Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Một nhà truyền giáo Ý bị bỏ quên ở Nhật

 

Tôi ở đó như mọi người, và khi các tình cờ của nghề báo làm tôi linh tính thấy thiếu một móc xích nào đó, móc xích này không có ở một quyển sách nào. Tôi gặp nữ văn sĩ Tomoko Furui trên hòn đảo nhỏ xíu Yakushima của bà, một vùng núi nhỏ khuất trong biển Thái Bình Dương vô tận, chỉ cách hai giờ đi tàu ở miền nam Kagoshima.

Bị hút hồn bởi một bức ảnh cho thấy cảnh quan kỳ diệu của hòn đảo miền nhiệt đới này, bà từ giã San Francisco và đến đây ở đã 24 năm. Chúng tôi quen biết nhau trên mạng. Tomoko chờ tôi ở bến tàu Miyanoura, nơi ngày mai tôi sẽ đi xem một cái cây đặc biệt. Khi tôi đang còn kéo chiếc vali của tôi thì bà đã đem các thứ còn lại của tôi đến trung tâm văn hóa nhỏ của làng.

Trong một khung kính, người ta đang trưng một cái đầu bằng nhựa được một phòng thí nghiệm ở Tokyo làm bằng kỹ thuật 3D. Và một trưng bày khác của công ty Mitsubishi là ba bộ xương được khai quật ở nơi ngày xưa là nhà tù đặc biệt dành cho các nhà truyền giáo, các phản anh hùng của cuốn phim Thinh lặng, Silence của nhà đạo diễn Scorsese. Nhờ các tài liệu trong thư khố của cảnh sát và việc nghiên cứu các bộ xương, vì thế có thể nói đây là các phần còn lại có từ đầu thế kỷ 18 và tài liệu cho biết, hai trong số bộ xương này là của người Nhật và bộ xương kia là của người phương Tây. Bà Tomoko nói với tôi, đây là “nhà truyền giáo cuối cùng”, có thể là linh mục Giovanni Battista Sidotti người Ý sinh năm 1688 ở Palermo, bà vừa viết một quyển sách về ngài. Làm thế nào? Như thế có một nhà truyền giáo cuối cùng, sau nhà truyền giáo cuối cùng được kể trong cuốn phim Thinh lặng? Một nhà truyền giáo bị bỏ quên? Và chúng ta có thể tìm thấy dấu vết của linh mục này tại nơi mà cuốn phim Thinh lặng kết thúc trong nhà tù Tokyo này? Và người ta đã nhận diện ngài như trong bộ phim truyền hình nhờ kỹ thuật của cảnh sát khoa học? Bà Tomoko trả lời: “Đúng. Việc phân tích xương chày cho phép tính toán được kích thước của cơ thể và so sánh với kích thước có trong tài liệu thời đó khi linh mục Sidotti bị bắt và bị ra tòa. Nghiên cứu ADN xác nhận đương sự là người gốc miền nam nước Ý. Điều này thì không còn gì nghi ngờ.”

Như thế có một nhà truyền giáo cuối cùng, sau nhà truyền giáo cuối cùng được kể trong cuốn phim Thinh lặng? Một nhà truyền giáo bị bỏ quên?

