Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Nếu Hôm Nay Các Bạn Nghe Tiếng Chúa

Chúa Thánh Thần dùng “cái đầu tri thức” của chúng ta và hoàn thiện nó bằng ân sủng của Người.

Chúng ta biết các câu chuyện: Ađam và Evà; Cain và Aben; Giacóp và Esau.

Chúng ta biết những lời: “Thiên Chúa quá yêu thế gian…”; “Bất cứ điều gì anh em làm cho kẻ bé mọn nhất trong những người dân của Ta…”; “Thiên Chúa là tình yêu”. Chúng ta còn biết cả các điều răn (lệnh truyền): “Các ngươi không được giết người”; “Các ngươi tôn kính cha mẹ của các ngươi”; “Các ngươi không được ham muốn (thèm muốn của người khác)”.

Bởi vì quá nhiều người trong chúng ta đã lớn lên cùng với những câu chuyện và những điều răn này, chúng đã tự đan dệt thành cái khung trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, bạn có từng để ý làm thế nào các từ và các đoạn trong Thánh Kinh lại phát ra khỏi miệng lưỡi của chúng ta cách dễ dàng? Thật dễ dàng thế nào để nói: “Hãy yêu thương người thân cận như chính mình” hoặc “Trèo cao thì ngã đau”.

Tất cả điều này thì khá ấn tượng, nhưng trong tâm trí Cha trên trời của chúng ta, khía cạnh về “cấu trúc” này của Thánh Kinh chỉ là sự khởi đầu của những gì Chúa muốn thực hiện qua lời của Người. Thiên Chúa đã không tạo dựng chúng ta chỉ đơn giản là những con người chính trực với cuộc sống ngay thẳng. Thiên Chúa đã không chỉ có ý dùng Thánh Kinh là một cuốn sách luật để hướng dẫn chúng ta trong khi Người theo dõi (chúng ta) từ xa. Người muốn có một mối tương quan với chúng ta. Người muốn trò chuyện với chúng ta ở đây và bây giờ và Người làm điều đó qua Thánh Kinh.

Không giống như bất cứ cuốn sách nào đã từng được viết, Thánh Kinh thì “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12). Được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, Thánh Kinh có khả năng mang chính Thiên Chúa vào trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, bạn hãy lắng nghe Môsê khi ông nói với dân Ítraen như khi họ sắp tiến vào Đất Hứa. Ông nói với họ rằng lời của Thiên Chúa

Không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, (để anh em đem ra thực hành) (Đnl 30,11-14).

Thiên Chúa đã ghi khắc những lời của Người vào trong tâm hồn chúng ta (x. Gr 31,33), và mỗi lần chúng ta tìm kiếm tiếng nói của Chúa trong Thánh Kinh, tâm hồn chúng ta cảm thấy mình được động viên, có hy vọng và tin tưởng rằng Thiên Chúa thật sự ở cùng chúng ta. Như thánh Augustinô đã từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã xuyên thấu con bằng lời của Chúa và con yêu mến Chúa”.

Nhiều thế kỷ sau khi Môsê khích lệ dân Ítraen, một trong những thánh vịnh đã nhắc nhở dân của ông về lịch sử phức tạp của Ítraen trong những chuyến đi lang thang trong sa mạc của họ.

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! (Người phán): “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95,7-9).

Thiên Chúa đã nói cách rõ ràng và ấn tượng với các tổ tiên của họ trên Núi Sinai từ nhiều thế kỷ trước đó, và thánh vịnh gia này dường như coi đó là điều hiển nhiên Thiên Chúa muốn nói với họ lần nữa “ngày hôm nay” và mỗi ngày. Rõ ràng, có thể không có “ngày hôm nay” nếu Thiên Chúa vẫn đang không nói với dân của Người. Chỉ có thể có “lúc đó (lúc bấy giờ)”, khi Thiên Chúa nói với Môsê – hoặc trong trường hợp của chúng ta, “lúc đó (lúc bấy giờ)” là khi Chúa Giêsu bước đi (sống) trên trần gian này.

