Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Năm Thánh Giuse

NĂM THÁNH GIUSE

Trong một tông thư mới có tựa đề “Patris corde” (Với Tâm Hồn của một Người Cha), ĐGH Phanxicô diễn tả T. Giuse như một người cha yêu dấu, một người cha dịu dàng và đáng yêu, một người cha vâng phục, một người cha chấp nhận, một người cha can đảm cách sáng tạo, một người cha lao động, và một người cha trong bóng tối.

Tông thư này đánh dấu lần kỷ niệm thứ 150 khi Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Quan Thầy của Giáo Hội Hoàn Vũ. Để cử hành lần kỷ niệm này, ĐGH công bố “Năm Thánh Giuse,” bắt đầu từ ngày lễ Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội 2020 và kéo dài cho đến cùng ngày lễ này vào năm 2021.

Giáo Hội ban ơn toàn xá cho năm Thánh Giuse

Đức Thánh Cha viết tông thư Patris corde khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, mà người nói, nó giúp chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của những người “bình thường”, tuy không nổi tiếng, họ vẫn kiên nhẫn và hy vọng hàng ngày. Trong ý nghĩa này, họ giống như Thánh Giuse, “một người không ai biết, một sự hiện diện kín đáo và ẩn giấu,” tuy nhiên thánh nhân đã đóng “một vai trò không thể thay thế trong lịch sử cứu độ.”

Một người cha yêu dấu, dịu dàng, vâng phục

Thật vậy, Thánh Giuse “kín đáo bày tỏ tư cách làm cha” bằng cách hiến dâng chính mình trong tình yêu “một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia, người lớn lên trong mái nhà của thánh nhân,” ĐGH Phanxicô viết như thế khi trích dẫn vị tiền nhiệm là Thánh Phaolô VI.

Và bởi vì vai trò của người trong “buổi giao thời giữa Cựu và Tân Ước,” T. Giuse “luôn được tôn kính như một người cha bởi Kitô Hữu” (PC, 1). Trong người, “Đức Giêsu nhìn thấy một tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa,” mà nó giúp chúng ta chấp nhận những yếu đuối của chúng ta, bởi vì “qua đó” và bất kể “sự sợ hãi, sự mỏng dòn, và sự yếu đuối của chúng ta” mà hầu hết các hoạch định của Thiên Chúa được thực hiện. “Chỉ có tình yêu dịu dàng sẽ cứu chúng ta khỏi cạm bẫy của tên cám dỗ,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, và chính bởi sự gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa nhất là trong bí tích Hòa Giải mà chúng ta “cảm được chân lý và sự dịu dàng của Người,” – bởi vì “chúng ta biết rằng chân lý của Thiên Chúa không kết án chúng ta, nhưng chào đón, âu yếm, duy trì và tha thứ cho chúng ta” (2).

Thánh Giuse còn là một người cha vâng phục Thiên Chúa: với lời ‘xin vâng’ của người, thánh nhân đã bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu và dạy bảo Người hãy “thi hành thánh ý của Chúa Cha.” Được Thiên Chúa mời gọi để phục vụ sứ mệnh của Đức Giêsu, T. Giuse “hợp tác… trong mầu nhiệm Cứu Chuộc vĩ đại,” như T. Gioan Phaolô II nói, “và thực sự là một thừa tác viên của sự cứu độ” (3).

Chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa

Đồng thời, T. Giuse là “một người cha chấp nhận,” bởi vì người “đã chấp nhận Đức Maria vô điều kiện” – một nghĩa cử quan trọng ngay cả ngày nay, ĐGH Phanxicô nói, “trong thế giới chúng ta là nơi mà những bạo lực về tâm lý, lời nói và thể xác đối với phụ nữ thì quá hiển nhiên.” Nhưng Chàng Rể của Đức Maria cũng là người, nhờ tín thác vào Thiên Chúa, chấp nhận các biến cố trong cuộc đời mà người không hiểu, “đặt ý riêng của mình sang một bên” và tự cam chịu với những gì xảy ra trong đời mình.

