Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Ngôn Sứ Giêrêmia và đôi dòng tâm sự

 

Khi tìm hiểu về lịch sử cứu độ, chúng ta không thể không nhắc đến những vị ngôn sứ. Các đấng là những người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, để loan báo cho dân biết được chương trình và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Qua những lời rao giảng, những hành động ám chỉ, tiên trưng và cả chính cuộc đời của các đấng, là những sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói với dân Người. Các đấng là những vị đại diện của Thiên Chúa để đồng hành với dân, hướng dẫn và bảo vệ dân, nhắc nhở dân không lạc vào con đường gian tà tội lỗi, nhưng luôn sống đời công chính, trung thành với giao ước đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân, đặc biệt là sự chuẩn bị để đón Đấng Mêsia ngự đến.

Ơn gọi ngôn sứ thật là cao cả, nhưng cũng đầy những hy sinh đau khổ, những trái ý, những thập giá trong cuộc đời thi hành sứ vụ của mình. Để có cái nhìn rõ hơn về thân phận người ngôn sứ, chúng ta cùng khám phá qua những dòng tâm sự của vị ngôn sứ nổi tiếng Giêrêmia (x. Gr 20,7-18).

Con Người và Khung Cảnh Xã Hội

Con người: Ngôn Sứ Giêrêmia sinh vào quãng năm 650-645 (trước Công Nguyên - tCN) tại Anathốt, cách Giêrusalem 5km về phía Đông Bắc, trong một gia đình tư tế ở ven hoang địa xứ Giuđa. Ngôn sứ là người rất nhạy cảm: tính tình nhút nhát, dễ buồn, dễ chán, thích sống đơn sơ âm thầm. Trong khi đó nhiệm vụ ngôn sứ đòi hỏi người phải lớn tiếng can thiệp vào đời sống chính trị và tôn giáo của dân, để cảnh cáo lối sống vô luân và đe dọa những hình phạt Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên họ. Do tính nhạy cảm của người, nên mối tương quan giữa người với Thiên Chúa rất sống động và đôi khi còn gay gắt, nhưng luôn thành thật và sâu đậm.

Khung cảnh xã hội: Ngôn Sứ Giêrêmia là chứng nhân của một thời đại quyết liệt. Đời sống của người đã gắn liền một cách đau thương với gần bốn mươi năm sau cùng của nước Giuđa (626-587 tCN). Đất nước ngày càng lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mặc dầu cố gắng vươn lên nhờ vào cuộc cải tổ chính trị và tôn giáo của vua Giôsia (640-609 tCN), nhưng rồi cũng thất bại dưới triều các vua kế tiếp, cuối cùng rồi bị sụp đổ năm 587 (tCN) bởi đạo binh của vua Nabucôđônôxo, vua Babylon.    

Dòng tâm sự của Giêrêmia (Gr 20,7-18)

Đoạn này cho chúng ta thấy được tâm tình sâu kín của ngôn sứ bày tỏ với Thiên Chúa về ơn gọi, về sứ mạng và cả những đau khổ, giằng co nội tâm mà người đang chịu đựng.

Lời mời gọi trở nên ngôn sứ: Sau khi Ngôn Sứ Giêrêmia nhận phải những chống đối, giận dữ và bắt bớ từ dân trong khi thi hành sứ vụ (x. Gr 15), thì đây là giờ phút người đang ở trong cảnh “đêm tối tâm linh”. Giêrêmia đã nhớ lại ơn gọi ngôn sứ của mình và trút hoàn toàn trách nhiệm cho Thiên Chúa: “Ngài đã quyến rũ con” (Gr 20,7a). Tác giả dùng động từ mà người ta thường dùng trong tương quan của tình yêu, tương quan nam nữ hẹn hò, để nói lên Thiên Chúa đã chủ động đi bước trước đến với con người. Vị ngôn sứ muốn tự bày tỏ sự thật về sức lôi cuốn của Thiên Chúa đối với người, nó không phải là nơi tri thức, tài năng, cũng không phải là gia thân gia thế... nhưng nó xuất phát từ một trái tim: “Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng”(Gr 20,7b). Một tình yêu đích thực đã đưa người đến một con đường mới, một sức sống mới, mặc dù tương lai đầy những chông gai, nhưng tất cả đều được thực hiện trong tiếng xin vâng nội tâm.

Những khó khăn, đau khổ ập đến và dẫn đến sự hoài nghi, thất vọng.

Trong khi thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Giêrêmia gặp phải toàn những chống đối, hắt hủi và bắt bớ cách dữ dội, vì phải nói lên những lời của Chúa cho dân Người. Mà lời của Chúa là những lời lên án, đe dọa và nhắm thẳng đến đời sống luân lý của dân, lời đó sắc bén tựa như gươm hai lưỡi, phê phán tư tưởng của lòng người (x. Dt 4,12), nên người ta không dễ gì đón nhận. Một khi lời đã không được đón nhận cách dễ dàng, thì người công bố lời sẽ phải gánh chịu mọi thái độ theo sau đó, đó là quy luật tự nhiên: “Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20,8b).

