Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Mến Chúa - Yêu người

 

Trong Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đi đến đâu là dân chúng ùn ùn kéo đến đó (x Lc 12,1). Không những vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền (x.Mc,2,22) mà cách cư xử đối đáp của Ngài quá hay khiến tất cả đối phương phải kính nể (x.Mc 12,28). Ngay cả các kinh sư là những nhà thông luật. hôm nay cũng tiến đến gần Ngài để hỏi về giới răn nào quan trọng nhất. Ngài đã cho ông ta và toàn bộ cử tọa đầy thán phục với câu trả lời rất chí lý và đầy ý nghĩa. Ngài cho họ thấy giới răn quan trọng, đứng đầu trong mọi giới răn là “giới răn yêu thương”. Bởi nó gói trọn hai điều răn quan trọng là yêu mến Chúa và yêu thương người.

Ta thấy trong Tin Mừng nói về cuộc trao đổi thân tình và cởi mở giữa Chúa Giêsu và một kinh sư về một chủ đề thần học rất quan trọng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo. Câu hỏi được vị kinh sư đặt ra là “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu? tức điều răn nào quan trọng nhất?” Chúa Giêsu trả lời cho ông biết một điều cốt lõi của luật đó là: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Đức Chúa duy nhất. Người phải yêu mến Đức Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.

Vì sao chúng ta lại phải “yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Địa lý Do Thái nằm trong vùng lưỡng hà địa, cái nôi của những nền văn minh và các tôn giáo lớn. Vì thế người Do Thái thời Cựu Ước tiếp cận với rất nhiều tư tưởng, triết thuyết và nhiều thần giáo, họ dễ bị lẫn lộn giữa Giavê Thiên Chúa với các vị thần khác. Người kinh sư đặt ra một câu hỏi thật xác đáng và Chúa Giêsu cũng đã chỉ rõ điều luật quan trọng nhất đó là “Kính mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. 

Đây là điều răn quan trọng và cũng là điều khó thực hiện. Vì bản tính con người là thích chạy theo tà thần với vẻ hào nhoáng bên ngoài, những vị thần của quyền lực, tiền bạc, dục vọng …có khả năng làm thỏa mãn những nhu cầu của con người. Đòi hỏi của Thiên Chúa có tính quyết liệt, dứt khoát phải tôn thờ Thiên Chúa trọn cả con người với mọi ước muốn thâm sâu trong tâm hồn và thể xác. Con người thường có thái độ “chân trong chân ngoài”, nghĩa là theo Chúa nhưng còn tìm kiếm và chạy theo những vị thần khác. Những vị thần có hình tướng và cả những vị thần vô hình vô tướng, đó là một thứ thần nguy hiểm và đáng sợ.

Đó là thần tham lam dối trá, ghen ghét, thù hận, đam mê xác thịt, hưởng lạc và nhiều những thói hư tật xấu khác. Đó là những thứ thần ngấm ngầm ăn sâu vào tận xương tủy con người. Hơn ai hết Chúa Giêsu hiểu được rằng con người dễ chạy theo những quyến rũ của thế gian mà lãng quên hoặc tôn thờ Chúa một cách nửa vời, đó là một mối nguy hiểm.

Điều thứ hai không kém phần quan trọng đó là “yêu người thân cận như chính mình”. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì Người là Đấng sáng tạo và làm chủ muôn vật muôn loài, trong đó con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa cứu chuộc bằng giá máu và mạng sống của Đức Giêsu Con Một yêu dấu của Thiên Chúa. Kính mến Thiên Chúa cụ thể là yêu thương tôn trọng con người. Cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ canh cánh có một điều là yêu thương và cứu chuộc loài người. Thiên Chúa là Đấng quyền năng đã hạ mình xuống mang thân phận con người để cứu chúng ta khỏi ách tội lỗi và sự chết.