Con đường tinh thần của T. Giuse “thì không phải để giải thích, nhưng để chấp nhận” – mà điều đó không có nghĩa người “từ bỏ.” Thay vào đó, người “can đảm và cương quyết,” bởi vì với “ơn dũng cảm chịu đựng của Chúa Thánh Thần,” và đầy hy vọng, người có thể “chấp nhận đời sống như thế, với mọi nghịch cảnh, chán nản và thất vọng.” Trên thực tế, qua T. Giuse, như thể Thiên Chúa lập lại với chúng ta: “Đừng sợ!” bởi vì “đức tin đem lại ý nghĩa cho mọi biến cố, dù vui hay buồn,” và giúp chúng ta ý thức rằng “Thiên Chúa có thể làm cho nở hoa trên nền đá.” T. Giuse “đã không tìm các lối tắt nhưng đối diện thực tại với đôi mắt rộng mở và chấp nhận trách nhiệm của mình về điều đó.” Vì lý do này, “người khích lệ chúng ta hãy chấp nhận và chào đón người khác dù như thế nào, không có ngoại lệ, và để cho thấy sự lưu tâm đặc biệt đến người yếu kém” (4).

Một người cha can đảm cách sáng tạo, gương mẫu của tình yêu

Tông Thư Patris corde đề cao “sự can đảm sáng tạo” của T. Giuse, mà nó “được thấy đặc biệt trong phương cách chúng ta đối phó với những khó khăn.” Đức Giáo Hoàng giải thích, “Người thợ mộc ở Nagiarét đã có thể biến đổi một khó khăn thành một cơ hội để tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.” Người đã phải đương đầu với “các khó khăn cụ thể”, Gia Đình của người đương đầu, các khó khăn đối diện bởi các gia đình khác trên thế giới, và nhất là những người di dân.

Trong ý nghĩa này, T. Giuse là “vị quan thầy đặc biệt của những ai buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ vì chiến tranh, hận thù, bách hại và đói nghèo.” Như người bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Maria, T. Giuse không thể “là gì khác hơn là người bảo vệ Giáo Hội,” với cương vị làm mẹ, và Nhiệm Thể của Đức Kitô. “Kết quả là, mọi người nghèo, có nhu cầu, đau khổ hay hấp hối, mọi người khách lạ, mọi tù nhân, mọi bệnh nhân đều là ‘người con’ mà T. Giuse tiếp tục bảo vệ.” ĐGH Phanxicô viết, “Từ T. Giuse, chúng ta phải học cách… yêu mến Giáo Hội và người nghèo” (5).

Một người cha dậy bảo giá trị, phẩm giá và vui thích làm việc

“Một thợ mộc thật thà kiếm sống để nuôi dưỡng gia đình,” T. Giuse còn dạy chúng ta “giá trị, phẩm giá và niềm vui khi được hưởng kết quả của sức lao động của chính mình.” Khía cạnh này của T. Giuse đem cho ĐGH Phanxicô cơ hội để đưa ra lời kêu gọi làm việc, mà nó trở nên “một vấn đề xã hội nóng bỏng” ngay cả trong các quốc gia có mức độ thịnh vượng. ĐGH viết, “một nhu cầu mới là hiểu rõ giá trị tầm quan trọng của việc làm đứng đắn, mà T. Giuse là một quan thầy gương mẫu.”

Người nói, việc làm “là một phương tiện tham dự trong công trình cứu chuộc, một cơ hội để thúc đẩy sự ngự đến của Vương Quốc, để phát triển tài năng và khả năng của chúng ta, và để phục vụ xã hội và sự hiệp thông huynh đệ.” Đức giáo hoàng giải thích, nhưng ai làm việc “thì đang cộng tác với Thiên Chúa, và trong phương cách nào đó, họ trở nên người sáng tạo thế giới chung quanh chúng ta.”

 ĐGH khích lệ mọi người “hãy tái khám phá ra giá trị, sự quan trọng và cần thiết của việc làm để đưa một ‘tiêu chuẩn’ mới mà không ai bị loại trừ.” Nhất là sự thất nghiệp gia tăng vì đại dịch Covid-10, Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người hãy “nhìn lại các ưu tiên của chúng ta” để biểu lộ niềm xác tín rằng “không người trẻ nào, không một ai, không gia đình nào mà không có việc làm!” (6).

Một người cha “trong bóng tối,” đặt trọng tâm vào Đức Maria và Chúa Giêsu

Lấy ý từ cuốn “The Shadow of the Father” – một cuốn sách của văn sĩ Ba Lan Jan Dobraczynski – ĐGH Phanxicô diễn tả chức vị làm cha của T. Giuse đối với Đức Giêsu như “hình bóng dưới đất của Cha trên trời.”