Ở đây Ngôn Sứ Giêrêmia đã phải chịu sự giằng co về nội tâm, một đàng Thiên Chúa quyến rũ; một đàng thiên hạ đùa cợt, bạn bè xa lánh và mọi người thù ghét. Người đã chán nản đến độ nguyền rủa chính ngày sinh và số phận của mình (Gr 20,14-18). Người toan tính định từ bỏ sứ mạng ngôn sứ: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Ngài, cũng chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa’” (Gr 20,9a). Dường như Ngôn Sứ Giêrêmia cảm thấy mình bị bỏ rơi giữa những đau khổ trong sứ vụ ngôn sứ của mình, người cảm thấy mất hết niềm hy vọng.

Sức mạnh của lời Chúa và sự hiện diện của Người.

Đang trong lúc buồn phiền thì lời Đức Chúa lại cứ như ngọn lửa thiêu đốt tận xương tủy, khiến Giêrêmia không chịu nổi: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”(Gr 20,9b). Lời Thiên Chúa có một sức mạnh mà con người không thể chống lại nổi. Nếu vậy, thì nơi Giêrêmia không có sự lựa chọn, không có tự do trong ơn gọi ngôn sứ của mình. Điều này chỉ có thể hiểu qua dòng tâm sự của chính ngôn sứ, lời mời gọi dành cho ngôn sứ chính là lời mời gọi của tình yêu, lời mời gọi đi vào tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Như vậy, đó là một món quà, một hồng ân chứ không phải là sự ép buộc.

Qua tâm sự của Ngôn Sứ Giêrêmia, với người, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa không dễ gì có thể từ chối, mà chỉ biết đáp trả bằng một sự xin vâng nội tâm (x. Dc 8,6). Khi con người xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta đang đi vào sự tự do nhiều hơn hết, vì Thiên Chúa là nguồn của sự tự do.

Mặc dù những đau khổ ập đến khi Giêrêmia thi hành sứ vụ đã khiến người phải thất vọng, nghi ngờ và nguyền rủa cho số phận của mình. Thế nhưng, khi cảm nhận được sức mạnh của lời Chúa, thì người cũng đồng thời xác tín về sự hiện diện của Chúa và không còn phải sợ sự thất bại dưới sức mạnh của kẻ thù: “Nhưng Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con...” (Gr 20,11). Với một niềm xác tín mạnh mẽ vào Chúa như vậy, người đã kêu cầu Chúa trả thù thay cho mình.

Bài học người ngôn sứ

Qua những gì mà Ngôn Sứ Giêrêmia tâm sự cho chúng ta có được những bài học rất quý giá về ơn gọi và sứ vụ ngôn sứ. Lời mời gọi trở nên ngôn sứ là lời mời gọi của tình yêu và để được xứng đáng thì chỉ có tình yêu mới đáp đền được tình yêu. Do đó, người ngôn sứ cần phải trung thành cả trong những lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, để chỉ biết yêu thương và sống thuộc trọn về Thiên Chúa.

Người ngôn sứ phải chấp nhận: đường theo Chúa không phải là con đường thênh thang, dễ dãi trải dài trên nhung lụa, nhưng đó là con đường của thập giá, con đường của sự hy sinh và từ bỏ tận căn. Thập giá chính là đường đến vinh quang, đó là lựa chọn của người ngôn sứ, các đấng ấy chỉ biết sống xin vâng theo thánh ý Chúa mà thôi (x. Lc 9,23).

Chính những khó khăn, đau khổ ấy như ngọn lửa để thanh luyện tấm lòng trung thành người ngôn sứ, để hun đúc lên một sự đáp trả của tình yêu cao cả. Nhờ đó, các ngôn sứ sẽ vững bước trên đường sứ vụ và sẽ nhận được niềm vui vĩnh cửu nơi Đấng đã mời gọi các đấng (x. Rm 8,35-36).

Mỗi chúng ta cũng cần bắt chước Ngôn Sứ Giêrêmia, xác tín rằng cho dù có gặp khó khăn hay đau khổ, chúng ta cũng không hề cô đơn, vì có Chúa luôn đồng hành trên mọi nẻo đường của sứ vụ.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ cách phổ quát nơi Đức Kitô khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để qua các thời đại khác nhau, chúng ta sống và loan báo sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chúng ta hãy có một cái nhìn sâu xa về ơn gọi và sứ mạng của ngôn sứ, để khi được mời gọi, chúng ta không còn phải ngỡ ngàng và khi gặp những hoàn cảnh như Ngôn Sứ Giêrêmia xưa, chúng ta sẽ không tuyệt vọng.

Chúng ta hãy theo gương vị ngôn sứ: khi đón nhận ơn gọi ngôn sứ là lúc chúng ta chấp nhận đi vào trong “logic” của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đòi hỏi phải được thử luyện, một tình yêu phải chấp nhận sự hy sinh và một tình yêu phải có sự trung thành trong giao ước. Tất cả những diễn biến tâm trạng của vị ngôn sứ xưa đều được tròn đầy nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, để cuộc đời và sứ vụ ngôn sứ của chúng ta sinh nhiều hoa trái tình yêu trong lòng thế giới hôm nay. JP

7797    05-01-2019