Tomoko đưa tôi đến bờ biển hiểm trở nếu không muốn nói là rách nát ở mũi Yamanose. “Chính nơi đó!”, bà đưa tay chỉ tảng đá nhọn dưới vực. Chính đó, một đêm trăng tròn ngày 11 tháng 10 năm 1708, linh mục Giovanni Battista Sidotti cập bến, thực hiện điều mà ngài cho là giấc mơ đời mình. Nói đúng ra thuyền trưởng của con tàu có thể lầm một chút. Ông nhắm hòn đảo nhỏ bên cạnh, phẳng hơn, hòn đảo có bảy thủy thủ Bồ Đào Nha đầu tiên đến một thế kỷ rưỡi trước đó. Thật khó hình dung một người Ý vùng Sicile không có kinh nghiệm, rời châu Âu thời Khai sáng, vượt đại dương để đến hòn đảo san hô hoang vắng nhỏ nhất của một vương quốc khép kín, trong khi châu Âu của vua Lu-i XIV đang chiến tranh kế vị Tây Ban Nha và cuộc cãi vã Jansenist vừa kết thúc. Thật khó tưởng tượng nhà thám hiểm ở Phi Luật Tân, nơi ngài học những điều cơ bản của nước Nhật và thuyết phục một thuyền trưởng đưa mình đến các hòn đảo Nhật nhập cảnh lậu. Cuối cùng cũng thật khó hiểu, tám năm trước đó, người thanh niên tài giỏi có tương lai hứa hẹn ở Rôma lại có thể thuyết phục được giáo hoàng Clément XI để mình đi Nhật, đi là cầm chắc cái chết trong tay, đi với hoài bảo một mình mình tái lập Giáo hội ở đó. 

Tất cả như vậy là vì như vậy sao?

Chúng ta đang ở xa Rôma, dù sao vào đầu mùa thu này người đắm tàu Pidotti cải trang thành người Nhật để làm cho mình đáng tin – có đáng tin thật không? Trèo lên vách đá với bàn tay trần và cuối cùng gặp một nông dân, dĩ nhiên là hai bên không hiểu gì nhau. Nhanh chóng, tin tức có người nước ngoài xuất hiện đến tai các nhà cầm quyền cao nhất. Sidotti bị bắt và bị cô lập. Người gián điệp này có sắp đào thoát đây không? Để biết chắc chắn, tù nhân này phải khai và muốn ông khai thì phải để ông sống. Bà Tomoko Furui ước tính có một đoàn hộ tống khổng lồ, hai bác sĩ, hai người làm bếp, một người thông dịch, tất cả là 70 đến 80 người đưa nhà truyền giáo đi từ cảng này qua cảng kia, từ thành phố này đến thành phố khác để cuối cùng về thủ đô. Với người mà họ biết chắc là sẽ bị lên án tử hình, phải làm mọi cách để ông không đào thoát, không bị bệnh, không bị đắm tàu.

Hơn một năm trôi qua trước khi Sidotti đến được Tokyo, ông bị giam ở nhà tù của các tín hữu kitô, bị thẩm vấn, nhà tù này là nơi ba thế kỷ sau thi thể của linh mục được tìm thấy. Trong khi đó người Nhật, qua trung gian người Hà Lan, nhờ các tàu buôn tiến hành cuộc điều tra quốc tế đến tận Xiêm và Phi Luật Tân để biết người này là ai? Ông muốn gì? Thật là khó hiểu, có vẻ như chẳng có một chương trình đào ngục nào được chuẩn bị từ châu Âu công giáo. Để giải quyết điều khó hiểu này, một tướng quân chỉ định một trong các nhà bác học ở triều đình, một học giả Nho giáo, tác giả của 300 quyển sách, bài viết và công trình học thuật trong các lãnh vực từ địa lý đến kinh tế, từ tôn giáo đến thơ ca lo vụ này.

Ngày 22 tháng 12 năm 1709, ba ngày trước ngày lễ Giáng Sinh, Giovanni Battista Sidotti và Arai Hakuseki gặp nhau. Người cố vấn của tướng quân và nhà truyền giáo bị cầm tù trao đổi với nhau, họ đề cập đến tất cả lãnh vực kiến thức thời đó. Họ có được một sự đồng tình trí tuệ và bà Tomoko Furui nghĩ rằng, thậm chí họ còn có cảm tình với nhau. Từ các trao đổi của họ, người Nhật viết nhiều bài viết: ba tập về các Thông tin về Tây phương vẫn chưa được công bố vì có mô tả chi tiết về đức tin kitô mà thời đó bị cấm và Địa lý thế giới phản ánh kiến thức đương thờiù. Sidotti tránh được án tử hình nhưng bị kết án tù chung thân. Nhưng ngày 27 tháng 11 năm 1714, linh mục chết trong tù vì đã làm cho một cặp vợ chồng trở lại, họ có nhiệm vụ canh giữ linh mục. Hai bộ xương người Nhật tìm thấy ở đây có thể là hai bộ xương của những người này. Sứ mạng của Sidotti hoàn toàn thất bại, một sự hy sinh vô nghĩa. Tất cả như vậy là vì như vậy sao?