Như thế làm cách nào để ngày hôm nay chúng ta nghe được tiếng của Thiên Chúa? Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo rằng sau khi cầu nguyện hoặc sau khi tham dự Thánh Lễ chúng ta có thể thốt lên với niềm tin tưởng lớn lao: “Thiên Chúa đã nói với tôi hôm nay?” Để tìm thấy một câu trả lời, chúng ta không cần đi đâu xa hơn Sách Thánh Vịnh, sách hướng dẫn riêng của Thánh Kinh để cầu nguyện. Ngay phần đầu, hai câu đầu tiên của chính Thánh Vịnh đầu tiên, chúng ta thấy một công thức để nghe Thiên Chúa và nhận biết những phúc lành của sự hiện diện của Người:

“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,1-2)

Chìa khóa để nghe Thiên Chúa nói với chúng ta trong Thánh Kinh là nghệ thuật của việc suy gẫm. Điều đó được tìm thấy trong việc thực hành đọc, nghiên cứu và gẫm đi gẫm lại một đoạn Thánh Kinh cho đến khi nghe được Thiên Chúa đang nói với chúng ta cách cá vị qua những lời đó.

Trong khi thoạt đầu việc suy gẫm dường như là dòng chảy tự do và không có bất cứ hình thức nào, kinh nghiệm cho thấy rằng tốt hơn chúng ta nên thực hiện một loạt phương pháp hoặc sự tiếp cận để giữ chúng ta khỏi sự lơ đãng không tập trung. Đừng cho rằng bạn có thể suy gẫm về Thánh Kinh khi bạn đang lái xe, đang lăng xăng lo những công việc lặt vặt hoặc khi đang chạy bộ trong công viên. Bạn càng tập trung sự chú ý của bạn vào Thiên Chúa, thì càng dễ hơn để nghe tiếng của Người. Vì thế, hãy chọn một thời gian khi bạn sẵn sàng nhất. Và bạn hãy tìm một nơi vừa dễ chịu vừa không bị phân tâm hay ồn ào huyên náo.

Bất cứ đoạn nào bạn chọn, hãy cẩn thận đừng làm quá dài. Mục đích của việc suy gẫm Chúa không phải là để nhớ hoặc kiểm tra một phần của Thánh Kinh nhưng còn để lắng nghe Thiên Chúa nói với tâm hồn bạn. Và vì thế, có khi ít hơn lại là nhiều hơn. Nhiều người chọn một trong những bài đọc từ phụng vụ hằng ngày. Những người khác chọn suy niệm từ từ một Tin Mừng hoặc một lá thư trong Tân Ước.

Một khi bạn đã tập trung và làm tâm trí của bạn lắng xuống rồi, thì hãy tiếp tục và đọc đoạn văn bạn đã chọn. Hãy dành thời gian. Bạn hãy cân nhắc và thận trọng khi bạn đọc. Hãy đọc đoạn đó nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu với những gì những câu (Thánh Kinh) đang nói. Nếu bạn gặp một từ hoặc cụm từ khó hiểu, bạn hãy chuyển sang một lời bình luận hoặc ghi chú trong Thánh Kinh của bạn để được giúp đỡ. Nhưng đừng dành quá nhiều thời gian cho việc này. Chỉ cần làm những gì cần thiết để giải quyết bất cứ sự bối rối và sau đó trở lại để cầu nguyện.

Đừng cố ép buộc bất cứ điều gì trong việc suy gẫm của bạn. Thay vào đó, hãy thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa. Hãy lắng nghe bất cứ cảm giác (ấn tượng) nào mà những lời này mang lại cho bạn. Phải chăng những lời ấy đang làm rung động tâm hồn bạn với niềm hy vọng? Phải chăng những lời ấy đang chỉ ra một nơi tối tăm mà bạn cần đưa ra ánh sáng của việc xưng thú tội lỗi? Phải chăng những lời ấy đang an ủi bạn hay đang làm cho bạn tràn đầy bằng một cảm giác biết ơn và yêu mến? Phải chăng những lời ấy đang thúc đẩy bạn thực hiện một hành động nào đó, hoặc trong việc cư xử với thói quen của chính bạn hay trong việc giúp bạn với một mối tương quan thân thiết?

