Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

“Mẹ Têrêxa hít thở không khí tự do nội tâm”


Linh mục Nicolas Buttet khẳng định: “Trọn cuộc đời Mẹ Têrêxa, trọn công trình của Mẹ, trọn con người của Mẹ hít thở sự tự do nội tâm này, dấu hiệu của một sự trưởng thành thiêng liêng đích thực”. Linh mục người Thụy Sĩ, sáng lập Cộng đoàn Thánh Thể

Eucharistein xúc động khi nhắc lại các kỷ niệm của mình với Mẹ Thánh, Mẹ qua đời ngày 5 tháng 9 – 1997, cách đây 20 năm và được Đức Phanxicô phong thánh ngày 4 tháng 9 – 2016. Từ năm 1987 linh mục gặp Mẹ nhiều lần ở Ấn Độ.

Linh mục Buttet nhớ lại: “Sau giờ chầu, Mẹ thường chờ chúng tôi để nói vài câu. Mẹ khi nào cũng sẵn lòng tiếp chúng tôi và khi nào cũng có niềm vui lây lan này”. Theo linh mục thì không một ai gặp Mẹ xong mà không thay đổi, cha xác nhận: “Trong giây lát – một giây lát thiên thu -, tâm hồn chật hẹp của chúng tôi nổ tung, chân trời bị kẹt của chúng tôi mở ra ngút ngàn, quả tim chúng tôi nở ra”. 

“Mẹ là lời cầu nguyện”

Lần đầu tiên linh mục gặp Mẹ, cha ngạc nhiên về cách Mẹ cầu nguyện. Mẹ mặc nhiệm ở một nhà nguyện ngay mặt tiền đường cực kỳ ồn ào. Thêm nữa Mẹ luôn bị người khác đến làm phiền, họ muốn gặp Mẹ. “Với nụ cười, với thái độ luôn cởi mở đón tiếp, Mẹ đi ra khỏi nhà nguyện sau khi bái gối sát đất. Rồi một ít phút sau Mẹ đi vào, Mẹ cũng lại bái gối như vậy”. Cha Buttet không hiểu vì sao Mẹ lại có thể chịu đựng được các kiểu phá rầy như vậy. Sau này cha hiểu, “đời sống nội tâm của ai đã ở trong Chúa thì không gì làm họ lay chuyển bởi các hoàn cảnh bên ngoài”. Điều này làm cho linh mục phải nói, Mẹ không cầu nguyện, Mẹ là “lời cầu nguyện”.

Dâng hiến trọn vẹn

Một lực thiêng liêng mà linh mục Buttet chứng kiến nhiều lần làm cho Mẹ có một niềm vui không xáo động trước các giông bão cuộc đời. Một ngày nọ có một người bị bệnh phung lỡ lói khủng khiếp được đem đến nhà chờ chết ở Khaligat. “Thân thể của ông toàn vết thương và xông lên một mùi hôi nồng nặc. Tất cả chúng tôi đều lợm, cha Nicolas Buttet nhớ lại. Khi Mẹ thấy ông, mẹ ôm ông vào lòng ngay lập tức. Dưới mắt Mẹ lúc đó, không có một ai trên thế giới quan trọng bằng ông”.

“Mẹ không khinh suất một chi tiết nhỏ nhất nào trong đời sống hàng ngày”

Mẹ hoàn toàn quên mình và có một lòng can đảm lạ thường. Mẹ rời Dòng năm 1948 để chỉ lo cho những người nghèo nhất, các trẻ em đường phố, những người sắp chết. Năm 1982, trong khi nước Albania lâm cảnh nội chiến, mẹ không ngần ngại vượt lằn ranh ở Bê-rút để đi tìm các em bé khuyết tật ở phía bên kia thành phố, Mẹ bất chấp các lằn đạn.

Thực tế thiêng liêng

Linh mục Nicolas Buttet nhấn mạnh: “Sự quên mình, sự lo lắng cho người khác, đó mới là một thực tế thiêng liêng đích thực, đến tận cùng của nhập thể”. Mẹ không khinh suất một chi tiết nhỏ nhất nào trong đời sống. Chẳng hạn Mẹ xem xét xem có đủ trà, đủ bánh cho bữa ăn sáng không.

Đối với Mẹ Têrêxa, như thế đức tính này “không phải là một động thái do xúc động, nhưng là một động thái kiên quyết, ý chí dứt khoát, một quyết tâm không lay chuyển đặt người khác lên hàng đầu và điều tốt cho chính họ”. Cha Buttet nhớ có một lần, Mẹ quở trách một thiện nguyện viên đã cho một em bé tiền. Mẹ giải thích cho người thiện nguyện viên biết, cho tiền như vậy, dù là với ý tốt nhưng làm cho đứa bé có ảo tưởng tiền là dễ dàng và làm cho nó lười biếng. “Mẹ vừa chứng tỏ cho thấy sự khác biệt giữa chân thành và sự thật”.

Một “tinh thần thiêng liêng trẻ thơ” thật sự

Đối với cha Buttet, các hành vi đơn giản, nhanh chóng, quyết định và không phê phán này là “biểu hiện dần dần cái mà tôi xem đặc tính đặc trưng nhất của Mẹ Têrêxa: sự tự do nội tâm phi thường của Mẹ”. Sự tự do này giúp cho Mẹ nói những chuyện một cách thẳng thắn và trực tiếp, mà một số người thậm chí cho là vô lễ. Mẹ kể một giấc mơ của Mẹ: khi chết, Mẹ đến gặp Thánh Phêrô. Thánh Phêrô hỏi Mẹ làm nghề gì, Mẹ trả lời: lo cho người nghèo ở các thành phố ổ chuột”. Thánh Phêrô nói: “Nhưng nghề này không có trong danh sách của tôi!” “Cha sẽ thấy đây có phải là một nghề không nhé! Tôi sẽ lấp đầy bầu trời của cha những người ở thành phố ổ chuột!”, Mẹ trả lời cho Thánh Phêrô. 

“Mẹ có tâm hồn trọn vẹn hướng về nơi nào có Chúa”

Linh mục Nicolas Buttet ghi nhận, và nghịch lý thay, nét rõ nhất, nét đúng nhất của sự tự do nội tâm này lại là sự vâng lời Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội một cách trung thành và khiêm tốn.

Cha giải thích, với Mẹ Têrêxa, cha cảm nhận có sự hiện diện “của một tinh thần thiêng liêng trẻ thơ”. Theo linh mục, người ta có thể nhận ra nơi những người này là họ có “chân đạp đất, đầu trên hai vai, nhưng tâm hồn trọn vẹn hướng về nơi nào có Chúa […]”.

Linh mục Nicolas Buttet đến Calcutta lần đầu vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1987. Sau đó cha trở lại đây 17 lần, mỗi lần từ 3 đến 5 tuần, gần như mỗi năm mỗi đi cho đến năm 2000, sau đó thì tùy dịp. Cha sẽ trở lại đây vào giữa tháng 9 – 2017 một tuần để dạy cho ban cố vấn của Hội Dòng và cho các nữ đào tạo gia ở các vùng khác nhau.

Marta An Nguyễn dịch

1487    09-09-2017