Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Một thượng hội đồng để cứu Amazon và Giáo hội (1/3)

 

Thượng hội đồng về Amazon sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 6 đến 27 tháng 10 – 2019. Hơn 200 giám mục trong khu vực sẽ thảo luận về số phận của một Giáo hội công giáo đang suy tàn ở một vùng có nguy cơ hủy diệt không thể đảo ngược lại được. Các sợ hãi do các chính trị gia và cánh bảo thủ của Giáo hội gây ra, các cuộc thảo luận này có thể là giây phút quyết định của lịch sử Giáo hội.

Đó là lần họp cuối cùng của “những người Ba Tây” trước Thượng Hội đồng từ ngày 28 đến 31 tháng 8 năm 2019 trong một tu viện ở Belém, thuộc bang Para, Ba Tây. Ở trung tâm của vùng Amazon Ba Tây, gần sáu mươi giám mục, các linh mục, nữ tu, giáo dân đã họp để xem lại một lần cuối Tài liệu Làm việc (Instrumentum laboris), tài liệu là cơ sở suy luận cho lần họp các giám mục sắp tới ở Rôma. Mọi người tươi cười trong bức ảnh chụp cuối buổi họp. Nhưng các buổi họp khoáng đại và các nhóm nhỏ rất nghiêm túc và lo lắng cho vùng Amazon đang bị ngọn lửa tàn phá.

Trong cuộc họp cuối này, các giám mục tuyên bố: “Chúng tôi tìm mọi cách để bảo vệ vùng Amazon, chúng tôi đòi hỏi các chính quyền phải có biện pháp khẩn cấp đứng trước sự tàn phá thiên nhiên một cách dữ dội và phi lý, sự phá hủy vô đạo đức, giết hệ động thực vật có hàng ngàn năm tuổi qua các vụ cháy rừng tạo ra do tội ác cố tình.” Và các giám mục kết luận: “Chúng tôi, các giám mục vùng Amazon, chúng tôi xem thượng hội đồng sắp tới này là giây phút quan trọng cho lịch sử chúng tôi.”

“Một thử nghiệm quyết định cho Giáo hội”

Với chủ đề “Amazon: các con đường mới cho Giáo hội và cho sinh thái toàn diện”, Thượng Hội đồng sẽ họp ở Vatican từ ngày 6 đến 27 tháng 10 gồm hơn 200 giám mục đến từ chín nước, Ba Tây, Bô-li-vi-a, Cô-lông-bi, Ê-cu-a-đo, Guyana, Pêru, Suriname, Venezuela và Guyana thuộc Pháp. Như Đức Phanxicô mong ước, vì theo ngài “Amazon là một thử nghiệm cho Giáo hội”, thượng hội đồng tìm cách đưa ra khuôn mặt của một Giáo hội “can đảm trong việc loan báo Tin Mừng, bảo vệ Tạo Dựng và các dân tộc bản địa”, như Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục công bố.

 

Hơn bốn năm sau khi công bố Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô nói về chủ đề “cứu căn nhà chung”, thượng hội đồng can thiệp khi các đe dọa trầm trọng đang đè nặng trên lãnh thổ 5,5 triệu cây số vuông, đây là một trong các vùng sinh thái đa dạng của hành tinh và chứa 20% nguồn nước ngọt không bị đóng băng, sự đe dọa chưa bao giờ nặng như thế. Vì thế, cháy rừng, phá rừng, khai thác quặng mỏ, xây dựng các đập thủy điện, không tôn trọng quyền của người dân bản địa… “lá phổi của hành tinh” không tránh được gì trong các vấn đề trên. 

“Cần những con đường mới”

Ngoài sự cần thiết phải bảo vệ “Căn nhà chung” và người dân bản địa sống ở đây, thượng hội đồng cũng sẽ đưa ra các giải pháp để nâng đỡ Giáo hội công giáo Amazon vừa thiếu linh mục và nữ tu, vừa mỗi ngày mỗi mất tín hữu vào tay của vô số các Giáo hội tin lành. Trong bối cảnh này, mục đích tiến đến được Đức Hồng y Claudio Hummes nhấn mạnh: “Chúng ta rất cần các con đường mới, để không sợ cái mới lạ, để không ngăn chặn và cự lại nó”, hồng y Hummes là người Ba Tây, chủ tịch Mạng lưới Giáo hội liên vùng Amazon (Repam) và là Tổng báo cáo viên của thượng hội đồng.

