Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Mục vụ tháng 12/2018

Kính gửi:  Quý Cha

                Quý Tu sĩ nam nữ

                Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v THỦY CHUNG SUỐT ĐỜI

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ có mười hai đề tài của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Giáo Phận Vĩnh Long, trong gợi ý mục vụ lần XII, sẽ nói về Thủy chung suốt đời trong đời sống hôn nhân.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1647 nói về nguồn gốc sự chung thủy: “Động lực sâu xa nhất của sự chung thủy căn cứ trên sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Ngài, sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn Phối, đôi phối ngẫu được ban ơn để thể hiện và làm chứng cho sự chung thủy đó. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân đón nhận một ý nghĩa mới mẻ và sâu xa hơn”.

Trong bí tích Hôn Phối, trước mặt Hội Thánh, vị Linh mục sẽ chất vấn về sự tự do ưng thuận và sự chung thủy và đôi tân hôn hứa sẽ giữ sự chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan….mọi ngày suốt cả cuộc đời. Lời hứa chung thủy nầy được nói lên trong ngày chịu phép Hôn Phối. Đôi tân hôn cam kết sống trách nhiệm với nhau.

Sự chung thủy được xây dựng trong đối thoại và do đó, sự chung thủy cũng có thể giúp người bạn trở thành tốt hơn và không nhất thiết người bạn phải theo những ý kiến cố định, tham vọng cá nhân: gia đình không thể là một trạm quá cảnh, nơi người ta chỉ chạy đến khi cần (xem NVTY 34). Cho nên, có những điểm cần phải loại trừ “Trong bối cảnh đó, lí tưởng hôn nhân, vốn là một sự dấn thân trọn vẹn và bền vững suốt đời, rốt cuộc sẽ bị tiêu tan bởi những sở thích tùy hứng hoặc bởi những thói thất thường dựa trên cảm tính. Người ta sợ sự cô đơn, người ta ước muốn được sống trong một môi trường được che chở và chung thủy, nhưng đồng thời càng ngày người ta càng sợ bị vướng nhiều hơn vào mối quan hệ có thể cản trở việc thực hiện những khát vọng cá nhân của mình” (NVTY 34).

Sự chung thủy là nguồn gốc của sự tin tưởng lẫn nhau, sống chết với nhau suốt đời, nhưng cũng có thể có những điều bất ngờ xảy đến trong cuộc sống: những ưu điểm và những khuyết điểm của mỗi người phối ngẫu. Cho nên, muốn giữ sự chung thủy, thì vợ chồng phải biết tha thứ và hòa giải với nhau và noi gương Thánh gia Nadarét để vượt qua những nghịch cảnh: “Giao ước tình yêu và trung thành được Thánh Gia Nadarét thực hiện soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình, và giúp gia đình có thể đương đầu tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và của lịch sử. Trên nền tảng này, mỗi gia đình, dù trong yếu đuối, có thể trở thành một ánh sáng giữa đêm tối của thế giới…..” (Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét, 5.1.1964).

Dù thế nào đi nữa, tình yêu vẫn là mấu chốt, cột trụ trong hôn nhân. Có tự do ưng thuận và chung thủy hay không là cũng do tình yêu: “Bởi vì chúng ta không thể khuyến khích một cuộc hành trình của lòng trung thành và tự hiến cho nhau nếu không khích lệ sự lớn lên, sự củng cố và đào sâu tình yêu hôn nhân và gia đình. Thật vậy, ơn sủng của Bí tích Hôn Phối được nhắm trước hết là “để làm cho tình yêu của đôi bạn nên trọn hảo”” (NVTY 89).

Xin Chúa hướng dẫn và hỗ trợ những đôi vợ chồng thành tâm thiện ý sống sự chung thủy với nhau suốt đời trong bất cứ hoàn cảnh nào để họ được hạnh phúc đời nầy lẫn đời sau.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

 

Giám Mục Gp. Vĩnh Long

612    16-01-2019