Sự thay đổi về kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và tư cách là thành viên trong gia đình Thiên Chúa

Câu chuyện về ông Cornêliô trong Sách Công Vụ, chương 10 là một minh họa ấn tượng về việc Thiên Chúa muốn đến với mọi người cách sâu sắc thế nào.

Đó cũng là bằng chứng sâu sắc của các tông đồ rằng sự sống mới nhờ Chúa Giêsu không chỉ giới hạn vào những người Do Thái đặt niềm tin vào Chúa. Sự sống mới trong Chúa Kitô đã có sẵn đó cho mọi người.

Cornêliô là một binh sĩ chuyên nghiệp (đại đội trưởng của cơ đội Italia) đóng quân tại Xêdarê, thủ đô của La Mã ở Palestine. Thánh Luca mô tả Cornêliô và toàn thể gia đình ông là những người đạo đức, quảng đại với những người nghèo và là những người kính sợ Thiên Chúa (x. Cv 10,2). Dường như đó cũng cách sống đạo của họ vượt ra khỏi phạm vi gia đình huyết thống của họ và bao gồm cả những người đầy tớ trong nhà cũng như một số binh lính dưới quyền chỉ huy của Cornêliô. Rõ ràng Cornêliô là một con người thật ấn tượng: con người cầu nguyện, quảng đại và có tâm hồn cởi mở. Vậy tại sao ông và gia đình ông cần sự chuyển đổi?

Một ngày kia, khi Cornêliô đang cầu nguyện, Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến với ông. Phải chăng Thiên Chúa đã sai thiên sứ này vì Người đã nhìn thấy Cornêliô đói khát (Thiên Chúa) nhiều biết chừng nào? Đó có phải vì cách Cornêliô tôn trọng các người đầy tớ của mình và cách ông quan tâm, chăm sóc những người nghèo khổ? Có lẽ đó là sự kết hợp cả hai lý do. Trên hết, thiên sứ bảo Cornêliô: “Lời cầu nguyện và việc cứu trợ của ông đã thấu tòa Thiên Chúa khiến Người nhớ đến ông” (Cv 10,4). Rồi thiên sứ bảo Cornêliô hãy sai người đi mời Phêrô đến và hãy lắng nghe những gì ông Phêrô nói.

Như ở rất nhiều chỗ trong Thánh Kinh, câu chuyện về Cornêliô cho thấy rằng ân sủng của Thiên Chúa hiện diện ngay sau mỗi cuộc hoán cải. Việc thiên sứ hiện ra với Cornêliô nhấn mạnh rằng Thiên Chúa sẽ dịch chuyển thời gian và không gian của Người. Nhưng câu chuyện này cũng nhấn mạnh cả mầu nhiệm đặc biệt lẫn thực tại hiển nhiên. Thực tại hiển nhiên là những lời cầu nguyện và hành động bác ái (yêu thương) của chúng ta có thể giúp chúng ta mở lòng mình ra với Thiên Chúa khi Người đã sẵn sàng hành động. Nhưng mầu nhiệm đặc biệt là nhờ chính những hành động cầu nguyện và bác ái này, dường như chính chúng ta có thể lay động (khiến) Thiên Chúa hành động.

Trong vòng hai mươi bốn giờ xảy ra thị kiến của Cornêliô, Phêrô đã có thị kiến của chính ông khi ông đang cầu nguyện trên sân thượng của một người bạn. Ngay khi Phêrô đang bối rối về thị kiến này, trong đó có một “bữa tiệc” gồm các loài động vật mà người Do Thái cho rằng không được ăn, thì một đoàn người do ông Cornêliô phái đến đã đến trước cửa nhà (nơi Phêrô đang ở). Khi những người này định mời Phêrô đi cùng với họ, Phêrô đã cảm thấy Chúa Thánh Thần khích lệ ông nên đi cùng họ. (Có lẽ Phêrô cần sự nâng đỡ tinh thần này trước khi ông phó mình cho một người lính Rôma!)

Tràn trề lòng mong đợi và phấn khởi, ông Cornêliô đã mời tất cả bạn hữu, láng giềng và những người họ hàng của ông cùng đến lắng nghe Phêrô. Điều hết sức ngạc nhiên ở đây là ông Cornêliô không biết Phêrô sẽ nói gì. Ông chỉ suy luận cách đơn giản rằng nếu toàn bộ biến cố đã được sắp xếp bởi một thiên sứ, thì hẳn sẽ có một điều gì đó rất đặc biệt phải xảy ra. Chính vì thế, ông muốn những người khác có cơ hội trải nghiệm bất cứ điều gì Thiên Chúa sẽ thực hiện. Tâm thế háo hức của Cornêliô – một trong những niềm phấn khởi, sự mong chờ và sự cởi mở hết lòng của ông – đã cho Thiên Chúa tự do thực hiện cuộc chuyển đổi kỳ diệu này.