Yêu người một cách “sơ sơ” thì dễ nhưng “yêu như chính mình” thì thật khó. Yêu thương những người nổi tiếng, lịch sự, xinh đẹp, giàu có thì dễ, nhưng thật khó biết bao khi yêu thương những người nghèo khổ, dốt nát, người hay gây phiền toái cho ta. Yêu thương những người mang lợi lộc đến cho ta thì dễ nhưng khó mà yêu thương kẻ thù của ta, những người hàng xóm khó tính, keo kiệt, những người nghèo lang thang đầu đường xó chợ…Đòi hỏi của Chúa thật quá khó, điều răn ấy đụng chạm và cứa vào cái tôi ích kỷ của con người. Chỉ với ơn Chúa giúp chúng ta mới sống được điều răn Chúa dạy. 

Với người Do Thái, họ giữ luật rất chặt chẽ theo bộ luật Tora  gồm 613 điều. Trong đó, 248 điều phải làm và 365 điều cấm không được làm. Họ cố gắng học thuộc, đeo nó trong mình, dán lên trán, trên tua áo (x.Mt 23,5), tuân giữ rất chi li từng chấm, từng phết. Họ cố gắng làm những gì luật dạy và tránh những gì luật ngăn cấm. Nhưng tất cả đều cho thấy họ giữ luật vì luật. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã lấy câu kinh thánh trong sách Đệ Nhị Luật để nhắc nhở họ cũng như những ai muốn theo Ngài thì tuân giữ luật Ngài với một tâm hồn yêu mến thật sự “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết

sức lực ngươi.”(Dnl 6,4 ;Mc 12,29-30)

Chúng ta phải yêu mến Chúa bởi vì Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu (IGa 4,8). Ngài  yêu thương chúng ta đến nỗi chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta (x Ga 3,16;19,17-18). Ngài là Mục tử Nhân lành (Ga 10, 14), là con đường dẫn lối chúng ta, là sự thật, chân lý bảo vệ chúng ta và là sự sống vĩnh cửu của chúng ta (xGa 14,6). Cho nên, chúng ta cần phải yêu Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực nghĩa là yêu Ngài với một tấm lòng chân thành, tuân giữ, thi hành lời Ngài (Mc3,35) cách trọn hảo cho dù phải từ bỏ mình, hoặc gặp gian truân, thử thách, bắt bớ, hiểm nguy,hy sinh, …hay bất cứ sức mạnh, quyền lực nào, loài thọ tạo nào  thì vẫn một lòng thủy chung với Ngài (x.Rm 8, 31-39).

Nhưng yêu mến Chúa thôi thì chưa đủ (x.Mt 21-23), vì vậy, Chúa Giêsu tiếp tục trưng dẫn kinh thánh trong sách Lê vi để khuyên chúng ta “phải yêu người thân cận như chính mình”(Lv 19,18; Mc 12, 29-31). Đây cũng chính là “hệ quả” phải có nơi con người có lòng yêu mến Chúa. Vi mỗi người chúng ta là hình ảnh sống động của Chúa.Hơn nũa, nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói dối; vìai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy được (1 Ga 4,20)và "kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết"(1Ga 3,14)

Yêu người như chính mình là biết thông cảm chia sẻ với người. biết đón nhận họ như chính họ là. Yêu người là sống đời phục vụ yêu thương. Vì đức tin không hành động là đức  tin chết (Gc 2,17). Yêu người còn là quảng đại tha thứ khi tha nhân xúc phạm đến mình “không những tha thứ bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”. Yêu người còn là chấp nhận hy sinh,chịu thiệt thòi về mình để cho tha nhân hạnh phúc.  Thế mà Chúa Giêsu, Ngài còn đòi hỏi triệt để hơn nũa là phải yêu người như Chúa yêu (x.Ga 15,12) Tức là yêu cả kẻ thù.và dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu hy hiến nhưng không.

Là người môn đệ Chúa, những người bước theo Chúa, chúng ta không thể yêu Chúa mà lại ghét tha nhân. Hay chỉ yêu tha nhân mà không yêu Chúa. Hai điều này phải được thực hiện song hành với nhau.

 

 

4180    07-06-2017