Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

"Người Mai Phốp và hồng ân 50 năm thánh chức linh mục


"Người Mai Phốp và hồng ân 50 năm thánh chức linh mục

Kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của "Người Mai Phốp"

 

https://youtu.be/8fVRDTMBN84

          Nếu như ngày 8 tháng 1 năm 1938 Giáo Phận Vĩnh Long được thành lập thì 3 năm sau đó, "anh Năm" đã cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhỏ bé ở họ đạo Mai Mốp. Và, ngày từng ngày, dòng sữa của Mẹ cũng như đời sống đức tin đã thông truyền vào chuỗi ngày sống và cả cuộc đời của "anh Năm".

          Thụ hưởng một nền giáo dục chuẩn nhất cũng như đời sống đức tin của một họ đạo truyền thống của Vĩnh Long, cậu bé Barnabê Nguyễn Văn Phương đã tận hiến đời mình cho Chúa. Với trí thông minh hơn người để rồi từ những ngày lãnh sứ vụ linh mục - nay là Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương - đã là một cánh tay nối dài của các Đức Thánh Cha trong vai trò Vụ trưởng đặc trách các nước Đông Nam Á thuộc Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, nguyên Thư ký Đệ Nhất Bộ Truyền giáo Tòa ThánhVatican, nguyên là thành viên của tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican trong tất cả các vòng đàm phán trong chuỗi năm dài chứ không phải là ngày dài nữa suốt 40 năm.

          Và, có lẽ Đức Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng không có ai "ăn cơm Ý" ở nhà Rôma lâu như Đức Ông vậy.

          Sau nhiều năm dài phục vụ, lẽ ra Đức Ông hưởng an nhàn thư thái ở cái xứ sở thanh bình và có thể nói rằng các phúc lợi của Xã Hội cũng như ân tình của Giáo Hội cao nhất dành cho Đức Ông nhưng không, Đức Ông đã về lại Việt Nam, về lại với Giáo Phận, về lại để sống lại những ngày thơ ấu của Mai Phốp năm xưa. Đơn giản, với Đức Ông, dù ở cương vị cao nhất sau Giám Mục Giáo Phận nhưng "quê hương mãi mãi là chùm khế ngọt" và đặc biệt Đức Ông là mẫu mực của đời  sống đạo đức, hiền lành và khiêm nhường.

          Đặc tính này nơi Đức Ông không phải mình bỉ nhân thấy nhưng dường như tất cả mọi người đều thấy nơi Đức Ông.

          Bằng chứng rõ nét nhất là dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh mục vừa qua.

          Với người khác thì đình đình đám đám và kèn hô hậu ủng nhưng với Đức Ông, Đức Ông vẫn chọn cho mình cung cách mừng Lễ thật "khác người" vì Đức Ông không giống như những người khác.

          Như thường lệ trong Thánh Lễ của họ đạo Mai Phốp, 4 g 30 sáng hôm nay, Thứ Năm 4 tháng 7 năm 2019.

          Mai Phốp hôm nay hân hoan mừng Kim Khánh Linh Mục của "người Mai Phốp".

          Người giảng Lễ trong Thánh Lễ này cũng đơn giản là Cha Sở hiện tại của Mai Phốp. Hiệp thông trong Thánh Lễ này cũng chả ai khác là những người con xuất thân từ quê hương Mai Phốp. Cộng đoàn tham dự thì cũng chỉ ít chị em trong Hội Dòng Cái Mơn bởi lẽ "cô Bảy" (em ruột của Đức Ông) là thành viên cũng như là một người một thời gánh vác giang san của Mến Thánh Giá Cái Mơn).

          Cha Don - Cha Sở Mai Phốp - trong bài giảng của mình, chắc có lẽ hiểu ý Đức Ông nên không cần phải tô son trát phấn hay đánh bóng tên tuổi của Đức Ông làm gì mà chỉ nhắm đến thánh chức linh mục mà thôi. Có chăng Cha Don nói về sự hy sinh của Đức Ông về lại với Vĩnh Long sau chuỗi dài 40 năm phục vụ ở Rôma.