Thiên Chúa đã đáp lại những lời cầu nguyện của Cornêliô.

Khi Phêrô bắt đầu rao giảng Phúc Âm, Thánh Thần đã tác động cách mạnh mẽ và mọi người trong nhà đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và lòng họ đã quy hướng về Chúa Giêsu. Được tràn ngập Thánh Thần, những người dân ngoại này đã bắt đầu ngợi khen Thiên Chúa và thậm chí họ còn nói tiếng lạ. Giống như Phêrô đã trải nghiệm tại Lễ Ngũ Tuần đầu tiên! Do vậy, chúng ta có thể nói đây là “Lễ Ngũ Tuần thứ hai (II)”, một Lễ Ngũ Tuần (Chúa Thánh Thần hiện xuống) dành cho Dân Ngoại.

Một số cuộc hoán cải (chuyển đổi) ban đầu – như Thánh Augustinô – đó là những sự kiện đầy ấn tượng trong đó một người từ bỏ một cuộc sống ngập tràn tội lỗi và tự đặt mình là trung tâm và rồi trải nghiệm một sự chuyển đổi trọn vẹn. Các cuộc chuyển đổi khác – như của Cornêliô – được thực hiện không mấy nhấn mạnh đến sự sám hối nhưng tập trung chủ yếu vào việc nhận biết Chúa Giêsu là ai và trải nghiệm Người yêu thương chúng ta nhiều biết chừng nào.

Nhưng cho dẫu những chi tiết đặc biệt thế nào, mỗi sự chuyển đổi là tất cả những gì về kinh nghiệm và tư cách thành viên (người được biến đổi). Đối với Cornêliô và gia đình của ông, kinh nghiệm tập trung vào việc ban tràn đầy tình yêu của Chúa Giêsu vào trong tâm hồn của họ – một sự trao ban ơn sủng và những ơn huệ tinh thần giúp lay động lòng họ quay về với Chúa trong đức tin. Và tư cách thành viên đã hiển nhiên khi Phêrô nhận ra rằng cả những người Dân Ngoại này cũng đã được mời gọi trở thành thành viên của Giáo Hội.

Nhưng Thiên Chúa đã không giới hạn công trình của Người nơi Cornêliô và gia đình ông. Người cũng dành riêng cho Phêrô một số ngạc nhiên. Dường như chúng ta luôn lãnh nhận được nhiều hơn những gì chúng ta trao ban khi chúng ta đáp lại (lời mời gọi của) Chúa, và chuyến đi của Phêrô đến nhà của Cornêliô cũng thế. Ngay khi Thiên Chúa đang tuôn đổ Thánh Thần của Người xuống trên những người Dân Ngoại, thì Người cũng đang biến đổi Phêrô nhiều hơn nữa.

Thiên Chúa Trời đang mở rộng tầm nhận thức của Phêrô và chỉ cho ông thấy rằng Dân Ngoại cũng xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ như người Do Thái. Trong ngày “Lễ Ngũ Tuần thứ hai” này, Phêrô đã chứng kiến những người Dân Ngoại – những con người mà người Do Thái luôn cho là những kẻ ô uế và không xứng đáng – được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, họ đang nói tiếng lạ và nói tiên tri giống như Phêrô và những người khác đã thực hiện ở Giêrusalem. Ở đây, vùng Xêdarê xa xôi, Thiên Chúa đã mạc khải cho Phêrô một kế hoạch vĩ đại hơn nhiều so với những gì Phêrô đã biết trước đó chỉ vài khoảnh khắc.

Phêrô đã nhận lấy một cấp độ nữa trong đức tin khi ông tuân phục Thánh Thần và đi gặp ông Cornêliô. Phêrô đã thực hiện một cấp độ đức tin lớn hơn nữa khi ông thực sự đi vào nhà của Cornêliô. Bởi lẽ thật là bất hợp pháp khi một người Do Thái vào nhà của một người Dân Ngoại. Giờ đây, Thiên Chúa đang đòi Phêrô phải thực hiện một cấp độ đức tin khổng lồ và chấp nhận rằng ngay cả Dân Ngoại cũng được cứu chuộc nhờ thập giá của Chúa Kitô và họ phải được tiếp đón như là những thành viên của Giáo Hội.

Đây là một thách đố ghê gớm cho Phêrô và ông chỉ có thể chấp nhận điều đó khi Chúa Thánh Thần mở đôi mắt cho ông và giúp ông đón nhận con đường mới mẻ này. Cũng vậy, trong cuộc sống của chúng ta có những lần Thiên Chúa tìm cách mở rộng tâm trí của chúng ta và mạc khải thêm kế hoạch của Người cho chúng ta. Khi điều này xảy ra, chúng ta cần phải nỗ lực hết sức để thích ứng với sự hiểu biết mới của chúng ta – ngay cả khi điều đó dường như trái ngược với những quan niệm và niềm tin có sẵn của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của một bác sĩ phẫu thuật thành công tên là Mark.

