Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Ngôn sứ

 

   

CN IV TN C: Gr 1,4-5,17-19; Cr 12,31--13,13; Lc 4,21-30

Ngôn sứ

aNgôn sứ là người được Chúa sai đi nói lời của Ngài. Sứ mạng của ngôn sứ là đón nhận và chuyển trao lời được ủy thác cách trung thành và trọn vẹn, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Thi hành sứ mạng ngôn sứ luôn đòi hỏi một sự dấn thân lớn lao vượt sức con người. Một đàng bởi vì ngôn sứ phận là phàm nhân mà lại rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa, đàng khác, là bởi ngôn sứ mang trong mình vận mạng của Dân Chúa. Giêrêmia đã có kinh nghiệm ấy: “Lạy Chúa, con còn quá trẻ!” (Gr 1,6). Còn trẻ mà phải chuyển tải thông điệp răn đe, an ủi và hy vọng để vực dậy cả một dân đang trong cảnh lưu đầy tang tóc ở Babylon và Ai Cập, rồi tệ hơn, một dân đang suy đồi vì thói thờ ngẫu tượng.  Tuy nhiên, ơn Thiên Chúa luôn nâng đỡ và bổ khuyết cho sự yếu đuối và giới hạn của phàm nhân. Chính Giêrêmia cũng cảm nhận sức mạnh lớn lao của Thiên Chúa: “Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,18-19).

Để kiên cường thi hành sứ mệnh của mình, ngôn sứ cần ý thức sâu xa và xác tín về ơn gọi của mình: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 5); cần ý thức được quyền phép vạn năng của Thiên Chúa ban cho các ngôn sứ của Ngài: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Đàng khác, ngôn sứ cũng được mời gọi mang trong mình một tình yêu lớn để có thể can đảm đón nhận những thử thách gian nan và hăng say không mệt mỏi cho sứ vụ của mình. Thánh Phaolô đã có bài ca tuyệt vời về tình yêu đức ái như thế: “Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).

Chúa Giêsu đã đón nhận vào mình tất cả những hy sinh và cay đắng của thân phận ngôn sứ.  Ngài trung thành với sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Cha, dù có bị hắt hủi và loại trừ bởi chính những người đồng hương của mình (x. Lc 4, 21-30). Ngài luôn xác tín về sứ mệnh của mình và thi hành sứ mệnh ấy với quyền năng và tình thương đong đầy của Thiên Chúa.

Trong tông huấn Hãy vui mừng hoan hỷ (Gaudete et Exsultate), Đức Thánh Cha Phanxicô gọi lòng can đảm nhiệt thành truyền giáo là một “dấu chỉ của sự thánh thiện hôm nay”. Việc nhìn nhận mình mỏng giòn yếu ớt không có phép ta nhút nhát rụt rè, an phận thủ thường, ngồi lì trong vỏ ốc an toàn. Sự thánh thiện vượt thắng những sợ hãi và tính toán, những mưu toan tìm kiếm chỗ an thân (tựa như truyền thống, luật lệ, GE 134). Thánh nhân không phải là người quan liêu công chức, dè dặt tránh né, nhưng là một người say mê, nhiệt thành, không an phận với lối sống tầm thường (GE 138). Thánh nhân là kẻ sẵn sàng đón chờ những bất ngờ từ Thiên Chúa, là Đấng thúc đẩy ta ra đi xa hơn chỗ quen thuộc, ra đến những vùng ngoại ô và biên cương (GE 135).

Việc thi hành sứ mệnh ngôn sứ hôm nay cũng chẳng mấy dễ dàng. Giữa “vòng xoáy kim tiền” hôm nay, tiếng nói ngôn sứ xem ra chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc” và thường là bị “ném đá” không thương tiếc bởi “cư dân mạng”! Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tin tưởng và tình yêu để có thể gióng lên tiếng nói ngôn sứ lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, một cách trung thành và trọn vẹn.

 Lm Đaminh Trần Ngọc Đăng

 

786    02-02-2019