          Vâng ! Quả thực là thế ! Hoa thì tự tỏa hương chứ không cần ai thêm hóa chất, người có chất bỗng nhiên mọi người biết chứ chẳng cần tô son.

          Đức Ông Barnabê của Vĩnh Long là như vậy.

          Cách đây vài năm, sau khi nhận được bài viết về 3 Đức Ông của Việt Nam (3 Đức Ông và cuộc đời trầm lặng : http://conggiao.info/3-duc-ong--cuoc-doi-tram-lang-d-43340), tưởng chừng như bị rầy nhưng Đức Ông rất khiêm tốn : "Cha viết như vậy làm con ngại, con phải sống như những gì Cha viết".

          Và với tâm tình này, bỉ nhân cũng sẽ được Đức Ông nói rằng "Con cố gắng sống như bài viết ..."

          Khổ cái thân ! Cũng đắn đo trước khi chắp bút lắm. Đơn giản là viết về 1 ai đó thích khoe mẽ hay tâng bốc thì rất dễ. Ngược lại, viết về 1 người khiêm tốn thì lại rất khó. Vì có viết bao nhiêu thì cũng không đủ về sự khiêm tốn của người mà mình đang viết.

          Lớn như vậy, chức như vậy, đạo đức cũng như tri thức như vậy mà mỗi lần gặp là cứ "Con ...con ..." Nghe Đức Ông nói mà thấy ngượng. Có những người chưa là gì và chả là gì nhưng lại cứ huênh hoang tự cao tự đại. Một người âm thầm. lặng lẽ và làm biết bao nhiêu việc cho Hội Thánh thì lại cứ khiêm cung.

          Khiêm nhường và sâu lắng như Đức Ông Barnabê cũng không tránh khỏi những cay đắng của cuộc đời.

          Lần nọ, bên ly cà phê đắng, thương lắm nên Đức Ông mới thủ thỉ về vài việc mà Đức Ông bị hiểu lầm và cho là Đức Ông là người ... Nghe như thế mới hiểu rằng đời linh mục không phải là chuyện giản đơn. Sống lành như thế mà cũng không tránh khỏi búa rìu của dư luận cũng như thoát khỏi tâm tà của những anh hùng bàn phím.

          Và rồi, dẫu cuộc đời nổi trôi thế nào đi chăng nữa Đức Ông cũng chẳng hề biện minh. Vẫn lặng lẽ ở góc phòng nhỏ trong Nhà Hưu Dưỡng của Vĩnh Long : "Mấy cha thương con, gọi mấy anh hớt tóc vô Nhà Hưu hớt cho con nhưng con không chịu, con thích ra tiệm hớt để gặp người này người kia để nghe họ nói và thấy người nghèo sống quanh con ...".

          Bữa cơm vỉa hè và ly cà phê cóc vẫn còn đó với khuôn mặt của "anh Năm" thật dễ thương.

          Thật may mắn cho bỉ nhân khi đâu đó được gần với "anh Năm" hơn người khác để học cho mình bài học khó là khiêm nhường. Học bài gì thì dễ chứ bài học khiêm nhường lại rất khó bởi lẽ sống ở trên đời này ai ai cũng "chạy chức mua danh".

          Tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ đã cho Vĩnh Long (cách đặc biệt Mai Mốp) một con người, một linh mục và cũng là Đức Ông thật bình dị và khiêm tốn để như là mẫu mực cho lũ cháu đàn con.

          Xin Thiên Chúa tiếp tục thương yêu gìn giữ Đức Ông trong lòng bàn tay của Chúa để Đức Ông bước đi trong Tình yêu Chúa và mang trái tim mục tử nhân hiền đến cho những người Đức Ông gặp gỡ. Xin Chúa thương gìn giữ Đức Ông trên mọi nẻo đường đời.

     dsc000712  dsc0021123  dsc0024123
dsc00261
dsc002712
dsc0029123
dsc00291234
dsc00301
dsc0031123
dsc00321
dsc003312
dsc0034
dsc0035123
dsc00381
dsc0040
dsc00401
dsc00421
dsc0043
dsc0048123
dsc0049
dsc00501
dsc0052
dsc00521
dsc0058
dsc006112345
dsc0063
dsc0066













 

822    05-07-2019