Một ngày kia, khi đang từ văn phòng trở về nhà, Mark trông thấy một người đàn ông nghèo khổ, vô gia cư đang ngồi gần một góc đường để ăn xin. Bình thường, Mark sẽ đi ngang qua một cảnh tượng như vậy mà không phản ứng gì cả, nhưng lần ấy, Mark đã cho người đàn ông một ít tiền. Hình ảnh người đàn ông đáng thương đó in lại trong ký ức của Mark, như một sự tương phản hoàn toàn với cuộc sống của chính anh. Trong mấy tháng kế đó, Mark bắt đầu cho cho người nghèo nhiều hơn: cho nhiều tiền hơn, nhiều thời gian hơn và nhiều tâm tình hơn. Trong vòng một năm, Mark cảm thấy được thúc đẩy để giảm bớt thời gian hành nghề y của mình xuống bán thời gian và anh đã mở một phòng khám sức khỏe tại một khu vực hẻo lánh của thị xã. Mười năm sau, ngày hôm nay, dẫu kiếm được ít tiền hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng Mark thực sự không nhớ cuộc sống quá khứ của mình. Giờ đây, hễ khi nào Mark ngẫm nghĩ về tất cả những gì đã xảy ra, anh kinh ngạc về việc Thiên đã Chúa dùng một cuộc gặp gỡ nhỏ bé với một người đàn ông vô không cửa không nhà để đặt anh vào một con đường mới mẻ và bất ngờ.

Cornêliô và gia đình ông đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trước khi có bất kỳ sự sám hối ăn năn nào từ phía họ và trước khi họ chịu phép rửa. Các sự kiện liên tiếp đáng kinh ngạc này cho thấy rằng không có một mẫu thiết lập sẵn nào cho sự chuyển đổi. Thiên Chúa làm việc trong nhiều cách thức khác nhau, và theo như Chúa muốn, kết quả là: một người được tràn đầy đức tin và yêu mến Chúa Giêsu thì quan trọng hơn nhiều so với tiến trình.

Trước đó, chúng ta hẳn đã thắc mắc vì sao một gia đình tốt lành và thánh thiện như Cornêliô lại cần phải trải nghiệm sự chuyển đổi. Câu trả lời là không có Chúa Giêsu, chúng ta thực sự không  biết được chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta không biết việc được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì. Chúng ta không biết đến Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông với Chúa Kitô. Chúng ta không biết Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu Thế và là Anh của chúng ta.

Căn cứ vào những gì chúng ta biết được từ Thánh Kinh, thậm chí chúng ta có thể nói rằng Cornêliô và gia đình ông có lẽ đã được cứu độ cho dẫu Tông đồ Phêrô có đến hay không. Như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Mầu nhiệm ơn cứu độ mở rộng ranh giới vượt ra khỏi (phạm vi của) Kitô giáo”. Nhưng Thiên Chúa còn muốn ban cho chúng ta nhiều hơn một kinh nghiệm ban sơ về ơn cứu độ. Người muốn chúng ta vui hưởng một mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn tắm gội chúng ta bằng tất cả những lời Người đã hứa và lấp đầy chúng ta không gì khác hơn là sự sống thần linh, trong sự hợp nhất với tất cả các thành viên khác trong thân mình của Chúa Kitô.

Đây là câu trả lời mà Thiên Chúa đã dành cho Cornêliô và gia đình ông. Trước khi Phêrô đến, Cornêliô và những người trong gia đình ông đã biết (về Thiên Chúa), nhưng sự hiểu biết của họ còn giới hạn. Thậm chí họ có thể đã có một số trải nghiệm tâm linh, nhưng đó chỉ là một phần. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể có mối tương quan với Chúa Giêsu và sống trong Thần Khí mỗi ngày, hoặc chúng ta có thể giải quyết với một lối giải thích giới hạn về tất cả mọi sự mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta.

Hoán cải là một ân sủng thúc đẩy chúng ta quay lưng lại với tội lỗi và hiến dâng chính bản thân chúng ta cho Chúa Giêsu – và rồi tiếp tục quy hướng về Chúa ngày càng sít sao (sâu sắc) hơn. Giờ đây, tất cả chúng ta hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu ban ơn hoán cải cho gia đình, các bạn hữu và cho cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin để tất cả chúng ta được vui hưởng tình yêu và tình bạn với Chúa Giêsu trong mọi cách có thể.

Hôm nay và mỗi ngày, bạn hãy nói với chính mình trong cầu nguyện: “Tôi muốn sống không phải cho thế gian nhưng cho Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ của tôi. Tôi muốn quay lưng lại với mọi thứ xấu xa và hướng về những gì sẽ mở ra những cánh cửa ân sủng và cho phép ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu sáng trên tôi”.

Theo The Word Among Us [au.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương