Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Nhiệt thành như Thánh Barnaba

11/06/2019

Thứ Ba Mùa Thường Niên 

Thánh Barnabas TD

 Cv 11, 21b-26; 13, 1-3; Mt 10, 7-13

NHIỆT THÀNH NHƯ THÁNH BARNABA

          Ngày hôm nay cùng với Giáo Hội ta dâng Lễ kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là "người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi". Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.

          Và rồi ta thấy chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.

          Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.

          Tại Líttra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.

          Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.

          Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.

          Trở lại vơi trang Tin Mừng mừng lễ Thánh Barnaba hôm nay, ta thấy hi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết, chi tiết đến độ không thể thực hiện được: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy”; và Đức Giê-su còn có nhiều lời mời gọi tương tự (Mt 5, 19-48). Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (Ga 15, 5; 21, 3-6).

          Đức Giêsu cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bởi lẽ, Lời Chúa là thần khí (2 Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng mời gọi chúng ta tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của ngài gợi ra.

          Nước Trời là nơi Thiên Chúa hiện diện. Qua biến cố Nhập Thể, “Nước Trời” đã đến gần với con người. Đức Giêsu Kitô chính là sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Giêsu đến để xóa bỏ ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, giữa Nước Trời với thế gian. Bởi đó, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã rao giảng: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng sai các Tông Đồ ra đi và rao truyền cùng một sứ điệp: “Thiên Chúa yêu thương con người”. Tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua việc Chúa Giêsu trao ban quyền năng cho các Tông Đồ để các ông có thể làm những điều vượt khả năng con người. Đó là làm cho người đau yếu được lành, người chết được sống lại, người phong hủi được sạch, người giam cầm được tự do. Qua đó, những ai đang đau khổ, buồn phiền, thất vọng, bị bỏ rơi được hưởng trọn vẹn tình yêu của Chúa.

           Khi sai họ đi, Chúa Giêsu không đòi hỏi các Tông Đồ điều gì quá sức, chỉ là những gì “đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8b). Điều mà các Tông đồ nhận được cách nhưng không từ Chúa không gì khác hơn chính là tình yêu. Đến lượt mình, các Tông Đồ đã ra đi và loan báo tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người. Đó là truyền giáo. Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi ra đi và làm cho môi trường chúng ta sinh sống trở thành nơi tình yêu Chúa hiện diện, cụ thể, trong gia đình, nơi xứ đạo, trường học, công xưởng và ngoài xã hội.

          Lời dặn của Đức Giêsu thật là nhiệm nhặt : “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy”. Nếu chúng ta làm theo, không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí không đi được : đừng đi dày dép và gậy (phương tiện đi lại).

          Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có các phương tiện và tài năng, thì tất cả là ơn huệ Chúa ban để chia sẻ và phục vụ.

          Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Barnaba tông đồ, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để chúng ta tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng sức lực, tài lực và cả của cải. Nhất là xin Chúa ban cho chúng con có tinh thần khó nghèo, siêu thoát và khiêm tốn hầu trở nên khí cụ bình an của Chúa trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, theo mẫu gương của thánh Barnaba tông đồ.


992    10-06-2019