Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Người Việt Nam ngưỡng mộ tác phẩm tôn giáo của Raphael

 

Triển lãm sẽ giúp khán giả tôn trọng các giá trị tinh thần bị xao nhãng trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng
Bà Lê Thị Thanh Châu (phải) và con gái Hoàng Thị Minh Ngọc thưởng lãm bức ảnh Đức Mẹ và Cá tại triển lãm hôm 12-9.Bà Lê Thị Thanh Châu (phải) và con gái Hoàng Thị Minh Ngọc thưởng lãm bức ảnh Đức Mẹ và Cá tại triển lãm hôm 12-9.

Nhiều người phấn khích trước các giá trị nhân văn và tôn giáo từ các kiệt tác của danh họa thời Phục hưng người Ý được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Sài Gòn.

Trên 25 phiên bản độc quyền của các tác phẩm tuyệt đẹp của danh hoạ Raphael (Raffaello Sanzio) được trưng bày tại nhà triển lãm thành phố do Bảo tàng ở Sài Gòn, Lãnh sự quán Italia và các tổ chức Italia khác tổ chức.

Trong số khách đến thưởng lãm triển lãm có bà Lê Thị Thanh Châu và con gái. Họ cho biết họ cảm nhận được tình mẫu tử khi chiêm ngắm một số tác phẩm Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu.

“Tình mẹ con của Đức Mẹ thật là tha thiết, cứ nhìn cách Bà âu yếm con trai mình thì thấy được liền”, bà Châu, ngụ thành phố Vũng Tàu, nói với con gái. “Tình mẫu tử của phụ nữ Việt Nam cũng đẹp như vậy con ạ”.

Các vị khách ngưỡng mộ bức tranh “Đức Mẹ và Cá” miêu tả câu chuyện hiếu thảo của Tobia. Cậu Tobia được thiên thần hộ mệnh dẫn đường tới câu cá ở một con sông, rồi lấy gan cá để chữa lành bệnh cho người cha đang ốm. Để tạ ơn, cậu bé được thiên thần dẫn đến dâng cá tạ ơn Đức Mẹ.

“Tuy chúng tôi không có đạo Công giáo, nhưng câu chuyện về lòng hiếu thảo khiến chúng tôi rung động và có sự kính trọng tôn giáo này. Họa sĩ thời xưa đã rất tài ba khi vẽ thủ công để chuyển tải thông điệp về bài học làm con, bài học làm người qua bức tranh sống động, có hồn khiến cho người thời nay phải say mê”, bà Châu nói với ucanews.com.

Bà Châu nói các tuyệt tác của Raphael cho thấy nét đẹp của người Ý thời kỳ Phục hưng là sự uy nghiêm, đức độ của người đàn ông, và sự dịu dàng cùng vẻ đẹp thuần khiết, thanh tú, khả ái toát lên từ những gương mặt của người phụ nữ.

Con gái bà là Hoàng Thị Minh Ngọc, sinh viên của Đại học kiến trúc, cho biết thầy giáo dạy môn lịch sử mỹ thuật đã khuyến khích sinh viên đến xem triển lãm này. Đây là lần đầu tiên các tuyệt tác của Raphael được trưng bày ở châu Á.

“Danh họa Raphael là họa sĩ kiệt xuất, cứ xem cách ông thể hiện thần thái trên từng gương mặt của các nhân vật trong tranh sẽ khiến cho người xem như đang trông thấy những con người thật qua những bức ảnh được chụp ngoài đời thực” – Ngọc cho biết.

Sinh viên Đặng Quang Khải cho rằng tranh tôn giáo của Raphael “thể hiện được sự tôn nghiêm, thánh thiêng và sự bình an thể hiện trên nét mặt của mỗi nhân vật, cũng như khung cảnh”.

Khải cho biết triển lãm sẽ giúp khách thưởng lãm biết trân quý các giá trị tinh thần bị quên lãng trong xã hội đang thay đổi nhanh chóng.

Ông Lê Thanh Quý, người trực phòng trưng bày triển lãm, cho biết các ngày thường trong tuần, mỗi ngày có khoảng trên 50 người đến xem. Riêng hai ngày cuối tuần, có đến 250 khách. Một số họa sĩ đến xem, khen ngợi Raphael là tài năng xuất chúng và là tấm gương cho họ về lòng say mê nghệ thuật hội họa.

Ban tổ chức cho biết cuộc triển lãm là để mừng kỷ niệm ba năm ngày thành lập lãnh sự quán Italia tại thành phố.

Danh họa Raphael (1483-1520) sáng tác trên 100 bức họa và kiệt tác kiến trúc trong sự nghiệp của mình.

Cuộc triển lãm cũng là dịp trao đổi giáo dục, văn hóa, thương mại và khoa học giữa hai quốc gia.

Lãnh sự quán Italia sẽ tổ chức một cuộc triễn lãm tranh mang tên “Home: Mái Ấm” của nữ họa sĩ người Ý Laura Federici và họa sĩ người Việt Nam Nguyễn Đạm Thủy từ ngày 29-9 đến 7-10 tới ở thành phố này.

Nguồn tin: UCAN

2037    22-09-2017