Những lời của Đức Hồng y Claudio Hummes dựa trên Tài liệu Làm việc được công bố ngày 17 tháng 6 năm 2019. Tài liệu này là kết quả của cuộc tham vấn rộng rãi ở vùng Amazon và được nói rõ trong ba phần: “tiếng nói của Amazon”, “tiếng kêu của đất đai và người nghèo” và “Giáo hội sứ ngôn ở Amazon: các thách thức và hy vọng”. Phần đầu của tài liệu trình bày tất cả sự phong phú của vùng Amazon và nhắc lại đời sống của khu vực này bị đe dọa đến như thế nào. Trong phần thứ nhì, suy tư phát triển chung quanh khái niệm sinh thái toàn diện, chủ đề trọng tâm Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô. Trong phần thứ ba, các giám mục được mời gọi suy nghĩ về các con đường mới để thiết lập một Giáo hội với căn tính của vùng Amazon theo như Đức Phanxicô mong ước.

Viri probati, những người đàn ông đức hạnh ở trọng tâm cuộc thảo luận

Về điểm cuối cùng, vấn đề viri probati, thụ phong linh mục cho “các ông đã lập gia đình và có đức hạnh” chắc chắn là vấn đề nhạy cảm nhất. Dựa trên các kết luận của Tài liệu Làm việc và đứng trước nạn linh mục và nữ tu càng ngày càng thiếu trầm trọng, Giáo hội thực sự có thể quyết định “tiến hành phong chức linh mục cho những người lớn tuổi, nhất là các thổ dân được tôn trọng và công nhận trong cộng đoàn của họ, dù họ đã có gia đình, trong mục đích họ có thể cử hành các bí tích của đời sống kitô.” Khi đó họ có thể thực hiện sứ vụ ở các vùng xa xuôi hẻo lánh, các vùng đất cô lập xa các cộng đoàn. Theo Tài liệu Làm việc, điều này rất quan trọng vì chúng ta “đi từ một Giáo hội thăm viếng” qua một “Giáo hội ở gần các cộng đoàn.”

Đức Giám mục Erwin Kräutler trước các thiệt hại của nạn phá rừng | © Jean-Claude Gerez

Trong công thức “phong chức cho các ông đã có vợ”, Đức Giám mục Erwin Krẵtler mong muốn phong chức cho “các ông đã kết hôn.” Sau hơn 35 năm đứng đầu giáo phận lớn nhất vùng Amazon (370’000 cây số vuông), bây giờ ngài là giám mục danh dự Altamira, thuộc Bang Para, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm chuẩn bị cho thượng hội đồng. Ngài là cựu chủ tịch Hội đồng Bản địa Truyền giáo (Cimi) từ năm 2006 đến năm 2015, ngài cho biết “nhiều phụ nữ đã lập gia đình chủ trì các cộng đoàn công giáo bản địa trong giáo phận. Các phụ nữ này không những cử hành phụng vụ Lời Chúa vào ngày chúa nhật, họ còn rửa tội, chuẩn bị cho tân tòng chịu phép rửa tội và rước lễ, thăm viếng người bệnh.” Do đó ngài chất vấn “vì sao không thể phong chức cho các phụ nữ này? Và không chỉ trong trường hợp vì không có linh mục hay không có các ông đã lập gia đình được phong chức.” 

Một thượng hội đồng “lạc giáo?”

Các quan điểm như vậy không phải là không bị cánh bảo thủ nhất của Giáo hội trên thế giới chỉ trích. Các tấn công mạnh mẽ nhất, đặc biệt là khả thể các ông đã lập gia đình được chịu chức đến từ các hồng y Đức Gerhard Muller và Walter Brandmüller. Trong một bài viết ngày 27 tháng 6 năm 2019 của ông Sandro Magister, người Ý viết blog cánh hữu n thì hai hồng y này đã tuyên bố “chương trình nghị sự của Thượng hội đồng về Amazon là lạc giáo.” Hồng y Brandmüller còn khẳng định, chương trình nghị sự này “đi ngược với giáo huấn bắt buộc của Giáo hội về các điểm quyết định”. Còn hồng y Müller thì đồng ý với hồng y Brandmüller, cho rằng tài liệu này “vô cùng tối nghĩa”. Trong quyển sách xuất bản gần đây “Các cuộc gặp ở Rôma” (Rencontres Romaines) của mình, hồng y Müller tố cáo Đức Phanxicô muốn giải thể Giáo hội. “Sự thế tục hóa Giáo hội theo mô hình tin lành không phải là bước đầu của quy trình hiện đại hóa, nhưng là bước cuối cùng của sự tự hủy”.

