Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Nhận ra Chúa giữa đời thường

Thánh Luca thuật lại việc các môn đệ đi đường trong ngày Phục sinh: họ rời xa Giêrusalem và xa cộng đoàn anh em. Họ muốn bỏ lại sau lưng cái quá khứ liên quan đến Đức Giêsu, nhưng họ lại không thể không nói ra cái gánh nặng chất chứa trong lòng: Đức Giêsu bị kết án, chết trên thập giá….không phải là Đấng Cứu Độ đã hứa sao.

Cả hai đều trầm ngâm, không nhận ra vị khách đang đồng hành với họ trên đoạn đường thất vọng ấy. Niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa không đủ để họ vượt lên trên hình ảnh cái chết của Thầy. Và do đó họ chẳng hiểu vị khách ấy muốn nói gì khi nhắc đến Môsê và các tiên tri.

Trên con đường trở về làng quê Emmaus chiều tối hôm ấy có bước chân mỏi mệt thất vọng của hai môn đệ. Họ thất vọng vì bao năm theo Chúa Giêsu làm môn đệ, giờ đây Chúa đã chết. Đối với họ, sự nghiệp giờ đã tan thành mây khói nên họ buồn bã cất bước trở về quê nhà trên quãng đường dài khoảng 11km.

Ngay lúc đó, Chúa Phục Sinh hiện đến cùng đồng hành với họ. Ngài vừa sánh bước, vừa giải thích Kinh Thánh cho họ hiểu rằng Ngài phải trải qua đau khổ, chịu chết rồi mới phục sinh.

Và cuối đoạn đường, khi ngày đã sắp tàn, họ đã mời Chúa Phục Sinh ở lại với họ. Ngài đã ngồi vào bàn ăn, đọc lời chúc tụng trên bánh và bẻ ra trao cho hai ông. Chính lúc ấy, họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh và họ lập tức quay trở lại báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ.

Từ Giê-ru-sa-lem đi Em-mau đường chim bay dài khoảng gần 12km, một con đường khá dài với khách bộ hành. Con đường ấy lại càng như dài vô tận với hai môn đệ mệt mỏi, rã rời bỏ cuộc, về lại quê cũ. Cùng với người bạn đồng hành Giê-su, những cây số đường dài ấy rồi cũng kết thúc.

Thế nhưng quan trọng hơn, nỗi buồn, lòng tuyệt vọng của hai môn đệ cũng tan biến theo từng cây số. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu này? Thưa, nhờ người bạn đồng hành Giê-su: lời gợi ý để họ thổ lộ, tâm tình lắng nghe, lời giải thích ý nghĩa đau khổ trong chương trình cứu độ. Nhờ đó, "lòng họ bừng cháy lên," ý nghĩa đời sống trở nên rõ nét hơn, đêm đen trở thành ánh sáng ban ngày.

          Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay đã chán nản, bỏ cuộc, không còn nhìn thấy Thầy Giêsu trong hành trình cuộc đời của mình nữa. Chính vì vậy mà: “Có hai người trong nhóm môn đệ đi đên một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số” (Lc 24, 13). Họ đã bỏ Giêrusalem. Tuy nhiên khi Đức Giêsu đến đàm đạo với họ: “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27), thì: “khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng lên đó sao?” (Lc 24, 32). Đặc biệt là: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người” (Lc 24, 30-31).

Làm sao hai ông có thể nhận ra, vì Thầy đã chết rồi và đối với các ông lúc này Thầy vẫn là “đang chết”. Chúa phục sinh nhẹ nhàng, không rung động trời đất, nên nghe mấy người nói mà các ông bỏ ngoài tai, chả còn gì để mà hy vọng hiển trị với Thầy. Đang chán chường thì Thầy “đóng kịch” mào đầu câu chuyện: “Các ông vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Ga 24, 17); họ buồn mà kêu ông là người duy nhất không biết chuyện tày trời xảy ra trong thành mấy hôm nay. Thầy cứ nhẹ nhàng xen vào chuyện của các ông mà hỏi tiếp, thế là các ông thành thật kể một lô cho Thầy rõ chuyện. Lúc này vị khách lạ mới nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Ga 24, 25-26) (Chính bản thân con đây cũng được mở mắt và thay đổi cái nhìn về đau khổ bệnh tật của mình với chính lời này của Chúa). Rồi các ông được nghe chính Chúa giải thích những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Quả thật khi tiếp cận với Lời hằng sống, chính Lời sẽ cho con gặp được Chúa. Khi con biết “lắng nghe”, chính Lời sẽ cho con “thấy” và được thêm sức sống dồi dào.

Ba người cùng đi hết đoạn đường, Người khách lạ giả vờ còn phải đi tiếp xa hơn. Nhưng sao gần gũi thân thương quá chẳng muốn rời! “say mê” rồi! Họ nài ép Người “ở lại” với họ. Khi đồng bàn với họ, Người làm những cử chỉ y như mấy hôm trước trong bữa tiệc ly. Mắt họ bừng mở nhận ra, thì Người lại biến mất. Thảo nào, họ nhớ lại những giờ được lắng nghe Lời Người và nhìn nhận: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Ga 24, 32). Quả thực Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui khi con biết sống trong Lời.

Con đường đi về làng quê Emmaus năm xưa của hai môn đệ tượng trưng cho con đường lữ hành của mỗi chúng ta hôm nay. Trên con đường lữ hành của chúng ta hôm nay chắc chắn cũng sẽ có những buồn chán của thất bại, những chán chường của đổ vỡ, chia ly, những mỏi mệt của gánh nặng cơm áo gạo tiền …

Mặc dù Đức Kitô vẫn đồng hành với họ trong cuộc đời, nhưng mắt họ vẫn còn bị che khuất. Chỉ nhờ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, họ mới có thể nhận ra Chúa mà thôi. Ngay khi nhận ra Chúa, “họ đứng dậy quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm mười một và các bạn hữu đang tụ tập tại đó” (Lc 24, 33).

Trong những đoạn trường đó, chúng ta hãy vững tin rằng Chúa Kitô Phục sinh đang đồng hành và nâng đỡ mỗi người chúng ta trong từng bước đi của cuộc sống. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi buồn, trong những thành công cũng như thất bại, trong tiếng cười cũng như nước mắt.
CTV TT VL 

 

 

827    18-04-2017