Công giáo và thiền minh triết

Trên đảo Yakushima, phía trên nơi Sidotti cập bến, một linh mục Ý, ngày nay đã qua đời, đã xây một nhà nguyện nhỏ. Tôi tìm thấy ở đây một trong năm người công giáo, một người đặc biệt. Ông nói với tôi: “Cha tôi theo Thần đạo nhưng tôi luôn phản đối cha tôi, năm 1968 tôi 16 tuổi. Khi còn nhỏ tôi muốn là thánh. Năm 15 tuổi tôi rửa tội. Năm 18 tuổi tôi thay đổi, tôi là người hippie. Nhưng khi tôi không làm giáo sư khoa học nữa, tôi đến đây ở. Tôi trở lại đạo kitô theo cách của tôi, tôi cứ tự hỏi, tôi có tồn tại không và tại sao. Còn ở đây, trong ngôi nhà nguyện này, tôi biết tôi tồn tại. Tôi ngồi thiền. Tôi lắng nghe, tôi cảm nhận, như bông hoa nở ra. Tôi yêu Đức Mẹ. Ông nhìn trên cao, trên núi, ngay chỗ Sidotti đến, tảng đá có hình dạng của bức tượng Pietà.” Người công giáo kỳ lạ này nói thêm, bí ẩn như nhà hiền triết: “Chúa Kitô nói với tôi: con không phải là con.” Là mình hay không là mình. Có phải đó luôn là câu hỏi đặc trưng của truyền giáo không? Tôi nghĩ đến điều mà linh mục Emmanuel Poppon nói với tôi vài ngày trước đây ở Kobe. “Khi mình là người cực kỳ thiểu số thì mình phải bỏ hết mọi quan điểm của mình. Bỏ thực tế của mình. Chấp nhận quan điểm của người khác, nghe mà không phán xét, điều khó khăn, nhất là trong một văn hóa như văn hóa nước Nhật, rất nhạy cảm với phán xét của người khác. Nếu mình im lặng là để người kia nói và khám phá đâu là Tin Mừng cho họ.”

Linh mục Emmanuel Poppon nói thêm: “Khi chúng tôi đến, chúng tôi sốt ruột, chúng tôi muốn làm một cái gì, mình ở trong chính điều mình mong muốn thể hiện và mình đụng phải bí ẩn của người khác, với ước muốn riêng của họ, với tiến trình của họ, với tự do của họ”. Bí ẩn của người khác… Thời buổi đã thay đổi, nhưng các nhà truyền giáo luôn gặp vấn đề này. 

Anh hùng bất đắc dĩ

Nhà báo, nhà văn, nhà điều tra có phương pháp, bà Tomoko Furui đưa chúng ta đến châu Á và không để chúng ta ra đi. Từ Ý thời giáo hoàng Clément XI đến nước Nhật của những người Tokugawa, độc giả đi theo bước chân của nhà truyền giáo Giovanni Battista Sidotti với một sự chính xác lạ lùng nhờ các tài liệu phong phú của thư khố. Còn hơn cả tiểu thuyết phiêu lưu, đây chính là cuộc phiêu lưu, thật sự phiêu lưu được kể qua ngòi viết tài năng! Bà Tomoko Furui cho chúng ta một quyển sách tuyệt vời.

Nhà truyền giáo cuối cùng, Le Dernier Missionnaire, Tomoko Furui, nxb. Salvator.

Marta An Nguyễn dịch

718    01-11-2019