Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Mỉm cười với đời

 

 
Có câu nói rằng: “Người mà tôi tin tưởng, quí mến nhất lại là người gây cho tôi nhiều đau khổ, buồn thảm nhất”. Tôi chưa bao giờ quên nổi những nỗi buồn của tôi.

Đúng là “Kỷ niệm buồn là kỷ niệm khó quên nhất”. Nhưng tôi không dừng lại ở cảm giác này mà muốn gợi nhớ ký ức hầu làm kinh nghiệm cho bản thân. Tôi sẽ bàn đến nụ cười của người chiến vui, kẻ cười trên nỗi đau của kẻ khác, kẻ không biết cười.

 

Những kẻ chỉ nghĩ tới buồn nản là kẻ thiếu nghị lực. Tôi phải mỉm cười với đời và tự nhủ: “Hãy nhìn vào tương lai mà tiến bước và hãy hồi tưởng lại tiểu sử các danh nhân mà an ủi lòng mình”. Danh nhân nói vậy, còn tôi sống thế nào thôi? Nhiều lúc, thử hỏi chúng ta có mỉm cười được hay không thôi. Tôi nghĩ chúng ta thường mỉm cười khi ai đó khôi hài, khi thấy con cái chúng ta giỏi giang, khi chầu nhậu hăng say, khi ta thành công.

 

Cái gì rồi cũng sẽ qua, nhất là danh vọng, tiền tài. Cho dù là người ta yêu qúi nhất, lâu ngày không gặp sẽ xa. Chẳng hạn, người thân mất, chỉ vài năm là ta ít nhớ hoặc quên ngay. Cứ vậy mà suy ra, người bạn thân định cư xa, lâu ngày không thư từ cũng hết thân thiện, huống hồ là người tình. Nhưng dù là bạn thân hay người tình thì không ai không để lại trong ta biết bao nụ cười. Nhưng có những nụ cười mỗi khi ta nghĩ lại thì mỉm cười. Có những nụ cười khi nhớ lại cứ rơi nước mắt.

 

Bao năm tháng gia đình tôi sống trong nồng ấp, ai ai cũng quý trọng. Mỗi khi ra đường với cùng Ba tôi, tôi luôn hạnh phúc nghe hết người này đến người kia chào hỏi Ba tôi dọc đường. Ba tôi là một thầy giáo. Người lại hiền lành, ít nói, chỉ mỉm cười nhẹ. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi thường hay mỉm cười sung sướng. Cái hạnh phúc khó diễn tả của một đứa trẻ được hưởng lây lời người ta hỏi thăm. Ngày Ba dắt tôi đến trường: “Chào thầy”, “thầy khỏe không”, “thầy đưa em đi học ha” “…”. Tôi vui lắm, cứ ngỡ như mình cũng được chào. Tôi hỏi: “ai vậy?”, “tại sao họ lại chào con?”. Và tôi như thuộc tên từng người và coi mình như người lớn mỗi khi đi đâu gặp họ tôi cũng: “Chú khỏe không?”, “Chú đi đâu đó.” Tôi thấy mình lớn lắm. Oai lắm!

 

Thế nhưng, khi gia đình tôi làm ăn thất bại, kinh tế không còn, thì ra đường chẳng ai thèm hỏi thăm Ba nữa. Từ đó, tôi cũng học được nhiều điều hay. Cứ phải mỉm cười với đời cho qua. Cũng từ đó, tôi ít nói hơn, suy tư nhiều hơn. Mọi người nghĩ tôi có bệnh gì đó. Ngày nay gọi là trầm cảm. Thời gian đó, mặc cảm, buồn chán, hoang mang giúp tôi trưởng thành hơn. Mà ngày nay, trải qua bao thăng trầm, tôi vẫn thích thời gian đó hơn cả. Thử hỏi bởi đâu tôi luôn đứng vững trong thời gian kinh khủng đó? Tôi luôn tin vào anh cả Giêsu và Mẹ Maria. Tôi luôn đọc kinh lần hạt và đi lễ hàng ngày và dâng mọi khó khăn trong cuộc đời tôi trong tay Mẹ Maria, nhờ Mẹ chuyển lên con chí ái của Mẹ là Chúa Giêsu. Nhờ đó mà tôi có ngày hôm nay. Nhớ lại, cũng chán, cũng buồn, cũng đau khổ nhưng nhờ đó tôi quyết tâm hơn, can đảm hơn, chăm chỉ hơn, chịu khó hơn, làm nhiều hơn, hiểu cuộc đời hơn, hiểu tương quan bạn bè và mọi người hơn. Tuy cuộc sống khó khăn, tương lai mịt mù nhưng tôi vẫn mỉm cười bước vào đời.

 

Những ngày tháng gian khổ, làm lụng từ sáng sớm đến tối mịt mà vẫn không có ăn. Cứ phơi mình trong nắng gắt, lót lá chuối nằm ngủ trưa dưới gốc cây mặc cho kiến, côn trùng cắn, vẫn gáy ro ro. Những ngày mưa gió thì chịu rét run người, những cơn sấm sét kinh người. Những ngày còng lưng thồ chuối qua những đồi dốc đá lởm chởm, đường sình lầy lội. Mặc chiếc áo dày nhựa chuối, mặc quần rách trước hở sau, chân đi dép vấp đá tóe máu, lội qua những vũng nước hôi thối, người thì đen đủi. Vậy mà cái ăn cái uống cứ thiếu thốn. Nhưng vui một cái là những ngày đó tôi cảm thấy khỏe khoắn, dẻo dai, rắn chắc, ăn uống thấy ngon, nhiều. Cho dù có khó khăn thế nào tôi vẫn chưa rời xa Chúa bao giờ. Tôi tin và vui chấp nhận cuộc sống như thế.

 

Chính nhờ gian khổ như thế, tôi quyết tâm đổi đời. Dù vất vả lao nhọc với nắng mưa, tôi vẫn tìm niềm vui trong đoàn thiếu nhi. Đêm thì thức khuya đến 1 giờ sáng học bài, sáng 03h30 dạy đi gọi các em đi lễ. Và tới ngày thi, tôi ầm thầm khấn xin thánh Antôn. Và có lẽ nhờ Ngài bảo trợ mà tôi đã vượt qua 100 thí sinh để vào trường Hàng Không Việt Nam (năm đó 10.000 thí sinh thi lấy 100). Tôi hết sức cố gắng học tập để kiếm được việc làm. Khi đã có việc làm, tôi đã có bằng đại học, có chứng chỉ Anh ngữ, và nói được cả Pháp ngữ nữa, dù không có tiền sắp máy vi tính nhưng tôi vẫn sử dụng thành thạo để làm việc. Bất cứ hoàn cành nào, tôi cứ đặt cuộc đời mình trong cái nhìn vào cuộc đời nghèo khó của gia đình Chùa Giêsu mà vui thầm tiến bước. Đó là cuộc sống có đức tin và nhờ sống cuộc đời nghèo khó mà tôi thương người nghèo. Khi rảnh, tôi thường hay đến bãi rác, thành phố Ma, trại tế bần, trại sida để chia sẻ, trò chuyện với những người anh em bất hạnh. Và vui làm sao. Tôi vui vì được chơi với họ như hiểu chính đời mình. Thật chớ trêu, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn mỉm cười. Tôi không cười trên đau khổ của người bất hạnh. Tôi không tìm đau khổ của họ làm niềm vui. Nhưng chính họ đem lại cho tôi niềm vui.

 

Tôi sẽ đạp trên thất vọng, chán trường, rẫy bỏ quá khứ để tôi trở thành con người mới, có lý trí, ý chí và nghị lực. Tôi đã đi vào trường Giêsu và tôi đã học được nơi anh Giêsu chỉ làm những gì có ích cho con người. Đó là lẽ sống của đời tôi và tôi đã vào đời. Ngày tôi gặp đứa trẻ trên công viên Tao Đàn khi trời đã khuya. Nó nằm ngủ ngon lành trong góc ngoài công viên. Thấy nó ngủ ngon mà tôi rớt nước mắt. Nó chắc cũng có cha mẹ, nhưng không được ngủ bên cha mẹ. Tôi cũng có cha mẹ nhưng phải đi kiếm sống xa nhà. Giữa tôi và nó không khác nhau nhiều nhưng nó lại ước ao có những cái tôi có, tôi lại ước những cái nó có.

 

Nó ước được như tôi có nơi ngủ hẳn hoi, có chăn ấp nệm êm, được cắp sách đến trường, có việc để làm, có tiền gởi về cho cha mẹ, có quần áo đẹp, có bạn bè, có cục gạch biết nghe nói với cha mẹ. Ước mơ nhỏ bé của nó thế thôi. Không. Tôi lại ước được như nó, lăn ra là ngủ ngon lành bất kể đâu, ăn cái gì cũng thấy ngon, lang thang khắp phố như tập thể dục cho khỏe người, không ai biết đến mình để khỏi bị quấy rầy, khỏi phải bị nghe điện thoại, khỏi phải làm ai buồn, khỏi bị ai trách, khỏi phải đau đầu, khỏi phải sợ sệt mất của, khỏi phải tính toán nặng đầu, khỏi buồn bực, khỏi phải cạu cọ, khỏi phải lấy lòng ai, khỏi phải lo ngày mai, khỏi phải than thở, khỏi phải ích kỷ. Cuộc sống lang thang của nó đã cho tôi bài học để đời. Gặp gì vui thì cười xong hết. Gặp gì lạ sấn vào coi đến quên cả sấp vé số trên tay và bỏ rơi mấy ông khách đánh giày luôn. Sự khác biệt giữa tôi và nó, đó là cuộc sống tôi có Chúa Giêsu làm nguồn cậy trông, có Mẹ Maria như người Mẹ để tôi tâm sự cuộc đời và nhờ Mẹ chuyển cầu lên con chí ái của Mẹ là Chúa Giêsu. Trong khi nó sống vô vọng không ngày mai. Thật đáng thương nó. Chẳng hiểu từ đâu cuộc đời đẩy nó ra nỗi này.

 

Nó chẳng cần phải mỉm cười. Nó ra đi chẳng tính toán. Năn nỉ để ai đó thuê nó đánh giày. Tối về ngồi đếm mấy đồng bạc lẻ, như cả gia tài. Vì thế nó cẩn thận dấu kỹ rồi lăn ra ngủ. Không, nó cũng có những trò chơi của trẻ con. Vì nó đáng được hưởng những quyền của trẻ em có. Thế là nó chẳng biết mệt nhọc thế nào, nhưng với chân không lao nhanh ra sân đá banh với bọn trẻ ăn mặc chỉnh tề như cầu thủ nhí. Nó như quên hết những vất vả, mệt nhọc trên vai, sống chan hòa với bọn trẻ. Tan trận, bọn trẻ có ba mẹ đón về để lại nó một mình lặng lẽ cô đơn. Nó rất hồn nhiên, ngây thơ, thấy bọn trẻ uống nước, ăn yogurt, vinamilk, nước ép, nó cũng thèm nên đứng chờ bạn uống xong xin một hớp. Bọn trẻ với nhau thì dễ thương lắm. Chúng chẳng ngần ngại đưa bạn tu chung. Nhưng ba mẹ chúng thì la to, “ấy!” Nhưng muộn rồi. Nó cũng đã tu một hơi xong, mát lạnh, khỏe re. Khuôn mặt nó vẫn lộ lên vẻ buồn sau tiếng la thất thanh “ấy!”, và nó đủ hiểu ngôn ngữ đằng sau ấy ghê gớm như thế nào. Chắc nó cũng có lòng tự trọn nên những ngày sau, khi nghỉ ngơi, các bạn tụ tập uống nước mát thì nó lại ngồi phệt xuống đất lấy tăm khẩy đất. Một đứa bạn thấy vậy đưa cho nó một hộp sữa nhưng nó từ chối mà chẳng biết cám ơn. Bởi vì có ai dạy nó khi người khác cho mình không lấy thì cũng cám ơn đâu. Nó chỉ biết cám ơn mỗi khi đánh giày xong, chủ đôi giày thúi đưa nó 3000 thì nó lễ phép cúi đầu cám ơn thôi.

 

Nó có mỉm cười không? Không, mọi người ra về là lòng nó trơ trẽn, trống rống, lủi thủi về lại chốn cũ tìm một nơi ngả lưng. Cuộc đời nó là thế. Tôi lại mỉm cười khi đến bên nó, hỏi nó, lắng nghe nó nói. Nước mắt tôi lại rơi. Những giọt nước nóng cuộn tròn lăn trên má tôi làm nó ngạc nhiên. Tôi cố tránh, gạt nước mắt mỉm cười cho nó vui. Hạnh phúc là thế. Được chia sẻ, cảm thông với người đau khổ. Những giọt nước mắt không lời nhưng nói hết tâm tư của tôi, gợi lên bao kỉ niệm đau buồn trong cuộc sống. Giờ đổi đời thì tôi lại hạnh phúc được như nó. Nó mà biết chắc tưởng tôi khùng. Cuộc đời cứ lăn qua lộn lại trong vui buồn làm cho tôi lẫn lộn giữa mỉm cười trong hạnh phúc lẫn mỉm cười trong đau thương. Tôi đã cùng nó, mỉm cười dắt tay nhau vào đời. 

1199    08-06-2017