Bây giờ tôi trở lại, tôi nghĩ Chúa Nhân Lành hẳn cười, Ngài biết câu chuyện tiếp theo…

Tôi lên ngủ trên “phòng mấy đứa con trai.” Nằm trên giường, tôi nhận ra, nhà dì Lucie là nơi duy nhất tôi nghe nói về Chúa trong tuổi thơ của tôi. Tôi còn được đi học giáo lý nữa. Hồi đó tôi không nhớ gì nhưng bây giờ tôi nhớ. Vì quá trình gập ghềnh của tôi, đôi khi mẹ tôi gởi tôi đến nhà mẹ đỡ đầu ở một thời gian lâu, có khi ngoài các kỳ hè. Và chính trong thời gian đi học mà dì Lucie gởi tôi đi theo học giáo lý cùng với các em bé khác trong làng. Nhưng tôi phải thú nhận lớp giáo lý không đánh động tôi bao nhiêu.

Tôi chỉ nhớ có một lần tôi đi xưng tội. Đó là khi rước lễ lần đầu. Không có lễ bao đồng với áo choàng trắng, với tiệc tùng, với tất cả nghi thức rườm rà của nó. Chỉ đơn giản rước lễ lần đầu. Chuyện ngạc nhiên là tôi nhớ rất rõ khi đứng chờ xưng tội, nhưng không nhớ gì khi tôi nhận Mình Thánh Chúa. Khi mẹ đỡ đầu đưa tôi đi lễ ngày chúa nhật, chú Albert luôn lên cung thánh ngồi với các ông, tôi ở dưới này với dì và các cô con gái của dì. Thỉnh thoảng tôi được giúp lễ. tôi ghen với chú giúp lễ được rung chuông, khi nghe chuông rung, tôi tự nhủ: “Khi mình lớn, mình cũng sẽ được rung chuông.” Các kỷ niệm tuổi thơ này về lại trong ký ức tôi làm cho tôi rất bồi hồi.

Tôi tiếp tục lần theo ký ức, tôi nhớ mình đã đặt một câu hỏi với mẹ đỡ đầu, khi đó tôi khoảng sáu, bảy tuổi:

– Mẹ ơi, nếu con hiểu đúng, Chúa Giêsu là Cha của chúng ta.

– Đúng rồi con, một cách nào đó mình có thể nói như vậy. Chúa Giêsu thương chúng ta như một Người Cha thương con mình.

– Và Chúa Giêsu cũng có một Người Cha, đó là Chúa!

– Đúng rồi, con hiểu đúng rồi.

– Nhưng thưa mẹ, ai là Cha của Chúa? Bà trả lời tôi trong khả năng của bà, bà giải thích Chúa không có Cha, đơn giản là như vậy. Nhưng tôi không bằng lòng câu trả lời của dì. Điều khó hiểu vẫn ở trong đầu óc thơ dại của tôi; Ai là Cha của Chúa?

Tôi nhìn lên trần nhà bằng gỗ. Điều lạ lùng là tôi để câu hỏi đã rơi vào lãng quên rất lâu này trồi lên. Bây giờ nó làm cho tôi thật sự xao xuyến. Vấn đề chính của tôi lúc đó, Chúa là Chúa và tôi đã gặp Chúa qua Chúa Giêsu là Chúa Con.

Chỉ sau này khi ở chủng viện Rôma tôi mới hiểu câu hỏi trong tuổi thơ của tôi về Người Cha của Chúa trực tiếp liên hệ đến vấn đề hiện hữu của Chúa mà Thánh Tôma Aquinô đã triển khai. Mở đầu bản Tổng luận thần học – Prima pars, Câu hỏi 1, chương 3 – ngài giải thích trong “Bằng chứng về nguyên nhân và kết quả”. Khi đó tôi hiểu, sự việc Chúa không có Cha chứng minh rằng Ngài tồn tại như Thiên Chúa! Vì, theo Thánh Tôma giải thích, tất cả những gì chúng ta thấy ở tạo dựng được tạo ra bởi một thứ có trước nó: bông hoa đến từ hạt giống, trẻ con đến từ cha mẹ… Nếu chúng ta quay ngược về chuỗi nhân quả – từ hàng triệu năm trước -, thì phải đi đến điểm khởi đầu, cái mà chúng ta gọi là “Nguyên tắc Đầu tiên”. Do đó, Thiên Chúa có đặc tính là “thiết yếu” thì không được tạo ra bởi một ai, được “sinh ra mà không phải tạo thành”. Và Ngài chỉ có thể là Đấng Tối Cao  trên tất cả các tạo vật khác vì chính Ngài đã tạo dựng nên chúng. Nguyên tắc Đầu tiên này là Chúa!

Sau đó chỉ là vấn đề từ vựng. Có người gọi Chúa là “Allah” hay “Đấng Kiến trúc Vĩ đại”. Nhưng ít nhất mỗi người phải đi đến kết luận hợp lý này: Chúa tồn tại. Chúa tồn tại vì không có một ai tồn tại trước Chúa và cần phải có một điểm khởi đầu.

Một khi bằng chứng hiển nhiên về một Đấng tối cao đã được đặt ra thì phần tiếp theo sẽ rõ hơn. Phải đi thêm một bước để hiểu và tin và điều này đã được mạc khải trong Thánh Kinh, Ngài đã đến để gặp gỡ con người từ ông Abraham đến Chúa Giêsu. Để đi từ giai đoạn mà Thiên Chúa không còn là một khái niệm đơn giản, cũng không phải là một loại năng lượng vũ trụ, nhưng là một Người mà tôi có thể đối thoại thì thường phải đi một con đường dài. Nhưng phần đầu tiên của lý luận đã được đề cập đến, dù cho với một đứa con hoang nhỏ bé!

Mẹ đỡ đầu của tôi đã gia ơn cho tôi, bà cho tôi biết Thánh Tôma. Bà đã trao truyền cho tôi điều thiết yếu, rằng Chúa là Cha chúng ta. Tôi không nghĩ câu hỏi của tôi báo trước đường đi thiêng liêng trước tuổi của tôi, nhưng thường thường trẻ con đặt các câu hỏi thiết yếu mà người lớn thích che giấu.

Cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi, tôi cám ơn Chúa đã cho tôi có mẹ đỡ đầu, người mà một cách đơn sơ đã chuẩn bị mảnh đất để tôi đón nhận Chúa mà tôi không nhận ra.

Năm sau khi tôi về trang trại, năm 1981, tôi báo cho dì biết tôi sẽ đi tu làm linh mục. Dì rất cảm động, dì nói, cả đời dì, dì mong một trong các con trai của mình sẽ là linh mục…

Và lời cầu nguyện của dì đã rơi vào đứa con đỡ đầu bất toàn của dì!

Tôi muốn các linh mục, các thầy cô dạy giáo lý, các cha mẹ, các ông bà nội ngoại đều giống như mẹ đỡ đầu của tôi… gieo Lời Chúa mà không nghĩ gì. Có thể họ sẽ không thấy thành quả do chính mình gieo, nhưng hạt giống sẽ nẩy mầm đây đó, sớm hay muộn và cũng có thể là ở một nơi khác.

Chúng ta hãy tin chắc, không một lời cầu nguyện nào dâng lên Chúa mà hoài công, Chúa sẽ luôn trả lời cách này hay cách khác.

Marta An Nguyễn dịch

 

793    06-02-2019