Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Ngôn ngữ của thinh lặng

 

“Không có điều gì giống với ngôn ngữ của Thiên Chúa hơn là thinh lặng.”

Thầy Eckhard đã viết như vậy. Nó có nghĩa là gì? So với những câu khác, nó chứa đựng một bí mật sâu xa.

Ngôn ngữ nào chúng ta sẽ nói trên thiên đàng? Chúng ta không biết được, tuy nhiên chúng ta có một vài ý niệm về nó qua các trải nghiệm sâu đậm trong tình thân mật của chúng ta ở trần gian này. Trong các trải nghiệm sâu sắc của tình thân mật, hiệp thông, chúng ta đến với nhau không qua lời, mà qua thinh lặng, không phải là tình trạng trống rỗng nhưng đầy ý nghĩa không nói được lên lời. Tôi ngờ rằng trên thiên đàng cũng giống như tình mật thiết của chúng ta ở đây, ở đó không cần bất cứ ngôn từ nào cả. Chúng ta sẽ biết và được biết một thứ ngôn ngữ cách xa từ ngữ bình thường, một ngôn ngữ của tình thân thiết, ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Chúng ta đã từng trải nghiệm điều này ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, khi thỉnh thoảng chúng ta hiểu một ai đó hoặc cảm thấy một ai đó hiểu mình qua trực giác, cách xa ngôn từ, cách xa mọi điều chúng ta nói lên lời, và thường hiểu biết này sâu sắc hơn là hiểu biết chúng ta có được qua các cuộc nói chuyện thông thường.

Điều tương tự cũng đúng đối với tình thân thiết trong cộng đoàn. Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi theo một khóa tĩnh tâm I-Nhã 30 ngày. Khoảng sáu mươi người chúng tôi cùng tĩnh tâm và lúc đó chúng tôi chưa biết gì về nhau. Ba mươi ngày cùng nhau sống trong thinh lặng, ngoại trừ mỗi ngày chúng tôi gặp nhau trong nhà nguyện để dâng thánh lễ. Chúng tôi ăn trong thinh lặng, không bao giờ tiêu khiển với nhau, không bao giờ có bất cứ cuộc chuyện trò nào ngoài hai dịp rất ngắn vào thời gian đầu khóa. Song, khi khóa tĩnh tâm kết thúc, chúng tôi cảm nhận chúng tôi đã biết về nhau sâu sắc hơn là nếu chúng tôi gặp nhau, nói chuyện với nhau suốt những ngày đó. Thinh lặng lúc đó là một thứ ngôn ngữ đầy sức mạnh, mạnh hơn cả lời nói, và nó mang chúng tôi đến với cộng đoàn trong một cách mà từ ngữ không thể nào làm được.

Gần đây tôi đã trải nghiệm điều này cũng trong một cộng đoàn tôn giáo. Tôi là thành viên của dòng truyền giáo, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (Oblates of Mary Immaculate), và một trong số những điều nhà sáng lập hội, Thánh Eugene de Mazenod ủy thác cho chúng tôi là mỗi ngày chúng tôi nên dành một khoảng thời gian dài, cùng ngồi thinh lặng với nhau trong nhà nguyện. Trải nghiệm của tôi là bất cứ khi nào chúng tôi làm điều này, một điều gì đó tương tự như “thinh lặng của tín đồ phái Quaker” thì thời gian thinh lặng trải qua cùng nhau này  kết chặt chúng tôi vào cộng đoàn hơn bất cứ những buổi gặp mặt khác. Thinh lặng là một ngôn ngữ đặc biệt.

Tuy vậy đừng xem thinh lặng đối nghịch với lời nói. Thinh lặng và lời nói đều cần đến nhau. Lời nói đảm nhận một sức mạnh lớn hơn khi nó được phát ra từ im lặng, tuy nhiên nó sẽ bắt đầu đánh mất sức mạnh khi được phát ra liên tục và không có điểm dừng. Ngược lại, thinh lặng có sức mạnh hơn sau khi chúng ta đã hiểu nhau qua lời nói. Có những điều chúng ta chỉ có thể hiểu được qua thinh lặng, cũng như có những điều chúng ta chỉ có thể hiểu được qua các cuộc nói chuyện trong cộng đoàn.

Đó là lý do tại sao trạng thái cô độc là một nghịch lý: cô độc, như chúng ta biết không có nghĩa là cô đơn, nhưng là ở trong trạng thái bình an, nghỉ ngơi, ngược với trạng thái bứt rứt giao động. Và tất cả chúng ta đều biết các nghịch lý có thể xảy ra ở đây: Đôi khi chúng ta tham dự lễ tiệc với người khác, nhưng lại quá bồn chồn để thưởng thức hoặc thậm chí là ở đó mà hồn để chỗ khác. Việc giao du nhiều với người khác lại có tác dụng ngược, chỉ thêm bứt rứt giao động và lo lắng. Ngược lại đôi khi chúng ta cô độc, cách xa mọi người, nhưng lại yên tĩnh, thoải mái, an bình. Trái lại, cô độc làm lắng dịu những bồn chồn, và thinh lặng mang chúng ta đến với cộng đoàn.

Và vì thế thật là quan trọng chúng ta cố gắng học ngôn ngữ của im lặng, cũng như cố gắng học các lời nói giúp chúng ta hiểu nhau. Có một im lặng khổng lồ đang ở phía trước và bên trong chúng ta, đang cố gắng cuốn hút chúng ta vào. Đi vào thinh lặng đó là đi vào sự thật của Thiên Chúa và đi vào thực tế của mối thân tình hiệp thông với nhau. Đây chính là lý do khiến tất cả các tôn giáo lớn, các tác giả tôn giáo lớn đều nhấn mạnh đến nhu cầu của việc giữ thinh lặng nhiều lần trong cuộc đời chúng ta.

Đáng buồn là chúng ta thường quá sợ hãi thinh lặng, sợ tình trạng ở một mình, sợ những gì chúng ta có thể gặp khi đối mặt với tất cả điều đó. Thường sự im lặng hay nói với chúng ta về cô đơn, về mất mát, tình trạng không được kết nối, một cái mồ chôn cái chết. Và vì thế chúng ta bám lấy nhau và tìm kiếm những cuộc chuyện trò, giải trí, tiêu khiển, những chuyện lấp đầy khoảng trống im lặng trong cuộc sống. Rốt cuộc, hành động chạy trốn thinh lặng này được căn cứ một cách vô thức trên nỗi sợ hãi bị thất vọng, mất mát, cả ở thế giới bên ngoài lẫn bên trong của chúng ta và tốt nhất là cứ bám vào bất cứ điều gì có thể tránh cho chúng ta khỏi sự thật đau đớn này.

Tuy nhiên nỗi sợ đó không căn cứ. Vì như Thomas Merton đã nói, có một trọn vẹn ẩn chứa trong lòng mọi vật và trọn vẹn đó chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta tiếp cận được với mức độ sâu sắc nhất của sự vật. Và ngôn ngữ chúng ta cần thiết phải có đó là ngôn ngữ của thinh lặng – ngôn ngữ của Thiên Chúa và ngôn ngữ của tính mật thiết.

J.B. Thái Hòa dịch

1781    25-09-2017