Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Nhận nhưng không hãy cho nhưng không

 

Thánh Matthêu đã ghi lại khuôn mặt của mười hai vị tông đồ. Chúng ta biết trong số các môn đệ của Chúa mỗi người Chúa gọi trong một hoàn cảnh khác nhau, gia cảnh khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác cũng khác nhau. Do đó, mỗi người có một kinh nghiệm rất riêng tư trong lần gặp gỡ đầu tiên khi nghe Chúa gọi “hãy theo tôi”. Và các ông đã đến để ở với Người, và để Người sai các ông đi. Trước khi sai nhóm mười hai đi truyền giáo Chúa căn dặn các môn đệ đủ điều, nào là phải làm gì ? phải đi đến đâu và mang theo những gì?...và một trong những mệnh lệnh có thể nói là quan trọng nhất cho các môn đệ trước khi lên đường truyền giáo đó là: “ Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”.

Chúa Giêsu sai các Thánh Tông Đồ đi công bố cho mọi người biết Nước Trời đã gần đến. Đây là tin vui mừng cho những ai đang đợi chờ ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu độ dân Người. Nhưng đối với những ai thờ ơ, dửng dưng, không mong đợi Triều Đại Thiên Chúa thì việc rao giảng của các Tông Đồ sẽ là sự phiền hà, quấy rầy họ. Tuy nhiên, dù người ta có đón tiếp hay không thì các Tông Đồ vẫn cứ rao giảng, vẫn chào chúc bình an cho họ. Bởi vì bổn phận của các ngài là thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, động lực thôi thúc các ngài là lời nhắn nhủ của Thầy Chí Thánh: “các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8b).

       Đây là dấu hiệu của Nước Trời hiện diện và cũng là quyền năng của Thiên Chúa thống trị trên mọi sự dữ, đau khổ chết chóc và ma quỉ. Đây không phải là do sự đạo đức hoặc công trạng của vị truyền giáo, nhưng đó là ân huệ Thánh Thần, là ơn riêng Thiên Chúa ban cho những người mà Ngài sai đi: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không” vị truyền giáo chỉ là người quản lý ân huệ của Thiên Chúa và người quản lý tốt biết phân phát cho mọi người tuỳ theo nhu cầu phân phát một cách vô vị lợi mà không mong đáp trả vì mọi sự chúng ta nhận được là do tình thương của Thiên Chúa.

Điều này trên thực tế, chúng ta dễ quên nên đòi hỏi phải được điều này, điều kia. Khi giúp ai điều gì, chúng ta luôn mong “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” hoặc “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Hoặc có khi chúng ta không mong đáp đền nhưng lại đòi buộc người kia phải ghi lòng tạc dạ công lao của chúng ta. Vì thế, công cuộc truyền giáo của chúng ta bị trì trệ hoặc chẳng phát triển là bao. Số người theo đạo chỉ vì hôn nhân, chứ thực lòng họ yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa thì được mấy ai, nên sau đó có người đã “ con lấy được vợ con thôi nhà thờ”.

Chúa muốn chúng ta phải mang sức lực, của cải, tài năng, và tất cả những hồng ân Ngài đã ban vào thế gian để chữa lành bệnh tật, hồi sinh kẻ chết và nhất là xua đuổi tà thần. Bệnh tật và sự chết ở đây là bệnh tật và sự chết phần hồn. Hiện nay tà thần đang mơn mởn khắp nơi mà ít người nhận ra chúng. Chúng chẳng cần cám dỗ ai cả vì đang có không biết bao nhiêu người tình nguyện phục vụ chúng. Không những chỉ những người trần thế, mà cả những người cứ tưởng rằng mình là con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.

Đi truyền giáo với hai bàn tay trắng với tinh thần khó khăn nghiêm ngặt của dòng, các cha hoàn toàn trông cậy ở Chúa quan phòng. Thấy các cha là những nhà tu hành, đi chân không, mặc áo thô, khác hẳn với những lái buôn Bồ, ăn mặc lụa lĩnh gấm vóc thêu thùa, dân chúng rất kinh nể và đem cơm đưa canh để nuôi các cha, như các nhà sư ở đó.Khi tàu buôn người Bồ nhổ neo thì cha kia cũng rút lui theo để lại cha Ru-i (Bartolomé Ruiz) một mình. Phải là con người có chí hy sinh lắm để có thể sống một mình giữa những người hoàn toàn xa lạ từ tiếng nói, phong tục cho đến cả những tín ngưỡng tôn giáo, một mình để bắt đầu một công cuộc lớn lao đòi hỏi những cố gắng ghê sợ.

Chỉ có ai đã từng được yêu mới biết cách để yêu, đã từng được nhận lãnh mới biết cách trao ban. Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta một tình yêu nhưng không, chúng ta được yêu không phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng vì chúng ta được yêu nên chúng ta trở nên đáng yêu. Nói đến tình yêu Thiên Chúa là nói đến một tình yêu trao ban, một tình yêu thí mạng vì người mình yêu.

Ra đi với sứ mạng truyền giáo chúng ta phải luôn làm cho những kinh nghiệm riêng tư với Chúa được sống động, và một tình yêu đã được thanh luyện trong khi kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ đó, những nơi chúng ta được Chúa sai đến nhân loại có được những dấu chỉ về Nước Thiên Chúa, người bệnh được chữa lành, kẻ đói được no, người sầu khổ được an ủi.

           Sứ giả của Chúa cần mang dáng dấp của người lữ hành, không có phương tiện tự vệ và tuỳ cơ ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi chúng ta thường nại vào câu nói “ thợ đáng được nuôi ăn” mà chúng ta nhận rất nhiều của cải, tiền bạc, phương tiện... vì cho rằng : để phục vụ Tin Mừng. Thậm chí chúng ta còn đòi buộc người khác phải biết ơn, cung phụng cho chúng ta chỉ vì chúng ta là người của Chúa. Như thế chúng ta đã làm lu mờ, thậm chí bóp méo khuôn mặt phục vụ vô vị lợi của Thầy Chí Thánh “ Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45).

Nếu nói theo thánh Phaolô “có gì mà không do anh em đã nhận lãnh”, thì cuộc sống phải là một đời cho đi mãi mãi. Mà ngẫm nghĩ cho cùng, quả thực tất cả những gì chúng ta có đều là đã nhận lãnh được từ tình yêu của mọi người. Chúng ta sinh ra trần truồng, chính tình yêu đã bồi đắp và cho chúng ta được như ngày hôm nay. 

 

Cuộc đời của mỗi người cha, người mẹ chính là hình ảnh khá trung thực của tình yêu : một sự cho đi cho đến cùng. Và điều ấy không chỉ làm nên hạnh phúc cho người con, mà cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ. Ngược lại, khi cha mẹ chỉ lo thu tích của cải, ngay cả với con cái cũng tính chi ly từng giờ từng phút, thì không những họ phá hủy quyền được hạnh phúc của con cái, mà chính họ cũng sẽ rơi vào sự đau thương. Đó là bài học khó học ở đời.

3125    12-07-2017