Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

"Ngôi nhà không có đàn ông" và xúc cảm

“NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN ÔNG” VÀ XÚC CẢM

                Cố soạn giả Ngọc Linh được nhiều người biết đến với 3 vở diễn vừa kịch vừa cải lương “Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà không có đàn bà, Ngôi nhà của chúng ta”. Nghe đến tên tác phẩm, ta thấy được dụng ý của tác giả muốn gởi đến thông điệp gì cho cuộc sống, cho đời thường của mỗi con người trong đó có khi mỗi người chúng ta là một vở diễn.

Nghe tên tác phẩm “Ngôi nhà không có đàn ông” cũng đủ để nói lên phần nào chuyện mất cân bằng trong gia đình đó.

20 năm rồi, “Ngôi nhà không có đàn ông” được dàn dựng lại một cách sâu hơn, chuyên hơn ...

Chuyện đại loại rằng trong gia đình có 2 chị em gái sống chung với nhau, chị lớn có chồng và có 3 người con : Xuân, Hạ, Thu. Người chồng vắn số qua đời sớm để rồi trong ngôi nhà đó ... không có đàn ông. Và dĩ nhiên, sự lệch lạc về giới tính trong một gia đình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Dì Ba bỗng dưng trở thành người đàn ông một cách nghiệt ngã từ cách hành xử đến lời ăn tiếng nói, việc làm trong căn nhà đó.

Người Mẹ vì hận thù người chồng nên đã nhìn người đàn ông một cách hận thù và căm phẫn. Dù rằng người chồng đã quá cố nhiều năm nhưng Bà vẫn nhất quyết ... căm phẫn đàn ông.

Dì Ba thì lỡ thời để rồi nhìn người đàn ông lúc nào cũng phản ứng cứng rắn và khước từ tình yêu của bất cứ người đàn ông nào đến với mình.

3 đứa nhỏ trong gia đình Xuân, Thu, Hạ mang trong mình 3 tính cách khác biệt rõ nét. Xuân là chị cả nên ảnh hưởng khá sâu đậm về tính cách của mẹ mình và cô căm phẫn đàn ông. Hạ thì có cá tính mạnh mẽ và rất phóng khoáng đến độ đi chơi đêm về bị mẹ hỏi cô trả lời tỉnh bơ : “Tại trời sáng nhanh quá Mẹ không biết đó thôi !”. Tính cách của Hạ làm cho mẹ phải đuổi cô ra khỏi nhà vì lối sống cuồng và yêu nhiệt của cô.

Thu là cô con gái út trong gia đình, bằng tình yêu chân thật với anh chàng sửa xe đạp, cô đã có kết quả của một tình yêu đẹp bằng một đứa bé. Đứng trước sự lựa chọn phải bỏ giọt máu đào hay bước chân ra khỏi nhà thì cô chấp nhận giữ bé và bỏ nhà ra đi.

Và rồi, giữa đời thường ta thấy tình yêu và thù hận thường đi đôi với nhau. Thật đáng sợ nếu như thù hận nhấn chìm người ta vào hố sâu tuyệt vọng, bít hết lối tương lai. Bà mẹ trong Ngôi nhà không có đàn ông vì hận người chồng đã lừa dối mình mà nhồi nhét tư tưởng thù ghét đàn ông cho cô em và ba đứa con gái của mình. Nhưng rồi mọi người cũng theo quy luật sống mà thoát ra vòng cương tỏa của bà. Tình yêu có một sức mạnh vạn năng mở bung mọi cánh cửa tâm hồn.

Cũng chỉ vì không tha thứ đủ, cũng chỉ vì không bao dung đủ để rồi ngôi nhà dù là chủ tiệm may Hạnh Phúc nhưng hoàn toàn bất hạnh.

“Ngôi nhà không có đàn ông” có lẽ là xu hướng mới của nhiều gia đình trong xã hội thời hiện đại. Chỉ vì bảo thủ trong cái nhìn cũ kỹ, cố chấp để rồi cách hành xử đã giết chết hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Cũng chỉ vì thanh danh, danh giá của gia đình mà người ta không ngần ngại giết hại một sinh linh là con, là cháu của họ.

Ngày hôm nay, “ngôi nhà không có đàn ông” hay “ngôi nhà không có đàn bà” là hiện tượng không biết buồn hay vui trong xã hội. Ngày nay, ra đường thấy trai trong tay với trai, gái trong tay với hái không biết hạnh phúc hay âu lo. Nhiều khi người ta biện hộ cho chuyện lệch giới tính hay “ông trời” định liệu để người ta ủng hộ hôn nhân đồng tính. Thế nhưng, suy cho bằng cùng, họ có hạnh phúc  thật hay chỉ là phù phiếm bên ngoài lấp liếm nỗi khắc khoải về một tình yêu chân thật và sống thật với chính mình.

Tác phẩm “Ngôi nhà không có đàn ông” còn gói ghém cho khán giả một thông điệp hãy sống thật với chính mình, hãy yêu hết mình và hết tình và đặc biệt hãy biết tha thứ cho người khác. Nếu như mỗi thành viên trong gia đình “Ngôi nhà không có đàn ông” biết nhìn vào chính mình, sống thật và biết tha thứ cho người khác thì hạnh phúc sẽ mãi mãi ở trong ngôi nhà có tiệm may mang tên “Hạnh Phúc”

 

 

                

5819    17-09-2017