Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Men Nước Trời

 

Lẽ thường, người ta hay nghĩ Chúa Giêsu ngự trên ngai hay trên tòa để phán xét nhưng rồi trong thực tế Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Ta vẫn thấy Chúa Giêsu thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Ta hãy hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Chúa Giêsu. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mátthêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2).

Cạnh đó, Chúa Giêsu rất gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Chúa Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34).

Hạt cải và nắm men cùng giống như một hòn sỏi ở chỗ đều bé nhỏ. Nhưng hạt cải và nắm men khác hòn sỏi ở chỗ chúng có sức sống bên trong. Ném hòn sỏi xuống đất thì nó vẫn trơ trơ, còn ném hạt cải xuống đất hay vùi nắm men vào thúng bột thì kết quả khác hẳn. Như thế, điều khác nhau và cũng là điều kỳ diệu là sức sống bên trong.Và ta đều biết rằng những dụ ngôn Chúa Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống.

Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Chúa Giêsu kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mátthêu tường thuật trong trang Tin Mừng mở miệng ra kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. (c. 35).

Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay còn nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự nghèo khó và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Hơn thế, ta thấy dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Chúa Giêsu hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Chúa Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.

Hai dụ ngôn hạt cải và nắm men diễn tả Nước Trời là hai dụ ngôn rất nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:

Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi theo Đức Kitô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.

Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.

Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Kitô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xảy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa.

Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do Thái, nghĩa là Nước Chúa đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi.” Bởi vì thánh sử viết Tin Mừng sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu tiên của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi, Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.

Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi.” Trong cử hành Thánh lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ biến đổi nên giống Chúa Giêsu.

 

Trong thực tế, tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ. Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc, tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào, chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn. Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột. Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu. Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.

1064    31-07-2017