Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Mùa Xuân yêu thương

muaxuanyeuthuong
Trong một thời gian ngắn, chỉ khoảng không đầy 2 tháng mà trên quê hương đất nước chúng ta diễn ra hai ngày lễ hội lớn. Thứ nhất là Lễ Giáng Sinh, ngày nay Lễ Giáng Sinh không chỉ đơn thuần chỉ là của người Công Giáo mà còn là của cả tất cả mọi người, đó là ngày đại lễ của công chúng, không phân biệt tôn giáo. Có thể nói Lễ Giáng Sinh là ngày mừng kỷ niệm Thiên Chúa xuống trần gian để mang đến cho nhân loại sự bình an, tình yêu thương thì Tết Cổ truyền sẽ là dịp để mọi người mang lại cho nhau niềm vui, bình an và tình yêu thương.

Đón Tết cổ truyền, mọi căn nhà sẽ được sửa sang sạch sẽ, trang hoàng, trưng bày hoa trên bàn thờ Chúa cũng như ông bà tổ tiên, bên cạnh đó là cờ sao giăng mắc đầy trên đường phố từ nông thôn cho đến thị thành… rồi âm thanh tiếng nhạc xuân xập xình đó đây. Trong những bài hát dùng trong các ngày tết, người ta không thể không chú ý đến bài “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao, trong đó có lời ca như sau:

“Ôi! Giờ phút trong tay anh đầu tiên, một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người.
Từ đây người biết thương người.
Từ đây người biết yêu người.
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về…”

Tất nhiên, trước đây không phải là Mùa Xuân về không có tình yêu thương, nhưng có lẽ dưới thời đô hộ và phong kiến, thì tình người không được coi trọng, hay phát huy và đề cao được như ngày nay. Vì thế, vào mùa Xuân đầu tiên của nền tự do, con người ta biết đem đến cho nhau niềm vui và bình an nhiều hơn, người ta thương yêu nhau hơn vì ý thức rằng mình cùng chung một cái nôi Tổ Quốc Việt Nam, cùng một màu da! Người ta không thể không thương yêu nhau vì cùng là người Việt Nam và khi Xuân về người ta sẽ dành tặng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, những cái bắt tay thân thiện.

Ngoài lời chúc mừng ra. Mùa xuân còn được thể hiện qua chén trà, mâm cơm, ly rượu mà ẩn chứa bên trong là tình mến khách, sự thắt chặt tình anh em họ hàng cốt nhục hay quan hệ khu xóm thêm đậm đà!

Xuân về, mọi người trong họ hàng hay khu xóm dành thời gian để đi đến nhà nhau  thăm hỏi, chúc tết…

Trong đời sống đạo, có một nét đẹp văn hoá đã được hình thành từ lâu đời: là mọi thành viên trong giáo xứ kẻ ít người nhiều tùy theo khả năng họ đều có quà để thể hiện tấm lòng kính trọng và yêu thương cha sở, thầy giúp xứ kèm theo là những lời chúc tốt đẹp và yêu mến nhất, thường thì vào tối hôm Lễ Tất niên đón giao thừa, đại diện các đoàn thể cùng quây quần trong nhà xứ để chúc tuổi quý cha và Ban hành giáo (Hội đồng Mục Vụ). Có nơi giáo dân còn dùng lời thơ để chúc tuổi quý cha!

Sau đó, cha sở đáp từ “ôn cố tri tân” với những việc tốt đẹp đã thực hiện được trong năm đã qua, và những điều chưa làm được và nhắn nhủ con chiên những điều cần thực hiện trong năm mới. Sau cùng cha ban phép lành cuối năm…

Sáng ngày Mùng Một Tết, trong Thánh lễ Tân niên, vị đại diện Hội đồng Mục vụ sẽ chính thức thay mặt hết thẩy giáo dân chúc tuổi cha sở (và quý cha phó, quý thầy nếu có). Đáp lại những thịnh tình đó của giáo dân, cha sở cũng sẽ đi chúc tuổi từng nhà trong giáo xứ, trao lộc Thánh Mừng Xuân và đôi khi cũng có những phần quà, nhưng đặc biệt không thể thiếu quà giúp đỡ các gia đình neo đơn, cơ nhỡ, ốm đau.

Mùa xuân là lúc chúng ta thể hiện tình người một cách cụ thể nhất trong lời nói và trong hành động, đặc biệt là giúp đỡ những mảnh đời đau yếu, khó khăn, thiết nghĩ chúng ta sẽ được hưởng một Mùa Xuân trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa khi chúng ta thực hành được ý Chúa là yêu thương và sẻ chia.

 

Tác giả: Đaminh Trần Văn Chính

(Bài viết được gởi về BBT WGPVL)

295    06-01-2024