Các bất đồng này không gây bất ngờ cho ông Rodrigo Coppe Caldeira giáo sư Khoa học tôn giáo và sử gia ở Đại học Belo Horizonte, miền trung Ba Tây. Giáo sư đánh giá: “Giáo hội công giáo Châu Mỹ La Tinh cũng như toàn cầu sẽ trải qua thời điểm chưa từng có của mình trong lịch sử. Trên thực tế, các chỉ trích chung quanh thượng hội đồng chỉ là một chương mới trong xung đột đã bắt đầu khi bầu Đức Bergoglio làm giáo hoàng”. Theo ông, thực sự có hai luồng đấu tranh, cả hai luồng là thừa kế của Công đồng Vatican II. “Luồng đầu tiên đồng ý với các quan điểm của Đức Phanxicô, người được xem là thừa kế hợp pháp của Công đồng. Ngài tìm cách đưa Giáo hội đến các viễn cảnh mới như phong chức các ông đã lập gia đình hay mở ra chức phó tế cho phụ nữ”. Ngược lại, luồng thứ nhì “cự lại với triều giáo hoàng của ngài, xem Thượng Hội đồng như một cố gắng làm thay đổi sâu đậm Giáo hội”.

Thượng hội đồng bị theo dõi

Các chỉ trích về thượng hội đồng cũng đến từ bên ngoài Giáo hội. Các chỉ trích hung hăng nhất là từ tổng thống Ba Tây Jair Bolsonaro, người vừa lên nắm chính quyền vào tháng 1 năm 2019. 60% vùng Amazon là ở Ba Tây, Tổng thống đương nhiệm là người cực hữu, nổi tiếng hoài nghi về khí hậu và được chiến dịch vận động hành lang kinh doanh nông nghiệp ủng hộ mạnh trong việc đưa ông lên nắm chính quyền, ông xem các chủ đề Giáo hội công giáo bàn đến như thay đổi khí hậu, phá rừng, tình trạng các sắc dân bản địa là thuộc “cánh tả.” Tuy nhiên các chỉ trích từ Vatican là đáng sợ. Đến mức tổng thống đã không ngần ngại cho các nhân viên Cơ quan Tình báo Ba Tây (Abin) theo dõi một số các cuộc họp chuẩn bị thượng hội đồng như ông đã công nhận vào ngày 31 tháng 8 trước một nhóm nhà báo. Biện minh cho quyết định của mình, ông xác nhận: “Có rất nhiều ảnh hưởng chính trị trong tiến trình này của Giáo hội”.

 

Trong khi các vụ cháy rừng bị cộng đồng quốc tế lên án, đàng sau hậu trường chính quyền cố gắng xoa dịu các hệ quả của thượng hội đồng tương lai. Ông Henrique da Silveira Pinto, tân đại sứ Ba Tây tại Vatican đã nhận được hướng dẫn, để thảo luận với các đại diện của Tòa Thánh về các quan ngại của chính quyền Ba Tây về nội dung các cuộc thảo luận của thượng hội đồng. Về phần mình, đại tướng Augusto Heleno, Bộ trưởng bộ An ninh Nội vụ hy vọng các cuộc họp của các giám mục ở Rôma “chỉ giới hạn thảo luận trong các vấn đề tôn giáo”.

Một “phản-thượng hội đồng”

Các nghị sĩ bảo thủ Ba Tây, liên kết với Giáo hội công giáo, cũng được huy động để chống thượng hội đồng. Họ lặp lại các lập luận của chính quyền Bolsonaro nhất là về một cuộc tấn công được cho là nhắm vào chủ quyền của của Amazon vùng Ba Tây, các nghị sĩ quyết định tổ chức tại Rôma vào ngày 4 và 5 tháng 10 một cuộc gặp để chống cách mà Vatican sẽ có thể đề cập đến vấn đề môi trường. Đặc biệt họ từ chối “các chính sách môi trường sẽ làm mất đi sự phát triển cho người dân vùng Amazon”.

Sự “phản-thượng hội đồng” này có vẻ không làm cho thứ bậc công giáo nao núng. Mặt khác Đức Hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng đã chuẩn bị tinh thần cho các lời chỉ trích. Ngài tin tưởng: “Chúng tôi biết Thượng hội đồng về Amazon sẽ tạo ra các phản ứng gay gắt. Nhưng vấn đề quá quan trọng để chúng tôi phải thoái thác”. Về phần mình, Đức Hồng y Claudio Hummes nói với nhật báo Ý Avvenire trong cuộc họp tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng 3 năm 2019 tại Đại học Georgestown ở Washington: “Amazon là mối quan tâm của tất cả mọi người. Chính tại đây tương lai của hành tinh và của nhân loại bị đe dọa. Vì nếu không có Amazon, thế giới sẽ không sống còn”. 

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

305    17-09-2019