Bất kể Chúa nói với bạn những gì hoặc bằng cách nào, những lời của Chúa sẽ luôn được đi kèm bởi một cảm giác của sự gần gũi và thân mật. Đây không phải là một điều gì đó mà chúng ta có thể tạo ra. Đó là một quà tặng mà chúng ta chỉ có thể lãnh nhận với lòng biết ơn, khiêm tốn và lòng yêu mến. Điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta làm cho tâm trí hay chia trí, lộn xộn của mình bình tâm lại và chờ đợi để nghe những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.

Trong thông điệp Providentissimus Deus (Thiên Chúa Rất Quan Phòng) năm 1893, Đức Giáo hoàng Leo XIII đã viết: “Sách thánh không giống như những cuốn sách khác. Được linh hứng (viết ra) bởi Chúa Thánh Thần, Sách thánh chứa đựng những điều có tầm quan trọng sâu sắc nhất, trong nhiều trường hợp là khó khăn và tối nghĩa nhất. Để hiểu và giải thích những điều như vậy, thì luôn luôn có sự xuất hiện “cần thiết (đòi hỏi)” của cùng một Chúa Thánh Thần; điều đó phải nói là, ánh sáng và ân sủng của Người (5).

Bằng những lời này, Đức Giáo hoàng Leo đã dạy rằng khi Chúa Thánh Thần mở mắt chúng ta và mạc khải những chân lý của Thiên Chúa, thì sự mặc khải này có sức mạnh biến đổi chúng ta. “Ánh sáng và ân sủng” của Thiên Chúa mở rộng tâm trí và tâm hồn của chúng ta ra với sự hiện diện của Người và giúp chúng ta nhìn thấy Người trong một ánh sáng mới và đầy cảm hứng kính tôn. Khi chúng ta suy niệm Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một ý niệm thoáng hiện về Thiên Chúa như Người thực sự là: (Đấng) toàn năng; tuyệt đối thánh thiện; hoàn toàn khôn ngoan, yêu thương và công chính (công minh, chính trực).

Thánh Giêrônimô, một trong những học giả Thánh Kinh vĩ đại nhất của Giáo Hội, đã diễn tả kinh nghiệm của mình về Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh theo cách này:

Thức ăn nào, mật ong nào có thể ngọt ngào hơn để học biết Sự Quan Phòng của Thiên Chúa, để bước vào đền thờ của Người và để nhìn vào trong tâm trí của Đấng Tạo Hóa, để lắng nghe lời của Đức Chúa, những lời mà thế gian cười chê, nhưng những lời ấy thực sự chứa đựng đầy những giáo huấn tinh thần?” (Thư gửi cho Paula, 30.13).

Về phần mình, khi chúng ta đọc và suy niệm Thánh Kinh để cầu nguyện, chúng ta bắt đầu nhận ra Chúa Giêsu là viên ngọc vô cùng đáng giá và là con đường cho cuộc sống của chúng ta (x. Mt 13,46; Tv 119,105). Chúng ta trải nghiệm một nỗi khát khao trong lòng chúng ta là được ở gần với Chúa Giêsu bất cứ cách nào. Tất cả bởi vì Chúa Thánh Thần đã lấy “sự hiểu biết trong đầu” – sự hiểu biết sâu sắc của chúng ta về Thiên Chúa – và lấp đầy sự hiểu biết ấy bằng ân sủng của Người. Những gì từng có trong tâm trí chúng ta đã đi vào trong tâm hồn chúng ta, cho chúng ta niềm vui khi biết Chúa Giêsu, sự bình an khi cảm nghiệm ơn cứu độ của Người, và đáp lại chúng ta khao khát yêu mến Chúa vì mọi sự Người đã làm cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa yêu thích nói nơi phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của chúng ta. Người yêu thích mạc khải chân lý của Người, củng cố tình yêu của Người và dạy chúng ta các đường lối của Người. Ước mong chúng ta không bao giờ mệt mỏi lắng nghe tiếng Chúa và lãnh nhận mạc khải của Người!

Theo The Word Among Us [wau.org]
Prayer Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

484    25-11-2019