ĐGH Phanxicô nói, “Làm cha không bởi sự sinh hạ, nhưng bởi được hình thành. Một người đàn ông trở nên một người cha không chỉ bởi đem một đứa trẻ vào đời, nhưng bởi nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ ấy.” Không may, trong xã hội ngày nay, trẻ em “thường mồ côi, thiếu các người cha” là những người có thể đưa chúng “vào đời sống và thực tại.” Đức Giáo Hoàng nói, trẻ em cần những người cha mà họ không tìm cách thống trị chúng, nhưng thay vào đó nuôi dưỡng chúng để “có khả năng tự quyết định, vui hưởng sự tự do và khám phá các khả năng mới.”

Đây là ý nghĩa mà trong đó T. Giuse được diễn tả như một người cha “tinh khiết nhất,” nó trái ngược với sự chiếm hữu độc đoán. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, T. Giuse “biết cách yêu thương với sự tự do phi thường. Người không bao giờ biến mình thành tâm điểm của mọi sự. Người không nghĩ về chính mình, nhưng thay vào đó chú trọng đến đời sống của Đức Maria và Chúa Giêsu.”

Với T. Giuse, hạnh phúc bao gồm quà tặng là chính bản thân, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, “trong người, chúng ta không bao giờ thấy sự thất vọng, nhưng chỉ có sự tín thác. Sự im lặng nhẫn nại của người là khúc nhạc dạo của những biểu hiện tín thác cụ thể.” Vì thế, T. Giuse xuất hiện như một nhân vật điển hình cho thời đại chúng ta, trong một thế giới mà nó “cần các người cha,” không phải “các bạo chúa”; một xã hội mà nó “tẩy chay những ai lầm lẫn giữa quyền bính với độc tài, phục vụ với tôi tớ, thảo luận với đàn áp, bác ái với não trạng phúc lợi, quyền lực với sự hủy diệt.”

Thay vào đó, các người cha đích thật tôn trọng sự tự do của con cái. Trong ý nghĩa này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, một người cha nhận biết rằng “ông là một người cha và nhà giáo dục cần thiết nhất vào lúc ông trở nên ‘vô dụng,’ khi ông nhìn thấy con của ông trở nên tự lập và có thể bước đi trên các con đường đời sống mà không cần đi kèm.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, trở nên một người cha “thì không dính dáng đến sự sở hữu, nhưng đúng hơn là một ‘dấu chỉ’ hướng đến một cương vị làm cha vĩ đại hơn”: đó là “Cha trên trời” (7).

Cầu nguyện hàng ngày với T. Giuse… và một thách đố

Trong tông thư, ĐGH Phanxicô nhận xét, “Hàng ngày, trong hơn bốn mươi năm, sau khi đọc kinh sáng” người đọc “kinh cầu Thánh Giuse trong cuốn sách kinh tiếng Pháp từ thế kỷ mười chín của Tu Hội Các Nữ Tu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.” Người nói, kinh này diễn tả lòng sùng kính và tín thác, và ngay cả đưa ra một thách đố nào đó cho Thánh Giuse, khi kết thúc: “Lạy cha yêu dấu của con, con tín thác tất cả nơi ngài. Đừng để sự cầu khẩn của con trở nên vô hiệu, và vì ngài có thể thi hành mọi sự với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hãy cho con thấy sự tốt lành của ngài thì cũng lớn lao như quyền năng của ngài.”

Trong đoạn kết Tông Thư, người thêm một kinh cầu T. Giuse, trong đó người khích lệ tất cả chúng ta cùng cầu nguyện:

Kính chào Người Bảo Vệ Đấng Cứu Thế,
Vị Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria,
Thiên Chúa đã giao phó Con duy nhất của Người cho ngài;
Đức Maria đã đặt tin tưởng nơi ngài;
với ngài Đức Kitô trở nên một con người.
Lạy Thánh Giuse, hãy đối xử với chúng con như thế,
hãy trở nên một người cha và dẫn dắt chúng con trên đường dương thế.
Xin giành cho chúng con ơn sủng, sự thương xót, và sự can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

736    09-01-2021