Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Một đồng tiền địa phương cho người nghèo ở một khu phố Québec, Canada

 

Ở Québec, Canada, ba nữ sinh viên có sáng kiến đưa ra một đồng tiền địa phương để làm dễ dàng việc quyên tiền cho những người ở trong tình trạng bấp bênh.
Một đồng tiền để giúp những người túng thiếu nhất
Đó là chương trình của ba cô sinh viên Victoria Thân, Jessy Robichaud, và Alexia Alauxrois ở Saint-Roch, một khu phố thời trang của thành phố Québec, Canada. Ba cô là thành viên của nhóm Enactus của trường Đại học Laval, Québec. Cô Jessy giải thích: “Tôi ở khu phố này. Khi đi bộ ở đây tôi thấy có nhiều người thiếu thốn sống trong khu vực này, nhưng họ bị thành kiến.” 
Xuất phát từ ý tưởng khi các cô thấy có người do dự khi cho những người sống ngoài đường, họ sợ những người này dùng tiền mua thuốc lá, mua rượu, mua vé số. Đồng tiền địa phương này được khai trương vào cuối tháng 3, mục đích là với đồng tiền này, ân nhân sẽ tặng tiền mà không sợ, nhưng cũng không phương hại đến sự tự lập của những người có hoàn cảnh bấp bênh.
Sau một loạt gặp gỡ với các cơ quan, với những người sống trong hoàn cảnh bấp bênh, các cô thấy đồng tiền địa phương sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Những ai muốn tặng tiền cho người nghèo, họ có thể mua các đồng tiền này trong các tiệm tham dự vào chương trình, sau đó họ dùng đồng tiền này để cho người nghèo.
Không rượu, không thuốc lá, không vé số
Có 1.000 đồng tiền “Tương trợ, Entrai-dons” (tên đồng tiền) có trị giá 1$ đang lưu hành, và họ có thể tiêu ở ba tiệm tham dự vào chương trình: siêu thị Intermarché, nhà thuốc Brunet và cơ quan Lauberivière, một cơ quan giúp bữa ăn và chỗ ở. Các người nhận đồng tiền có thể mua các nhu yếu phẩm ở đây. Các tiệm khác sẽ tham dự vào chương trình này, đã có một tiệm cắt tóc vào danh sách. Ở siêu thị Intermarché họ chỉ được mua nhu yếu phẩm, không rượu, không thuốc lá, không vé số. Ở cơ quan Lauberivière, họ có thể có một bữa ăn, một chỗ ngủ, nhưng ông giám đốc Éric Boulay cho biết, cơ quan của ông cung cấp dịch vụ miễn phí nhưng thường những người đến đây họ muốn đóng góp dù họ không có đủ phương tiện tài chánh. Theo ông Boulay, đây là cách họ tôn trọng nhân phẩm của mình.
Bà Julie sống trong hoàn cảnh bấp bênh cho biết: “Người qua đường nhìn chúng tôi như thử chúng tôi không là gì. Khi mình sống bên lề, khi mình sống bấp bênh, người dân sợ. Làm cách này người dân tìm hiểu chúng tôi hơn, làm quen với chúng tôi hơn”.
Bà Julie không giấu hoàn cảnh của mình: “Đôi khi rượu nằm trong danh sách mua nhu yếu phẩm của chúng tôi. Khi mình sống bên lề, mình bị thành kiến, bị nhìn thì chắc chắn rượu là tốt cho mình…”
Dĩ nhiên chương trình này không ngăn những ai vẫn thích cho tiền như trước, nó chỉ đơn giản giúp thêm cách cho.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
521    04-04-2019